Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỘT CHÂU BẢN VỀ HOÀNG SA MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN

MỘT CHÂU BẢN VỀ HOÀNG SA MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN

BienDong.Net: Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu, văn bản chính thức của Vương triều Nguyễn (1802 – 1945). Đây là những tài liệu hành chính tồn tại dưới dạng bản gốc – bản có giá trị pháp lý và hiệu lực thi hành cao nhất, gồm toàn bộ các văn bản quản lý của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ.

Giá trị của Châu bản triều Nguyễn đã được các chuyên gia nghiên cứu Hán nôm đánh giá cao tại cuộc Hội thảo khoa học “Châu bản triều Nguyễn – tiềm năng di sản tư liệu” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 tổ chức ở Hà Nội tháng 8/2013. Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, Châu bản triều Nguyễn xứng đáng được coi là báu vật quốc gia, đồng thời kiến nghị đệ trình UNESCO xem xét công nhận Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Châu bản triều Nguyễn được coi là di sản quốc gia, giá trị toàn cầu bởi lẽ trên các Châu bản đã được nhà vua “ngự phê”, “ngự lãm” để lại dấu tích mực son màu đỏ – bút tích do Vua trực tiếp thể hiện trên tài liệu. Nói về giá trị của Châu bản, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Huế Phan Thuận An nhận định rằng Châu bản triều Nguyễn có tính xác thực cao, thể hiện các hoạt động quản lý nhà nước rõ ràng, cụ thể của toàn bộ hệ thống chính quyền triều Nguyễn. Đặc biệt, qua khối tài liệu này, các hoạt động quản lý nhà nước với tư cách một quốc gia biển được thể hiện rất có trách nhiệm.

Châu bản triều Nguyễn có thể coi là một trường hợp rất hiếm gặp trong lịch sử thư tịch của Châu Á. Cụ thể, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều không có hình thức này, triều Thanh (Trung Quốc) tuy có châu bản nhưng lại chỉ xuất hiện lác đác trong vài đời vua, chứ không xuyên suốt cả chục triều vua như tại Việt Nam.

Trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, đất nước Việt Nam đã bị tàn phá nặng nề, nhiều trung tâm lưu, kho lưu trữ của Nhà nước bị bom đạn chiến tranh phá huỷ nên rất nhiều tài liệu cổ của các nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã bị thất lạc. Việc còn lưu giữ được đến ngày nay những Thư tịch, Châu bản là một nỗ lực hết sức to lớn của cán bộ trung tâm lưu trữ nói riêng và Cục lưu trữ nhà nước nói chung.

Công việc nghiên cứu và tìm kiếm các văn bản của nhà nước phong kiến Việt Nam vẫn đang được cán bộ Trung tâm lưu trữ miệt mài triển khai hàng ngày. Mặc dù công việc tìm kiếm, tra cứu và lưu giữ các tài liệu cổ của Trung tâm Lưu trữ ngày nay được hỗ trợ bởi các thiết bị khoa học hiện đại, nhưng đối với các tài liệu cổ chữ Hán Nôm thì công việc nghiên cứu vẫn hết sức khó khăn, đòi hỏi người cán bộ phải đọc được chữ Hán Nôm cổ, riêng đối với các tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa còn đòi hỏi người cán bộ phải có kiến thức và am hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Trước đây, có 18 Châu bản gốc liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được tìm thấy và lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Hà Nội. Các Châu bản này đều có niên đại ở nửa đầu thế kỷ 19 (từ năm 1830 đến 1847). Trong quá trình nghiên cứu kho tàng Hán Nôm đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Hà Nội những chuyên gia Hán Nôm đã tìm ra thêm 1 Châu bản có nội dung khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là Châu bản có niên đại ở nửa cuối thế kỷ 18, được viết vào thời vua Tự Đức năm thứ 22 tức ngày 12/12/1869. Châu bản được viết bằng chữ Hán gồm 4 trang và còn nguyên vẹn. Trên Châu bản có châu phê của Nhà vua. Châu bản này cho thấy hoạt động của các đội Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải vẫn tiếp tục cho đến những thập niên cuối của thế kỷ 19.

Nội dung Châu bản viết về công tác cứu hộ của triều đình nhà Nguyễn đối với tàu thuyền nước ngoài bị nạn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 22 tháng 12 năm Tự Đức thứ 22 (1869)

Bộ Hộ tâu:

Tối ngày 20 tháng này, [bộ thần] nhận được tờ tư của bọn bề tôi Lê Điều, quan coi giữ vùng biển Quảng Nam. Trong tờ tư trình bầy [quan] Tấn thủ Đà Nẵng bẩm trình ngày 12 tháng này có một chiếc thuyền ván nhỏ của nước ngoài chở 4 người Tây và 7 người Thanh dạt vào địa phận của tấn. Căn cứ vào [lời thông] dịch thì những người Thanh này là bọn Hứa Công người Hạ Môn phủ Tương Châu tỉnh Phúc Kiến cùng với 523 người trong phủ thuê một chiếc thuyền ván lớn của người Xích Mao [gồm] cả thủy thủ và lái thuyền cộng 540 người đi thuyền theo đường biển đến Hạ Châu làm thuê kiếm sống. Khoảng đêm ngày 8 tháng này, trời tối đen, thuyền đi lạc vào vùng Vạn Lý Trường Sa, bị mắc cạn, vỡ nát, người trên thuyền phải nương thân trên bãi cát. Bọn họ đi thuyền ván nhỏ theo sóng bơi vào bờ kêu gào xin cứu giúp. [Tấn thủ] sai người đến khám xét, trên chiếc thuyền ván này chỉ có buồm, mái chèo và thùng đựng nước, ngoài ra không có vật gì khác. Xét thấy [bọn họ] gặp nạn gió bão nên đã trích tiền gạo cấp lương ăn cho họ. Nay bọn này khẩn thiết xin đi đến Gia Định để xin quan Tây cứu giúp. Bọn thần đã xét theo [số lượng] cấp khẩu phần lương thực ăn trong 2 ngày, mỗi người mỗi ngày tiền 20 văn, gạo một bát. Ngày 14 tháng này, thuyền đó đã thuận theo gió đi về hướng Đông Nam.

Bộ thần căn cứ vào các điều trong tờ tư, theo lệ tấu trình, cúi mong bề trên xem xét.

Bề tôi Nội các Tôn Thất Trinh ký.

Bề tôi Đương trực vâng mệnh đối chiếu Nguyễn Huy Tế ký.

Bề tôi Khoa đạo Phan Văn Tuyển ký.

Bề tôi Nguyễn Hanh vâng mệnh khảo.

Bề tôi Lê Thanh Thận vâng mệnh viết chữ.

Bề tôi Phạm Phú Thứ, bề tôi Đỗ Đăng Đệ, bề tôi Trần Hy Tăng vâng mệnh đọc duyệt.

Châu phê: Binh bộ dĩ tiến liễu, Quản vận muội như thử (việc này bộ Binh đã tấu trình, [quan] Quản vận [chậm chạp] kém cỏi đến như vậy).

Châu bản là văn bản do Bộ Hộ (quan phụ trách về hậu cần trong triều đình) tâu lên nhà Vua về sự việc cấp lương thực, gạo, nước cứu giúp 540 người dân tỉnh Phúc Kiến bị nạn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; Nhà vua đã có bút phê lên Châu bản phê bình Bộ Hộ kém cỏi khi trình bẩm sự việc chậm chạp vì sự việc đã được Bộ Binh (quan phu trách quân đội) tâu lên từ trước. Điều này cho thấy các vua triều Nguyễn đã thường xuyên quan tâm sát sao những diễn biến liên quan đến các hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Giá trị quan trọng của Châu bản mới thời Tự Đức năm thứ 22 là ở chỗ nó khẳng định sự tồn tại và tiếp tục hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải ít nhất cho đến những thập niên cuối của thế kỷ 19.

Trong kho thư tịch cổ được lưu giữ đến ngày nay liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì các Châu bản triều Nguyễn là những văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Châu bản càng có giá trị cao hơn bởi tính chất quý hiếm, độc đáo, độc bản, xác thực và có độ tin cậy cao mà không có bất kỳ quốc gia nào có yêu sách ở Biển Đông có được. Đây có thể coi là những “tấm sổ đỏ” chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa bởi nó khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa đã được quản lý bởi nhà nước, bằng nhà nước.

Châu bản thời vua Tự Đức 22 mới được công bố này nằm trong hệ thống các Châu bản triều Nguyễn đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, Hà Nội và là một tài liệu quý giá bổ sung cho hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới