Nhà Trắng giải thích lý do tại sao không áp lệnh trừng phạt ông Putin và không áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc như với Nga.
Nga và Mỹ “không đội trời chung” còn Mỹ và Trung Quốc “vừa là đối thủ, vừa là đối tác”.
Quốc hội Mỹ dự định trừng phạt Tổng thống Nga Putin
Vừa qua, trong cuộc phỏng vấn của “Radio Liberty”, 3 thượng nghị sĩ Mỹ gồm hai chính khách của đảng Cộng hòa Lindsey Graham, John McCain và đại diện đảng Dân chủ Amy Klobushar cho biết: các nhà lập pháp Mỹ có ý định vào đầu năm 2017 sẽ thông qua biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga.
Theo ông Graham, những hạn chế có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ông Putin và những người thân cận với Tổng thống Nga. “…cách duy nhất để Moscow thay đổi quan điểm và cách hành xử là buộc nền kinh tế Nga dưới thời Putin phải trả giá đắt” – ông nói thêm.
Đến lượt thượng nghị sĩ McCain, ông cảnh báo Hoa Kỳ có thể làm cho trừng phạt trở nên nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Mỹ không nói rõ, ngoài người đứng đầu nhà nước Nga, vấn đề này còn liên quan đến ai nữa.
Nhà lập pháp này bày tỏ tin tưởng rằng Quốc hội sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt mới. Tuy nhiên, ông cũng không dám chắc là liệu nhà tỷ phú Donald Trump, người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20 tháng 1 có đặt bút ký vào văn bản này để nó có giá trị pháp lý hay không.
3 chính trị gia Mỹ đều tin rằng, sự hỗ trợ của tin tặc Nga đã giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Vị Tổng thống mới đắc cử đã chỉ ra rằng, những cáo buộc nhằm vào ông và Moscow là trò lố bịch và chẳng có cơ sở thực tiễn nào.
Đề cập tới những cáo buộc Nga phá hoại mạng thông tin bầu cử Mỹ để hỗ trợ ông Donald Trump, Tổng thống Putin nói rằng, các dữ liệu được công bố chẳng phục vụ lợi ích nào cho Nga và cơn kích động được thổi phồng hòng đánh lạc hướng sự chú ý tới nội dung cơ bản.
Ngày 4/1, trả lời các câu hỏi của phóng viên về việc vì sao Washington không áp lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest đã giải thích rằng, việc trừng phạt nguyên thủ của một nước khác là vấn đề hy hữu và cực kỳ bất đắc dĩ.
“Theo chính sách áp lệnh trừng phạt, các nguyên thủ nước ngoài được nêu tên trong danh sách đen chỉ ở những hoàn cảnh nhất định. Sẽ là quá bất thường nếu ông Putin xuất hiện trong danh sách này” vì các cáo buộc tấn công mạng hệ thống bầu cử Mỹ – ông Ernest nói.
Tại sao Mỹ không cứng rắn với các cáo buộc tương tự đối với Trung Quốc?
Trong cuộc phỏng vấn, các phóng viên còn đề nghị Nhà Trắng làm rõ nguyên nhân tại sao Mỹ không phản ứng mạnh mẽ như vậy với cuộc tấn công mạng vào hệ thống máy tính chính phủ Mỹ năm 2015, mà Washington cáo buộc Bắc Kinh thực hiện.
Khi ấy, chính phủ Mỹ chỉ công khai thông báo với các nhân viên rằng thông tin cá nhân của họ có thể đã bị đánh cắp. Ông này cho rằng, “cả hai vụ việc đều có bản chất độc hại, nhưng tính chất của chúng khác biệt đáng kể”.
Đồng thời, người phát ngôn Nhà trắng tuyên bố sẽ không nói về các hành động đáp trả của Hoa Kỳ với cuộc tấn công mạng năm 2015. “Chúng tôi đã có thông báo công khai, nhưng tôi không thể nói về những gì đã được thực hiện ở cấp độ cá nhân” – ông Ernest nói.
Bình luận về mối quan hệ Trung-Mỹ, ông Pavel Zolotarev, Phó giám đốc Viện Mỹ và Canada cho rằng, nền tảng quan hệ kinh tế gần gũi là một đảm bảo rằng, bất chấp mọi xung đột, kể cả trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiến lại gần với nhau và gạt bỏ mọi khúc mắc.
Ông nhận định rằng, khác với mục đích chống lại đối thủ khác biệt về ý thức hệ và cạnh tranh địa vị thống trị toàn cầu là Nga, những tuyên bố cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc về tấn công mạng trong thời gian qua có thể chỉ là con bài để “làm giá”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đang ở trong tình trạng “vừa xung đột, vừa mặc cả”, thể hiện rõ xu hướng chủ đạo trong quan hệ giữa 2 cường quốc này là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”; “vừa kìm chế lẫn nhau nhưng lại phụ thuộc không thể tách rời”.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Nhà nước Nga Vladimir Yevseyev cho biết, Trung-Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thỏa hiệp tiềm năng cho Washington và chấp nhận được đối với Bắc Kinh, nhưng đối với Nga, điều này sẽ không bao giờ xảy ra trong nhiệm kỳ của Obama.
Những thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách đối với Nga chỉ có thể đến khi ông Donald Trump chính thức ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo Nhà Trắng. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn rất nhiều biến động khó lường vì sự chi phối của các thế lực chính trị ở Mỹ đối với tân Tổng thống Mỹ.