Tuesday, November 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐiểm nóng tranh chấp Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

Điểm nóng tranh chấp Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ

Quan hệ Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ lại trở nên nóng bỏng liên quan đến kế hoạch của Athens phát triển các đảo tranh chấp trên biển Aegean.

Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Vận tải biển Hy Lạp Nektarios Santorinios công bố kế hoạch cải tạo 28 đảo không người ở trên biển Aegean nhằm “củng cố chủ quyền”. Ông Santorinios chưa công bố rõ chi tiết nhưng cho biết Athens sẽ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện nhiều dự án hướng đến việc đưa dân lên đảo sinh sống.
Thổ Nhĩ Kỳ lập tức có phản ứng với lời cảnh báo của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Huseyin Muftuoglu: “Chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần là sẽ không chấp nhận các chính sách của Hy Lạp nhằm thay đổi hiện trạng và tạo cơ sở “chiếm hữu trên thực tế” đối với những thực thể địa lý này”.
Bờ vực xung đột
Từ năm 1970 đến nay, Ankara và Athens vẫn chưa thể giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các đảo trên biển Aegean, kéo theo mâu thuẫn trong các vấn đề phân định lãnh hải, không phận và quy chế của một số đảo. Hai nước thậm chí từng xô đẩy nhau đến ngưỡng đối đầu quân sự vào các năm 1987 và 1996.
Theo UPI, vào tháng 3.1987, Hy Lạp thông báo khoan dầu tại vùng biển tranh chấp gần đảo Thasos. Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ điều động tàu thăm dò RV MTA Sismik 1 đến khu vực với sự tháp tùng của tàu chiến. Căng thẳng leo thang và cả hai phía đều đặt lực lượng vũ trang trong tình trạng báo động, sẵn sàng đánh chìm tàu của bên kia. Cuối cùng, nhờ sự dàn xếp của Tổng thư ký NATO Peter Carington, 2 nước xuống thang và đồng ý không cho tàu chính phủ vào vùng tranh chấp.
Đến cuối tháng 1.1996, căng thẳng thậm chí còn leo thang nghiêm trọng hơn. Khủng hoảng bắt đầu khi tàu chở hàng Figen Akat của Thổ Nhĩ Kỳ mắc cạn trên cặp đảo Imia/Kardak nằm giữa biển Aegean. Thuyền trưởng nhất quyết từ chối sự hỗ trợ của phía Hy Lạp với lập luận đó là “lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ”. Một nhóm người thậm chí hạ cờ Hy Lạp và dựng cờ Thổ Nhĩ Kỳ lên, để rồi bị biệt kích Hy Lạp gỡ bỏ không lâu sau đó.
Lãnh đạo hai bên chỉ trích nhau kịch liệt, đồng thời triển khai tàu chiến, máy bay và binh sĩ đến khu vực, theo CNN. Tình hình căng thẳng đến mức có thời điểm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Tansu Çiller ra tối hậu thư buộc Hy Lạp rút quân trong vòng 2 tiếng đồng hồ, nếu không muốn chiến tranh. Lần này, đến lượt Mỹ vào cuộc làm trung gian và đích thân Tổng thống Bill Clinton tham gia soạn thảo kế hoạch dàn xếp. Cuối cùng, 2 nước đồng ý rút quân và phục hồi nguyên trạng nhưng không bên nào từ bỏ tuyên bố chủ quyền.
Ngòi nổ Imia/Kardak
Đợt căng thẳng hồi năm 1996 không phải là lần duy nhất Athens và Ankara đối đầu liên quan đến tranh chấp Imia/Kardak. Đây là tên gọi lần lượt của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đối với một cặp đảo nhỏ không có người ở, nằm trên biển Aegean. Ngày 27.12.1995, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và một tháng sau, tàu chiến 2 nước lũ lượt kéo đến gườm nhau, theo Business Insider.
Đến nay Hy Lạp kiểm soát đảo phía đông, còn đảo phía tây do Thổ Nhĩ Kỳ quản lý. Tuy nhiên, mồi lửa tranh chấp vẫn tồn tại âm ỉ, chỉ chờ cơ hội bùng phát khi 2 nước tiếp tục có tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với nhiều hòn đảo nhỏ không người khác. Chiến đấu cơ 2 nước cũng thường xuyên “vờn” nhau trên vùng trời biển Aegean, theo tờ Hurriyet Daily. Năm 2013, một nghị sĩ đối lập Hy Lạp còn bị dư luận nước này buộc tội “phản quốc” khi cho rằng “tuyên bố chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ mạnh hơn”.
Hồi đầu năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos đến thăm đảo đông của Imia/Kardak và Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng bằng tuyên bố rằng Hy Lạp cần chấm dứt các hoạt động đơn phương nếu không muốn làm tổn hại “không khí tích cực” giữa 2 nước. Sau đó, quan hệ song phương dần được cải thiện phần nào.
Tuy nhiên, đến tháng 10.2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ nêu nghi vấn đối với hiệp ước đang tạm dùng xác lập giới tuyến trên biển với Hy Lạp. BBC dẫn lời ông Erdogan nói rằng sau Thế chiến 1, Thổ Nhĩ Kỳ bị các bên “ép” ký Hiệp ước Lausanne nên “lép vế” trước Hy Lạp về giới tuyến. Athens đã phản ứng gay gắt và Thủ tướng Alexis Tsipras chỉ trích phát biểu của Tổng thống Erdogan là “nguy hiểm đối với quan hệ song phương và cả khu vực”.
Căng thẳng về đảo Síp
Bên cạnh tranh chấp chủ quyền trên biển, quan hệ Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ cũng luôn nóng bỏng vì vấn đề đảo Síp. Từ năm 1974, hòn đảo này bị chia cắt làm hai. Với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng người Síp gốc Thổ tuyên bố độc lập và dựng lên CH Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ ở phần lãnh thổ phía bắc trên đảo. Phần còn lại do CH Síp, vốn được quốc tế công nhận và Hy Lạp ủng hộ, kiểm soát phần còn lại. Cả Hy Lạp lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều đang duy trì lực lượng trên đảo với quân số lần lượt là 1.000 lính và 30.000 lính để “hỗ trợ an ninh”.
Tại Geneva (Thụy Sĩ) đang diễn ra đợt đàm phán do Liên Hiệp Quốc chủ trì hướng tới tái thống nhất đảo Síp. Theo giới quan sát, triển vọng đạt được thỏa thuận khá thực tế nhưng vấn đề an ninh và vai trò của Athens lẫn Ankara sẽ rất khó để giải quyết.
Ngày 18.1, Reuters dẫn lời Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố quá trình thương thảo “đã đạt tiến triển”, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “hành động có trách nhiệm và chấm dứt những lời lẽ hung hăng”. Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định lực lượng nước này sẽ luôn hiện diện ở Síp để bảo vệ cộng đồng gốc Thổ.
RELATED ARTICLES

Tin mới