Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Á sẽ sục sôi hơn sau khi ông Trump nhậm chức?

Châu Á sẽ sục sôi hơn sau khi ông Trump nhậm chức?

Theo AP, dù chưa nhậm chức nhưng Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã cho thấy quan điểm chủ đạo của ông về quan hệ Mỹ – châu Á. Những quan điểm này được đánh giá là sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản trong chính sách của Washington trong khu vực.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Quan điểm của ông Trump đối với châu Á rất khác biệt so với ông Obama. Ông phản đối các hiệp định thương mại tự do, có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc và không mấy tha thiết với mối quan hệ liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, đối với Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan, ông Trump dường như sẽ tiếp tục chính sách hiện tại của Mỹ. Trong khi ông Trump chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, AP đã tổng hợp những quan điểm của ông đối với châu Á.

Thương mại

Ông Trump cho biết ông sẽ loại bỏ thỏa thuận thương mại của 12 quốc gia châu Á – Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được xem là sự đảo chiều bởi TPP vốn là trung tâm trong chính sách tiếp cận châu Á của chính quyền Obama.

Ông Obama nói rằng TPP sẽ cho phép Mỹ áp đặt các tiêu chuẩn cao hơn về lao động, môi trường và nhân quyền, cũng như cho phép các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận dễ dàng hơn với các nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất. Thỏa thuận này sẽ cắt giảm 18.000 khoản thuế mà các nước khác đang áp đặt đối với các hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Nhiều người cho rằng, việc TPP bị xóa bỏ có thể mở đường cho các sáng kiến tự do thương mại khác trong khu vực, đặc biệt là những sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu.

Giáo sư Harukata Takenaka thuộc Viện nghiên cứu chính sách công Nhật Bản Harukata Takenaka cho hay: “Khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản sẽ phải thiết kế lại chính sách kinh tế đối ngoại của mình. Các phương án khác không hề dễ dàng”.

Trung Quốc

Ngay trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Ông tuyên bố sẽ áp mức thuế 45% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sau khi đắc cử, ông còn thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Đầu tiên, ông nhận cuộc gọi chúc mừng của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, lật ngược giao thức ngoại giao được duy trì suốt 4 thập kỉ qua giữa Trung Quốc và Mỹ. Bắc Kinh chỉ trích ông Trump đã phớt lờ chính sách “Một Trung Quốc”, một nền tảng quan trọng trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Đáp lại, ông Trump tiếp tục đặt câu hỏi về việc Mỹ có nên tiếp tục công nhận chính sách “Một Trung Quốc” hay không.

Gần đây nhất, hôm 13/1, trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Phố Wall, ông nhấn mạnh, “tất cả mọi thứ đều sẽ được đàm phán, bao gồm cả chính sách “Một Trung Quốc”. Tờ China Daily đã rất tức giận và cảnh báo rằng ông Trump đang “đùa với lửa”.

Nhật Bản và Hàn Quốc

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông đặt câu hỏi về liên minh quân sự lâu dài của Mỹ với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc hay cũng là “tấm khiên” chống lại các mối đe dọa quân sự từ Triều Tiên và kiềm chế Trung Quốc trong khu vực. Ông Trump cho rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên trả thêm tiền cho sự bảo vệ của Mỹ.

Chính vì vậy, sau khi ông Trump đắc cử, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump. Họ đã có cuộc hội đàm tại tòa tháp Trump Tower cùng với cả con gái của ông Trump, Ivanka.

Ông Harukata Takenaka nhận định: “Các chính sách của ông Trump sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với Thủ tướng Shinzo Abe trong năm nay. Khó khăn lớn nhất là ông Trump rất khó đoán”.

Triều Tiên

Cho đến giờ, ông Trump đang thể hiện lập trường về Triều Tiên khá giống với chính quyền của ông Obama. Tuy vậy, chính quyền của ông Trump dường như sẽ khó khăn hơn trong việc đối phó với Triều Tiên bởi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã có những thành tựu đáng kể. Sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố nước này đã sắp thành công trong việc phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa, ông Trump đã phản ứng trên Twitter: “Không thể có chuyện Triều Tiên đã tiến tới giai đoạn cuối của quá trình phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới các vùng lãnh thổ Mỹ”.

Ông Trump chưa cho biết chính xác chính sách đối với Triều Tiên nhưng trong quá trình tranh cử, ông có nói về việc sử dụng tàu khu trục hiện đại để chống lại các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Iran và Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng, có thể ông Trump sẽ tiếp tục ủng hộ triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao Giai đoạn cuối ( THAAD) ở Hàn Quốc bất chấp sự phản đối của Triều Tiên và Trung Quốc. Ngoài ra, ông Trump dường như có một niềm tin vững chắc rằng Mỹ có thể kiểm soát Triều Tiên nếu giải quyết được vai trò của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới