Monday, September 9, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTài nguyên BiểnViệt Nam: Năng lượng gió biển bắt đầu cung cấp điện

Việt Nam: Năng lượng gió biển bắt đầu cung cấp điện

BienDong.Net: Ngày 9.2, Công ty TNHH Công Lý khởi động xây dựng các trụ móng tua bin điện gió dọc theo tuyến ven biển xã Vĩnh Trạch Đông và xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) để tiến tới lắp đặt 52 bộ tua bin trị giá gần 2.000 tỷ đồng được nhập khẩu về từ Mỹ.

Toàn bộ tua bin điện gió được sản xuất với cấu tạo thép đặc biệt không gỉ, cao 80 m, đường kính 4 m, nặng trên 200 tấn, cánh quạt bằng nhựa đặc biệt dài 42 m, có hệ thống điều khiển tự gập lại để tránh hư hỏng khi bão lớn.

Theo kế hoạch, 52 tua bin điện gió này sẽ hòa lưới điện quốc gia vào cuối năm 2015.

Tua bin điện gió ven biển Bạc Liêu

Trước đó, vào ngày 29 – 5 – 2013, 10 tua bin điện gió đầu tiên có công suất 16 MW, sản lượng điện năng khoảng 56 triệu kWh/năm của nhà máy điện gió Bạc Liêu đã hòa lưới điện quốc gia.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu được đặt dọc theo đê Biển Đông, kéo dài từ phường Nhà Mát đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng và chiểm tổng diện tích gần 500 ha. Khi hoàn thành toàn bộ, nhà máy sẽ có tổng công suất là 99,2 MW, dự kiến mỗi năm phát lên lưới điện quốc gia khoảng 320 triệu kWh.

Cùng với nhà máy điện gió ở Bình Thuận, nhà máy ở Bạc Liêu có thể xem là điểm đột phá mở đường xây dựng nền công nghiệp phong điện non trẻ, nhưng được kỳ vọng là một nguồn điện trụ cột trong tương lai ở Việt Nam.

Với điều kiện địa lý thuận lợi có bờ biển dài, lượng gió nhiều và phân bổ khá đều quanh năm, tính đến cuối tháng 1 năm 2012 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xây dựng 16 dự án điện gió với tổng công suất dự tính khoảng 1.300 MW.

Trong số 16 dự án nói trên, Dự án Nhà máy điện gió Tuy Phong, đặt tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận do Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư được triển khai đầu tiên và đi vào hoạt động từ ngày 18/4/2012. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án xây dựng và lắp đặt 60 trụ điện gió (hay tua bin), sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy Phong điện Tuy Phong lên 120 MW.

Ở tỉnh Bình Thuận, sau Dự án Tuy Phong, dự án điện gió ở đảo Phú Quý với 3 tua bin, tổng công suất 6 MW đã lắp đặt xong và thử vận hành an toàn, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện sinh hoạt và sản xuất cho 33.000 dân trên đảo và giảm chi phí sản xuất điện do giảm thời gian vận hành của nhà máy điện Diesel..

Ngoài ra, cũng ở Bình Thuận, một dự án điện gió tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình cũng trong giai đoạn thi công và một số dự án khác đang chuẩn bị triển khai. 

Với các dự án nói trên, tỉnh Bình Thuận đang đi đầu trên con đường phát triển điện gió ở Việt Nam.

Năng lượng gió nhiều tiềm năng

alt

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thuỷ điện và phong điện hay điện gió được xem là nguồn điện sạch, ít gây ô nhiễm môi trường. Nhưng, nếu thuỷ điện ẩn chứa những hiểm hoạ đối với các cộng đồng dân cư, thì điện gió thân thiện và hiền hoà đối với con người.

Mặc dù điện gió bắt đầu được thế giới để ý đến từ 25 năm trước, nhưng chỉ trong gần 10 năm trở lại đây nó mới khẳng định được vị trí trên thị trường năng lượng thế giới khi sản lượng điện gió tăng trưởng một cách ngoạn mục với tốc độ 28%/năm, cao nhất trong tất cả các nguồn năng lượng hiện có. Sự phát triển thần kỳ này của điện gió có được là nhờ vào một số thay đổi quan trọng trong thời gian qua.

Đầu tiên phải kể đến những tiến bộ về công nghệ có tính đột phá đã giúp giảm giá thành điện gió xuống nhiều lần, đồng thời tăng công suất, hiệu quả, và độ tin cậy của các trạm điện gió. Cụ thể là nếu như vào năm 1990, công suất trung bình của một trạm điện gió ở Đan Mạch và Đức chỉ vào khoảng 200 KW, thì đến năm 2002 đã lên tới 1,5 MW và hiện nay các nước này đang phát triển các tuốc bin lớn cỡ 5 – 10 MW nhằm phát triển các trạm điện gió trên thềm lục địa. Hiệu quả của các trạm điện gió này cũng được cải thiện từ 2 đến 3% mỗi năm, góp phần vào việc giảm 30% giá thành điện gió trong vòng 12 năm.

Một lý do quan trọng nữa giải thích sự phát triển đột biến của điện gió trong 10 năm trở lại đây là nguy cơ khủng hoảng năng lượng của các nước đã phát triển cũng như mối quan tâm ngày càng cao của các nước này về bảo vệ môi trường, điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực tìm kiếm các dạng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, trong đó điện gió hiển nhiên là một ứng cử viên sáng giá.

Trong các nước chủ trương phát triển năng lượng gió, Đức vẫn là nước dẫn đầu với công suất vào cuối năm 2004 lên tới 16.649 MW, chiếm hơn 30% tổng công suất điện gió của thế giới. Ngay sau Đức là Tây Ban Nha và Mỹ lần lượt chiếm 19% và 16% tổng công suất điện gió thế giới. Một điều đáng lưu ý là không chỉ các nước đã phát triển mà cả một số nước đang phát triển (đặc biệt là những nước đông dân như Ấn Độ và Trung Quốc) cũng quyết định đầu tư để phát triển điện gió.

Việt Nam có tiềm năng điện gió khá dồi dào, lĩnh vực này cũng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. Tuy nhiên, để khai thác được tối đa nguồn tiềm năng này, cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ, nếu giải quyết được vấn đề giá thành sản phẩm hay cơ chế mua bán điện sẽ khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn khi rót vốn làm điện gió.

Theo báo điện tử Chinhphu.vn, với chiều dài bờ biển hơn 3.000 km, Việt Nam có tiềm năng điện gió rất lớn. Nếu khai thác hết tiềm năng này, tổng công suất điện gió có thể gấp 20 lần tổng công suất điện hiện tại của Việt Nam.

Thời gian qua, Ngân hàng Thế giới đã tiến hành xây dựng bản đồ tiềm năng gió cho Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia. Theo kết quả của bản đồ năng lượng gió này, tiềm năng năng lượng gió Việt Nam có thể hơn 500.000 MW.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành năng lượng, Việt Nam có mật độ năng lượng tại đảo khoảng 800 – 1.400 kWh/m2/năm, mật độ năng lượng tại 500 – 1000 kWh/m2/năm tại các vùng ven biển miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, mật độ tại các vùng khác thấp hơn 500kWh/m2/năm.

Các địa phương được đánh giá là giàu tiềm năng về năng lượng gió là Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Định, Sóc Trăng.

Ngay trong Quy hoạch Điện VII, điện gió cũng là lĩnh vực được ưu tiên phát triển với mục tiêu: “Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này lên mức 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030”. Trong đó, đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030.

Mặc dù tiềm năng và quy hoạch là vậy, nhưng do suất đầu tư cao và giá phát điện chưa hợp lý nên đến nay cả nước mới có hơn 20 dự án đang triển khai tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Lâm Đồng…

Cần những đòn bẩy

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu cung cấp điện năng ngày càng lớn. Và điện gió đang được kỳ vọng như là một trong những nguồn điện của tương lai, xếp hàng sau điện hạt nhân nhưng đứng trước các nguồn điện dùng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện sinh khối v.v…

Trong Tổng sơ đồ điện VII, nhà nước Việt Nam đã đưa ra mục tiêu nâng tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW (tương đương công suất 1 lò phản ứng hạt nhân) vào năm 2020, và khoảng 6.200 MW (tương đương công suất 6 lò phản ứng hạt nhân) vào năm 2030; tức điện năng sản xuất từ nguồn điện gió sẽ chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.

Mục tiêu đó so với nhu cầu còn khiêm tốn, nhưng thực hiện cũng hoàn toàn không dễ, nếu tính đến những yếu điểm về công nghệ, về tính kinh tế và cả về mặt tác động môi trường của loại điện năng này. Để đạt các chỉ tiêu trong Tổng sơ đồ điện VII không thể thiếu những biện pháp đòn bẩy, trước hết là một loạt chính sách đầu tư và khuyến khích của nhà nước.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Trưởng phòng Dự án Lưới điện, thuộc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 3 nhìn nhận đặc điểm chung của các dự án điện gió là quy mô nhỏ, mức đầu tư lớn, trong khi giá mua điện gió rất thấp (khoảng 7,8 cent/kWh). Từ đó, nhà đầu tư khó đảm bảo được bài toán kinh tế. Theo tính toán, giá tua bin gió chiếm 60% chi phí đầu tư toàn bộ hệ thống và theo các chuyên gia, nếu sử dụng công nghệ Châu Âu,thì suất đầu tư cho điện gió tính theo công suất đã lên tới 2.250 USD/kW, còn nếu sử dụng công nghệ Trung Quốc, thì suất đầu tư cũng là 1.700 USD/kW. 

Với suất đầu tư này, giá điện gió bình quân tối thiểu cũng ở mức 10,68 cent/kW với thiết bị Châu Âu và Mỹ. Còn với thiết bị Trung Quốc, giá bán điện cũng phải 8,6 cent/kW. Giá bán này cũng được tính tới thời gian hoàn vốn lên tớixấp xỉ 20 năm, thời gian khấu hao thiết bị là 12 năm.

Với suất đầu tư lớn, giá thành sản xuất khá cao, thời gian thu hồi vốn lâu,giá phát điện chưa hợp lý cũng khiến nguồn năng lượng này rất khó cạnh tranh với các nguồn điện khác.

Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng một trong những giải pháp cho sự phát triển của điện gió là các nhà đầu tư cần chủ động hơn trong việc nội địa hóa các thiết bị. 

Chẳng hạn như như trụ đỡ tua bin bằng ống bê tông nhà đầu tư có thể tự xây dựng, cánh gió cũng có thể tự chế tạo để giảm giá thành; nhà đầu tư chỉ cần mua tua bin và thiết bị điều khiển điện, đồng thời tự đào tạo công nhân lắp ráp thay cho phải thuê chuyên gia nước ngoài…

Ngoài việc nội địa hóa thiết bị sản phẩm, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng để phát triển nguồn năng lượng từ điện gió Chính phủ cần cho phép dự án điện gió được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án; thuế suất và chính sách miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện gió áp dụng như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Thêm vào đó, chính phủ phải có những đột phá về chính sách giá năng lượng để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Với mặt bằng giá năng lượng thấp như hiện nay thì khả năng huy động nguồn vốn rất khó khăn, cũng như không khuyến khích được các nhà đầu tư. 

Đó là chưa nói đến việc đơn vị mua điện duy nhất hiện nay vẫn là EVN nên các nhà đầu tư càng khó đàm phán được giá điện hợp lý.

Ông Oliver Massmann (Công ty trách nhiệm hữu hạn Luật Duane Morris Việt Nam) cho rằng, hiện đầu tư sản xuất điện gió ở Việt Nam sẽ không hề dễ dàng mặc dù theo cam kết WTO, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau như liên doanh hay 100% vốn nước ngoài. Song với giá điện thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á như hiện nay, Việt Nam sẽ khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành điện.

Để giải bài toán này, ông Oliver Massmann cho rằng, Chính phủ Việt Nam phải coi đây là các dự án ưu tiên đầu tư, bảo đảm giá đầu ra cho sản phẩm dự án, như thuế thu nhập doanh nghiệp, quỹ đất, đồng thời các nhà đầu tư sản xuất điện gió nên kết hợp phát triển du lịch “xanh” trên vùng đất thực hiện dự án thì khả năng thành công sẽ lớn.

BDN (tổng hợp theo VNN và các báo quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới