Việc Việt Nam chế tạo thành công loại đạn 30mm dành cho pháo AK-630 có thể giúp chiến hạm Việt Nam yên tâm tác chiến mà không lo phải nhập khẩu đạn.
Việt Nam thử nghiệm đạn tự sản xuất.
Sản xuất thành công
Theo báo QĐND, Viện Vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đã chế tạo và thử nghiệm thành công đạn 30mm dùng cho pháo hạm AK-630 (hoặc AK-630M) – loại pháo hiện đang được trang bị cho tàu tên lửa Molniya và chiến hạm Gepard của Hải quân Việt Nam.
Hiện nay, AK-630 và AK-630M là loại pháo hạm tự động, sử dụng đạn 30mm kiểu YOF-84 do Nga sản xuất, được trang bị phổ biến trên các tàu chiến đấu của lực lượng hải quân một số nước, trong đó có Việt Nam.
Để phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, hằng năm chúng ta phải tiêu thụ một lượng lớn đạn 30mm nhập khẩu, tốn kém một lượng lớn ngân sách của Nhà nước.
Để giải quyết vấn đề này, ngay từ năm 2013, Viện Vũ khí (Tổng cục CNQP) đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế thử đạn pháo hải quân 30mm” và ngay sau đó đã được tiến hành tích cực.
Việc chế tạo thành công đạn 30mm ĐPST-30 (phiên bản Việt Nam của đạn YOF-84) cho thấy với khả năng công nghệ của công nghiệp quốc phòng trong nước hoàn toàn có thể chế tạo được loại đạn này mà còn tiến tới nghiên cứu, sản xuất ở cả các loại đạn khác.
Qua các đợt bắn nghiệm thu với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đề tài “Hoàn thiện thiết kế, xây dựng công nghệ chế tạo đạn pháo hải quân 30mm ĐPST-30” do Viện Vũ khí đảm nhiệm đã thành công.
Sức mạnh của AK-630 trên tàu tên lửa
Ngoài 16 tên lửa chống hạm cận âm Uran-E, tàu tên lửa Molniya của Hải quân Việt Nam còn được trang bị hai bệ pháo AK-630 cực mạnh. Pháo hạm tự động 6 nòng cỡ 30mm AK-630 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay như tên lửa đối hạm, máy bay, trực thăng và các loại phương tiện tấn công đường không khác, cũng như tàu nổi có lượng choán nước nhỏ, ngư lôi, các hỏa điểm và binh lực bờ biển của đối phương.
Đầu năm 1976, AK-630 đã được đưa vào sử dụng. Bộ phận chính của nó là tháp pháo, được trang bị một khẩu súng 6 nòng AO-18 30mm. Do có tốc độ bắn cực nhanh (lên đến 5000 phát/phút) nó có thể tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu.
Tuy nhiên do yêu cầu của chiến tranh hiện đại, cuối năm 1983, Hải quân Nga đã quyết định nâng cấp AK-630 với các yêu cầu kỹ chiến thuật mới và tên gọi của biến thể nâng cấp này được chỉ định là AK-630M1-2 “Roy”.
Việc phát triển biến thể mới này chỉ mất một vài tháng. Tháng 3/1984, Nhà máy số 535 (thuộc Nhà máy chế tạo máy Tula) đã bắt đầu thử nghiệm sản xuất. Tàu tên lửa P-44 lớp 2066 của Hạm đội Biển Đen đã được lựa chọn để lắp đặt hệ thống pháo đôi nhiều nòng AK-630M1-2 “Roy”.
Trên P-44, AK-630M1-2 đã vãi đạn đầu tiên vào mùa hè năm 1989. AK-630M1-2 đã bắn trúng mục tiêu là một tên lửa mô phỏng ở độ cao 10m chỉ với 200 phát đạn, một hiệu suất đáng nể.
Thông số kỹ thuật cơ bản: Cỡ nòng 30mm; Tầm bắn hiệu quả 5km; Tốc độ bắn tới 5.000 phát/phút; Ngắm ngang -180 độ đến 180 độ; Ngắm đứng -12 độ đến 88 độ; Sơ tốc đầu nòng 875m/s; Hộp tiếp đạn 2000 viên; Trọng lượng tháp pháo (chưa nạp đạn) không quá 1tấn.
Hiện AK 630 có các biến thể nâng cấp AK-630M1-2 Roy và AK-630M2 Duet. Bộ phận chính cũng là bộ phận quan trọng nhất của “anh em” nhà AK-630M đó là 2 pháo ổ xoay tự động 6 nòng bắn nhanh AO-18 30mm. Khoảng cách giữa trục của 2 khẩu pháo là 320mm.
AK-630M1-2 có khả năng bắn 10.000 phát/phút, còn “Duet” có thể bắn từ 4 – 10.000 viên mỗi phút tùy ý. Đạn dược được sử dụng trong AK-630M1-2 và AK-630M2 hoàn toàn tương tự như AK-630. Đó là: Đạn mảnh- nổ mạnh nặng 390 g chứa 48,5 g thuốc nổ, sử dụng đầu đạn А-498К.
Roy và Duet sử dụng hệ thống kiểm soát bắn Vimpel-AM2 với radar MR-123AM2 và MR-176M2. Ngoài ra chúng còn được trang bị các máy đo khoảng cách dùng laze KM-11-1 và LDM-1 “Cruiser”.
Hệ thống điều khiển radar Laska: Số lượng kênh theo dõi 4; Phạm vi tầm phủ sóng hơn 21Km; Góc nâng 40 độ; Tỉ đối định hướng cộng trừ 180 độ; Thời gian phản ứng 2-3 giây; Số lượng điều khiển ụ súng đồng thời 2; Tiêu thụ năng lượng 10 kW.
AK-630 và các biến thể của nó được trang bị trên hầu hết các tàu chiến của Nga. Trên các tàu chiến của Việt Nam, AK-630 cũng được sử dụng một cách rất phổ biến. AK-630 được xem như là “lá chắn” cuối cùng, được sử dụng trong trường hợp hệ thống hệ thống tên lửa – pháo phòng không không tiêu diệt hết các tên lửa diệt hạm đe dọa chiến hạm.