Báo Liberty Times (Đài Loan) dẫn tuyên bố của quân đội Đài Loan hôm 4/1 khẳng định đã bố trí tên lửa phòng không và chống hạm ở phía tây hòn đảo này cùng các đảo phụ cận.
Lực lượng vũ trang Đài Loan đe dọa nếu tàu sân bay Liêu Ninh cùng các chiến hạm cỡ lớn của Trung Quốc đại lục “dám đi qua eo biển Đài Loan” thì “họ sẽ chỉ thêm sợ hãi”, bởi Đài Loan đã sẵn sàng hàng trăm quả tên lửa các loại, sẵn sàng nhằm thẳng vào các mục tiêu lớn.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu cho hay, tàu Liêu Ninh cùng 5 tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc từng đi vòng qua vùng biển phía Đông đảo Đài Loan hồi cuối tháng 12. Bộ ngoại giao Trung Quốc ngày 4/1 xác nhận, nhóm tàu này đang tiến hành tập trận ở biển Đông với mục đích “thử nghiệm tính năng vũ khí”.
Truyền thông Đài Loan dự đoán sau khi kết thúc hoạt động ở biển Đông, biên đội tàu Liêu Ninh sẽ đi qua eo biển Đài Loan để trở về đại lục.
Trong bối cảnh nhà lãnh đạo Thái Anh Văn có kế hoạch khởi hành chuyến công du Trung Mỹ và Nam Mỹ ngày 7/1, đặc biệt sẽ quá cảnh tại New York bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, giới quan sát Đài Loan tin rằng động thái của tàu sân bay Trung Quốc vào thời điểm này “phủ đầy sắc thái khiêu khích”.
Đại diện quân đội Đài Loan cho biết họ đang “quan sát chặt chẽ” khả năng tàu Liêu Ninh trở về đại lục vào giai đoạn này, hay liệu nhóm tàu này có dấu hiệu đe dọa Đài Loan.
Cơ quan quốc phòng Đài Loan chưa đưa ra bình luận chính thức về lộ trình quay về Trung Quốc của tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng khẳng định họ chuẩn bị tốt để ứng phó tùy theo diễn biến phát sinh.
Theo đó, nếu tàu Liêu Ninh tiến vào vùng biển phụ cận đảo Đài Loan, lực lượng vũ trang của chính quyền Đài Loan sẵn sàng xuất kích máy bay săn ngầm P-3C, IDF, F-16 cùng các máy bay Mirage để cảnh cáo. Trên biển sẽ có các chiến hạm lớp La Fayette, lớp Chenggong hay lớp Kidd, bên cạnh trận địa tên lửa trên đảo nêu trên.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu tự tin nhận định rằng chiếc Liêu Ninh hiện được kết hợp với hơn 10 chiến đấu cơ J-15 và trực thăng Z-10 trên tàu, mang lại sức chiến đấu tốt và khi cất cánh có thể tiếp cận ở khoảng cách rất gần với “vùng đánh chặn” trên không của Đài Loan.