Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLốc xoáy vùng cực và hiện tượng giá lạnh bất thường ở...

Lốc xoáy vùng cực và hiện tượng giá lạnh bất thường ở Bắc Mỹ

BienDong.Net: Một cơn bão tuyết mới, được thông báo là một trong những cơn bão nghiêm trọng nhất mùa đông này, đã bắt đầu phủ trắng đường phố Washington DC tối 13.2 sau khi quét qua vùng Đông Nam, làm hàng trăm ngàn hộ gia đình bị mất điện.

Theo các nhà khí tượng, lớp tuyết ở thủ đô Hoa Kỳ càng lúc càng dầy lên và có thể lên đến 30 cm. Các trường học ở Washington cũng như ở bang Maryland lân cận phải đóng cửa. Nhiều buổi điều trần ở Thượng viện bị hủy bỏ.

 

Nước hồ băng ở Michigan

Hôm 12.02.2014, Tổng thống Mỹ đã ban hành tình trạng khẩn cấp tại 45 quận ở Georgia và Nam Carolina, nơi bão tuyết đã khiến cho 370 000 hộ bị mất điện.

Do tình hình nguy hiểm khi di chuyển trên các xa lộ, Trung tâm khí tượng quốc gia khuyên người dân ở các vùng bị bão chỉ đi lại khi thật cần thiết, và đi xe hơi nên mang theo đèn pin, thức ăn, nước uống trên xe.

Theo các cơ quan khí tượng Mỹ, cơn bão này, được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong một mùa đông khá khắc nghiệt ở Hoa kì đã buộc hơn 4000 chuyến bay bị hủy bỏ.

Trước đó, hồi đầu tháng 1.2014, một đợt lạnh kỷ lục đã làm ngưng trệ hầu hết mọi sinh hoạt dân sinh xã hội trên phạm vi rộng lớn của lãnh thổ Hoa Kỳ và Canada, ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 200 triệu người.

Khi ấy, nhiệt độ ở một số nơi xuống thấp tới – 50 độ F, còn thấp hơn cả nhiệt độ mùa Đông ở Alaska, một bang ở miền Tây Hoa Kỳ nổi tiếng là giá lạnh vì tiếp giáp với Bắc Cực, thậm chí lạnh hơn nhiệt độ trên sao hỏa.

Khí lạnh bất thường cũng làm đóng băng một phần thác Niagara nổi tiếng trong khi đêm xuống, nhiều vùng sương mù giăng mắc như biển mây cuồn cuộn trên đường phố khiến tầm nhìn bị hạn chế. Các nhà hóa học vật lý được mời lên truyền hình để giải thích hiện tượng tại sao tạt gáo nước nóng vào không khí, lập tức những giọt nước bị đóng băng ngay và rơi xuống như hòn sỏi.

Trung tâm khí tượng Hoa Kỳ nhận định rằng những luồng gió lạnh và những cơn bão tuyết dữ dội ở Bắc bán cầu là biểu hiện khí hậu thay đổi đột ngột trong vòng năm năm trở lại đây.

Hiện tượng mùa Đông gần đây quá lạnh khiến nhiều người tự hỏi về triệu chứng trái đất nóng dần có còn đúng là thực chất hay không, và người ta đang tranh cãi liệu trái đất đang nóng dần hay lạnh dần đi nếu cứ phải trải qua những mùa Đông như thế này trong những năm tới.

Lốc xoáy vùng cực là nguyên nhân gây nên tình trạng giá rét kỷ lục

Theo các chuyên gia thời tiết, nguyên nhân của tình hình thời tiết tồi tệ này là do hiện tượng lốc xoáy vùng cực vốn hiếm khi xảy ra.

 

Cơn lốc xoáy vùng cực đang tràn xuống phía Nam, gây ra những đợt giá lạnh cho nước Mỹ

Lốc xoáy vùng cực là các khối khí lớn, rất lạnh có mặt ở 2 cực của Trái đất. Không khí lạnh bên trong các cơn lốc xoáy này sẽ liên tục xoáy tròn theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Lốc xoáy vùng cực thường xuất hiện ở Bắc Cực với 2 trung tâm chính là Đảo Baffin của Canada và một trung tâm khác ở vùng gần Siberia. Khi di chuyển trong không trung, không khí của lốc xoáy sẽ ngày một lạnh và “đặc” hơn.

Nhà khí tượng học Dan Riddle của Trung tâm Thời tiết Hoa Kỳ trả lời phỏng vấn với đài CTV rằng, thông thường lốc xoáy vùng cực sẽ chỉ có mặt trên Đảo Baffin của Canada và ảnh hưởng xuống vùng Trung Bắc của Canada trong mùa Đông.

Tuy nhiên điều bất thường là trong năm nay, luồng khí lạnh này lấn rất sâu về phía Nam, khiến cho một phần của cơn lốc xoáy xâm lấn vào cả lãnh thổ của Mỹ. Theo ông Riddle, chính cơn lốc này đã gây ra hiện tượng giảm nhiệt độ tại New Orleans và Tallahassee, nơi nhiệt độ xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Ông Riddle cho biết trong lịch sử, các đợt lạnh bất thường diễn ra trên nước Mỹ theo chu kì khoảng 20 năm một lần.

 

Ảnh chụp của NASA cho thấy lốc xoáy vùng cực lấn vào Bắc Mỹ vào ngày 6.1.2014

Chuyên gia dự báo khí tượng quốc gia Mỹ Bob Oravec cho biết lần gần đây nhất Bắc Cực xảy ra hiện tượng này đã là vào năm 1994. Vào thời điểm này, nhiệt độ nước Mỹ đã xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ và cái lạnh khắc nghiệt sẽ tiếp tục lan dần sang vùng Trung và Tây Mỹ và đe dọa tràn xuống cả các vùng ấm áp phía Nam.

Một số nhà khoa học đang bắt đầu nghiên cứu xem liệu quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu (bao gồm việc băng ở Bắc Cực bắt đầu tan) có liên hệ tới các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như đợt lạnh này hay không.

Tuy nhiên, điều thực tế là thời tiết giá lạnh năm nay đang ảnh hưởng không chỉ Bắc Mỹ mà đến cả nhiều khu vực Châu Âu và Châu Á.

Một cơn bão mới lại đe dọa Anh Quốc vào hôm 14.02.2014, được dự báo là sẽ trút xuống phần lớn nước Anh một lượng nước tương đương với một tháng mưa, đúng vào lúc quốc gia này đang bị ngập lụt nghiêm trọng. Tình hình khẩn cấp buộc Thủ tướng Anh David Cameron phải cầu cứu Châu Âu cho dù chính ông từng cam kết sẽ trưng cầu dân ý về việc rút Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp.

Tại Slovenia, nhiều ngày bão tuyết đã làm thành phố Postojna ngập sâu dưới các lớp băng tuyết dày và khiến 50.000 nhà cửa bị mất điện.

Tháng trước, một đàn cá với số lượng lên đến hàng triệu con đã bị đóng băng khi bơi vào bở biển ở Na Uy.

 

Đàn cá bị mắc kẹt trong băng. Ảnh NRK

Tại Nhật Bản, một trận bão tuyết đổ xuống phần lớn nước này vào hôm 13.2 đã khiến thêm hai người thiệt mạng và gần 700 người bị thương, buộc các hãng hàng không phải hủy hơn 200 chuyến bay.

BDN (tổng hợp)

RELATED ARTICLES

Tin mới