Saturday, September 7, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVay 77 triệu USD để cải cách. VN nợ lại chồng nợ

Vay 77 triệu USD để cải cách. VN nợ lại chồng nợ

Vay lại chồng vay, vay nhiều, làm không hiệu quả, ai sẽ chịu trách nhiệm đi trả nợ vay và tương lai của những thế hệ tiếp theo?

Việt Nam chi ngân sách và vay nợ nhiều để đầu tư cho giáo dục.

Việt Nam chúng ta luôn có uy tín trên thế giới, không chỉ về lịch sử nghìn năm dân tộc, mà còn về ý chí vượt khó và ý chí học tập.  

Nếu chúng ta đi tham dự các hội thảo quốc tế về giáo dục, ai cũng sẽ khen là “Việt Nam ư? Học sinh ngoan và chăm học lắm. Họ rất có ý thức về giáo dục”.  

Vậy, câu hỏi cho các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam là tại sao với ý thức học rất cao, dạy và học ở Việt Nam vẫn không thể đi cùng nhịp với khu vực và thế giới? 

Nghịch lý giữa đầu tư và hiệu quả trong giáo dục Việt Nam

Trong nhiều năm từ 1986-2000, lý do chúng ta vẫn hay được nghe để giải thích cho câu hỏi này là vì chúng ta chưa có đủ tiền đầu tư vào giáo dục một cách phù hợp.  

Nhưng cho đến nay, 2016 – 2017, khi điểm qua một số dự án với tiền đi vay của World Bank (Ngân hàng thế giới), ADB, tiền vay ODA hay tiền từ ngân sách nhà nước, chúng ta sẽ thấy “giật mình” với những dự án đầu tư cho giáo dục ở tất cả các cấp.

Ví dụ như hơn 1 tỷ đô la Mỹ (với hơn 370 triệu đô la là tiền vay) cho 3 trường đại học theo mô hình quốc tế và chưa được đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn vay với mục tiêu đặt ra của các đại học.

Hơn 1 tỷ đô la tiền ngân sách cho dự án đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ theo đề án 322 và được đánh giá là thất bại.

Cùng với những đề án đào tạo sau đại học ở nước ngoài tiếp theo như đề án 911, 556 chưa rõ kết quả sử dụng nguồn vốn với nâng cao năng lực giáo viên cấp đại học như thế nào.

Đề án 9.400 tỷ đồng Việt Nam tiền ngân sách đào tạo ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông từ 2008-2020 cũng được báo cáo Quốc hội là thất bại, vì đưa ra những mục tiêu cao và không phù hợp.
 
Đề án 86 triệu đô la Mỹ vay của Ngân hàng thế giới thực hiện Trường học Mới (VNEN) bị phản đối ở rất nhiều trường địa phương.

Trong khi, chúng ta cũng lại có dự án 4,2 triệu bảng Anh của RISE cho nghiên cứu cải thiện giáo dục ở Việt Nam, gồm cả việc nghiên cứu mô hình VNEN và Ước lượng tác động của các cải cách chương trình học dự kiến thực hiện năm 2018 đối với việc học và thời gian tại trường của trẻ em cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Vậy, không thể là lý do thiếu tiền cho giáo dục ở Việt Nam nữa rồi.

Vấn đề của giáo dục Việt Nam là năng lực xây dựng chính sách dài hạn cho giáo dục (mà các dự án trong từng giai đoạn chỉ là từng cấu phần), năng lực quản trị giáo dục tầm quốc gia và địa phương, năng lực đánh giá và quản lý tài chính/kinh tế cho giáo dục khi giáo dục là mũi nhọn hỗ trợ phát triển xã hội.

Với một vài con số đầu tư như trên cho giáo dục, đặc biệt cho giáo dục phổ thông, chúng ta đang nhận được gì? 

Kết quả của thi tiếng Anh tốt nghiệp năm 2015 với 70% điểm dưới 4, và rất nhiều trang thiết bị đầu tư không được sử dụng; thi lịch sử và nhiều môn: phao trắng đầy sân trường.

Đưa dự án trường học mới (VNEN) với những ưu việt của mô hình trường ở Columbia từ những năm 1990, mà không có sự chuẩn bị cho giáo viên, cho phương pháp giảng dạy, không có nghiên cứu và đánh giá khả năng tiếp thu những đổi mới của giáo viên và học sinh trong hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.

Những đề xuất “giật cục” về thi trắc nghiệm cho tốt nghiệp, bỏ điểm sàn xét tuyển đại học, và còn nhiều nữa…

Tất cả đều là những ví dụ minh chứng rất rõ về những yếu kém trong năng lực lãnh đạo và quản trị giáo dục của Việt Nam trong hơn 2 thập niên qua, đúng như GS. Hoàng Tụy đã chỉ ra.

77 triệu đô la Mỹ đi vay và đề án Đổi mới giáo dục Phổ thông: Điểm qua vài nét

Ngày 17/1/2017, chúng ta nhận được thông tin về 77 triệu đô la Mỹ vay mới của Ngân hàng thế giới để thực hiện đề án Đổi mới giáo dục phổ thông từ 2016-2020 [*].  

Với những thông tin được công bố trên báo chí, đề án về giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị từ lâu (2011) và công bố vào tháng 8 năm 2015. 

Đề án Đổi mới giáo dục phổ thông được công bố vào thời điểm này do bởi cần chờ Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia (được phê duyệt vào 4/11/2016) và Hiệp định hỗ trợ Dự án Đổi Mới Giáo dục Phổ Thông giữa Chính phủ và Ngân Hàng Thế giới (được phê duyệt vào 8/8/2016).

Dựa trên một số thông tin vắn tắt do báo chí nêu ra về đề án Đổi mới giáo dục phổ thông, tôi có một số nhận xét như sau:

1. Giáo dục phổ thông là xương sống của giáo dục quốc gia. Điều này đúng với tất cả các quốc gia, không chỉ với Việt Nam.  

Việc đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam đã thực hiện qua hơn 20 năm nay, mà chưa nhìn thấy được tác dụng tích cực trong hệ thống giáo dục. 

Do vậy, đề án đổi mới lần này, cần phải được xác định là “Đổi mới thật”, chứ không nên thực hiện theo tinh thần đi vay tiền về và làm dự án để giải ngân tiền vay trong một thời hạn của dự án, như những dự án cải cách giáo dục lâu nay đã làm.  

2. Những điều chưa rõ trong những thông tin của Đề án Đổi mới Giáo dục phổ thông

2.1 Cấu trúc tổ chức, vai trò và trách nhiệm của các cấu thành đề án Đổi mới giáo dục phổ thông:

Trong thông tin về Đề án Đổi mới Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không nắm “trịch”, mà có Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GS. Nguyễn Minh Thuyết) vừa được bổ nhiệm, Ban Quản lý Dự án và Bộ Giáo dục và Đào tạo.  

Tuy nhiên, không rõ với cơ cấu nhiều đầu nắm từng đầu việc, như GS. Thuyết chia sẻ “Tôi chỉ là Tổng chủ biên CT; còn việc biên soạn và tổ chức biên soạn, lựa chọn SGK là nhiệm vụ của những người khác” (Bộ Giáo dục và Đào tạo)”, vai trò của từng bộ phận, từng cá nhân khi tham gia vào đề án này sẽ như thế nào? 

GS.Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cá nhân tôi không rõ việc nếu người Tổng chủ biên nắm bắt toàn bộ xuyên suốt dự án mà không rõ về biên soạn và sách giáo khoa sử dụng trong chương trình, thì ai sẽ biết? Ban Quản lý Dự án hay Bộ Giáo dục và Đào tạo? 

Với lịch sử là, Bộ Giáo dục và Đào tạo là người soạn dự thảo Chương trình Đổi mới giáo dục phổ thông công bố từ 2015, người của Ban Quản lý Dự án là người của Bộ, việc bổ nhiệm Tổng chủ biên Thuyết liệu có “làm khó” cho GS Thuyết và thực sự, vượt quá khả năng của ông trong đề án này? 

Theo tôi hiểu, muốn có thành công cho đề án, nên có sự sòng phẳng và rõ ràng trong vai trò và trách nhiệm của những người, những thành phần tham gia đề án, với bất kỳ khoản chi tiêu nào cho giáo dục, đặc biệt là các khoản vay từ Ngân hàng thế giới và nước ngoài.

Lịch sử đi vay nước ngoài của chúng ta cho giáo dục chưa chứng minh được là tiền đi vay đã được dùng một cách phù hợp và có hiệu quả, và chúng ta không cần lặp lại lịch sử này.

2.2 Sách giáo khoa: Ai soạn và soạn theo tiêu chí nào? Vấn đề về triết lý giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây đã tuyên bố rõ là Bộ không độc quyền về sách giáo khoa, sẽ để tự chủ nhiều hơn về sách giáo khoa và sử dụng tài liệu hỗ trợ giáo dục cho giáo viên và trường, địa phương. 

Tuy nhiên, trong Đề án Đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tổ chức thực hiện phần soạn thảo sách giáo khoa.

Vậy không rõ, trong đề án nêu ra việc Bộ viết sách giáo khoa liệu có còn phù hợp trong thời điểm này nữa không? 

Nếu không phải là Bộ, thì ai được quyền tham gia và cung ứng sách giáo khoa cho đề án đổi mới? 

Tại sao chúng ta không đấu thầu viết sách giáo khoa và để mở rộng cho tất cả các đối tượng, dù là chuyên gia Việt hay nước ngoài tham gia, dựa trên những tiêu chí tuyển chọn viết sách do Đề án xác lập?

Quan trọng hơn việc ai sẽ viết sách giáo khoa, theo tôi hiểu, là chúng ta soạn sách giáo khoa và thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông, phải dựa trên triết lý giáo dục của Việt Nam trong thời đại mới này.  

Với Giaos sư Thuyết, triết lý giáo dục của chúng ta sẽ là “Thực Học – Thực Nghiệp và Đảm bảo tính Dân chủ”,

Nhưng có lẽ, theo ý kiến cá nhân tôi, triết lý giáo dục cần được phản biện của xã hội, của những nhóm giáo viên, phụ huynh và các nhà nghiên cứu, chứ không thể chỉ là triết lý của nhóm làm dự án.  

Ví dụ như với tôi, triết lý giáo dục của Việt Nam trong thời đại này nên là “Khai phóng – Nhân Bản – Dân Tộc và Trách nhiệm Toàn cầu”, gắn kết chặt chẽ với những nhóm kiến thức và kỹ năng đã được UNICEF, Diễn Đàn Kinh tế Thế giới đề xuất cho thế kỷ 21.

2.2 Đâu là những nghiên cứu cơ bản để đề xuất đổi mới giáo dục phổ thông? 

Trong một thời gian dài quan sát nền giáo dục Việt Nam, tôi luôn không rõ những chính sách về giáo dục, những đề án đổi mới giáo dục của chúng ta được đề xuất dựa trên những nghiên cứu khoa học, những dữ liệu khảo sát trên diện quốc gia hay dựa trên điều gì.  

Với tiêu đề về đề án Đổi mới giáo dục phổ thông, gồm có 3 thành phần và kinh phí như sau:

Kinh phí thực hiện dự án như sau (Đơn vị tính: USD):

Các thành phần dự án Kinh phí   Kinh phí
 1.Thành phần Hỗ trợ phát triển chương trình  16,431,850
 1.1 Xây dựng chương trình (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học)  6,414,900
 1.2 Thực hiện chương trình  10,016,950
 Thành phần 2: Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới  20,568,150
 2.1 Biên soạn một bộ sách giáo khoa (do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện)   16,068,150
 2.2 Cung cấp sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn   4,500,000
 Thành phần 3: Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và sách giáo dục phổ thông  37.545,000
 3.1.Xây dựng Trung tâm Quốc gia Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và Trung tâm Quốc gia Khảo thí ngoại ngữ  18,535,700
 3.2 Tăng cường năng lực phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh  15,509,300
 3.3 Triển khai đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh   3,5000,000
 Thành phần 4: Quản lý dự án  2,4550,000
  Dự phòng  3,000,000

Là một người dân, nếu tôi đọc những thông tin trên đây, tôi sẽ không rõ vậy những lý do gì chúng ta cần đổi mới chương trình?

Những dữ liệu nào, nghiên cứu nào chỉ ra chúng ta cần phải đổi mới? Điểm đổi mới là gì? Tại sao lại cần đến những chi phí như trên?  

Là một người có nghiên cứu về giáo dục, tôi chưa dám nhận xét kỹ về từng mục và nội dung của từng thành phần của đề án.

Tuy nhiên, tôi không rõ đề án là tập trung vào đổi mới giáo dục phổ thông, vậy việc lập 2 trung tâm quốc gia về phát triển bền vững chất lượng giáo dục và khảo thí ngoại ngữ sẽ có tác dụng trực tiếp như thế nào trong cải cách giáo dục phổ thông,

khi những “Trung Tâm Giáo dục Xuất Sắc”, “Trung Tâm Kiểm định Chất Lượng Đại học” ở cấp đại học đang chưa chứng minh được tính hiệu quả thực sự và có tác dụng nâng cao chất lượng dạy và học, dù cấp đại học, xét về số lượng (trường, chương trình, môn học, số lượng người dạy và người học) ít hơn nhiều so với giáo dục phổ thông.  

Việc lập các trung tâm quốc gia nghiên cứu, đánh giá và phát triển chất lượng giáo dục phổ thông và khảo thí ngoại ngữ cũng tốt, nhưng như là bệnh “kinh niên” của Việt Nam, lập ra trung tâm mà không có người có năng lực làm việc, không có ngân sách để nuôi dưỡng và phát triển.

Trong 4 năm của đề án đổi mới lần này, tôi e là việc thành lập các trung tâm này không trả lời được cho câu hỏi, vậy dựa vào đâu, dữ liệu và nghiên cứu nào, chúng ta cần đổi mới?.  

Vấn nạn của giáo dục Việt Nam nói chung và của giáo dục phổ thông nói riêng là việc dạy không thật, học không thật.  

Vậy, tôi hiểu là chúng ta cần tập trung để giải quyết vấn nạn này, thì theo suy nghĩ cá nhân, chúng ta chỉ nên lập Trung tâm nghiên cứu và Phát triển năng lực Dạy và Học hội nhập Quốc tế.

Trong đó, các nghiên cứu để hỗ trợ dạy và học tốt hơn, bao gồm cả ngoại ngữ, là ưu tiên số 1 từ nay trở đi.  

Việc thành lập nhiều trung tâm, phát sinh thêm ngân sách, mà không có hiệu quả cũng sẽ không có ích gì cho người học và cho toàn nhân dân, người phải đi trả nợ vay cho Ngân hàng thế giới trong tương lai.

Ngoài ra, với thành phần biên soạn sách giáo khoa và cung cấp sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đây là một câu chuyện vô cùng thú vị về xã hội hóa.  

Lấy ví dụ như bộ sách giáo khoa được soạn bởi nhóm Cánh Buồm, họ đã soạn xong được từ lớp 1 – lớp 9 cho mấy môn cơ bản và sẵn sàng cho tất cả sử dụng miễn phí. 

Dự thảo bộ sách giáo khoa Văn  bậc Trung học cơ sở lớp 6 đến lớp 9 của nhóm Cánh Buồm.

Chưa nói đến việc có dùng được sách giáo khoa của Cánh Buồm hay không, nhưng đây là một ví dụ điển hình cho việc vẫn có những cách thức soạn thảo sách giáo khoa mà không cần tốn đến hàng chục nghìn tỷ, khi chúng ta huy động những trí tuệ của xã hội, của các nhà nghiên cứu, của tập thể giáo viên có tấm lòng với giáo dục.  

Còn việc tổ chức cung cấp sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam luôn là câu hỏi lớn về tính thực tiễn của nó.

Bởi ngay đến hỗ trợ các hoạt động bình thường cho học sinh khó khăn hoặc ở các địa phương khó khăn cũng chưa bao giờ được nghiên cứu thực tế, không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo hay ai sẽ làm được công việc cao cả này?  

Cá nhân tôi mong là không phải vì có đề án đổi mới này, vấn nạn về việc buộc các trường địa phương phải sử dụng sách giáo khoa như trong đề án VNEN lại được lặp lại, dưới một hình thức mới “cung cấp sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. 

2.4. Ai và cách thức nào đánh giá đề án Đổi mới Giáo dục Phổ thông? 

Như mọi đề xuất về dự án và có tiêu tiền ngân sách (dù là đi vay nước ngoài), trong đề án này, tôi chưa thấy đề cập đến vấn đề cơ bản là đề án này đã được đánh giá như thế nào, về tính thực tiễn ứng dụng, về những biện pháp đảm bảo đạt được mục tiêu của dự án.

Việc thực hiện cải cách đổi mới giáo dục phổ thông trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra quyết định đưa giáo viên dạy phổ thông trung học đi dạy mầm non, thì không rõ giáo viên nào còn tinh thần để thực thi đổi mới giáo dục lần này? 

Đổi mới giáo dục phổ thông, bản chất là sự đổi mới cho học sinh, cho giáo viên, cho môi trường học tập ở các cấp phổ thông. 

Không rõ đã có ai làm khảo sát để hỏi ý kiến của họ, những chủ thể trực tiếp liên đới trong đề án về việc họ nghĩ họ cần cái gì, họ muốn đổi mới cái gì, và nên đổi mới ra sao? 

Hay với một chính sách cơ cấu lại việc cho giáo viên rất “thô bạo”, việc có thể mất việc bất kỳ lúc nào, hay được đổi từ dạy phổ thông sang dạy mầm non, áp lực chấp nhận tất cả để được ở lại dạy đúng môn, đúng nơi mình đang dạy sẽ hạn chế tất cả những ý tưởng mới, về cải cách dạy và học ở Việt Nam hiện nay?

Cá nhân tôi rất quan tâm đến cách Ngân hàng thế giới sẽ đánh giá về đề án đổi mới giáo dục phổ thông lần này.

Vì nếu theo những thông tin tôi có được, có nhiều hơn 3 lần Ngân hàng thế giới đã hỗ trợ cải cách giáo dục Việt Nam, ở tất cả các cấp, từ những năm 1990.

Mà không rõ lý do tại sao giáo dục Việt Nam vẫn “lệch pha” so với các tiêu chuẩn mà quốc tế công nhận.

Đặc biệt việc tốt nghiệp cấp 3 hay đại học tại Việt Nam vẫn chưa được tự động công nhận tương đương với các nước khác, trong khi tiền vay cứ ngày càng nhiều lên. 

Cuối cùng, là một người Việt Nam, tôi rất quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả nguồn tiền cho giáo dục.  

Xin lưu ý là mặc dù đã có khoản vay 77 triệu đô la Mỹ được phê duyệt cho đổi mới giáo dục phổ thông, chúng ta cũng đã được hứa hẹn vay từ ADB (1 tỷ đô la), bao gồm cả việc cải thiện giáo dục trung học phổ thông và giáo dục dạy nghề trong những năm sắp tới.  

Vay lại chồng vay, vay nhiều, làm không hiệu quả, ai sẽ chịu trách nhiệm đi trả nợ vay và tương lai của những thế hệ tiếp theo?

Đề xuất lấy ý kiến phản biện từ những nhà nghiên cứu, từ giáo viên và từ xã hội

Từ những trình bày trên đây, tôi xin có mấy đề xuất với Tổng chủ biên, Ban lãnh đạo Dự án Đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo một số điểm sau:

1. Công khai trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tất cả các cơ quan báo chí về dự thảo Đề án Đổi mới giáo dục phổ thông và Hiệp định vay giữa Việt Nam và Ngân hàng thế giới để thực hiện đề án, để xin ý kiến phản biện của toàn xã hội.  

Đây là một minh chứng rõ về một xã hội dân chủ, quyền được biết, quyền được phản biện, và quyền được quyết định của nhân dân.

2. Trường hợp dự thảo Đề án Đổi mới giáo dục phổ thông vẫn được giữ nguyên như đã từng được công bố vào tháng 8/2015, đề nghị công bố công khai bổ sung các tài liệu sau:

2.1 Tất cả các căn cứ pháp lý và nghiên cứu khoa học được nêu ở mục mở đầu của Dự thảo, cụ thể là tất cả những báo cáo được liệt kê dưới đây cho tất cả mọi người tham khảo:

“Để xây dựng Chương trình tổng thể (dự thảo), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành hàng loạt công việc như: 

Tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) hiện hành để xác định rõ những ưu điểm cần kế thừa, phát huy và các hạn chế, bất cập cần khắc phục.

Nghiên cứu bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa trong nước và quốc tế nhằm nhận thức rõ những đặc điểm và yêu cầu cần chú ý trong việc xây dựng CT, biên soạn SGK mới. 

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế nhằm rút ra được xu thế chung về xây dựng CT, SGK, nhất là kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển và có  quan hệ, ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. 

Tham khảo và học tập CT và SGK của nhiều nước tiêu biểu cho các khu vực khác nhau (Đông Nam Á, châu Á, châu Âu và châu Mỹ, châu Úc)

Cử các đoàn cán bộ sang một số nước học tập và thông qua các tổ chức quốc tế mời các chuyên gia giáo dục các nước (Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Đức, Hồng kông…) sang Việt Nam tập huấn về xây dựng CT, biên soạn SGK.

Tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn trong nước và quốc tế về kinh nghiệm xây dựng CT giáo dục phổ thông, định hướng vận dụng vào Việt Nam với sự tham gia đông đảo của đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Triển khai thực nghiệm một số định hướng đổi mới với điều kiện thực tế giáo dục Việt Nam, trong đó có những vùng sâu, vùng xa, vùng rất khó khăn.

Chương trình tổng thể đã được soạn thảo, trao đổi và chỉnh sửa rất nhiều lần trong vòng 3 năm qua, với sự tham gia trực tiếp của nhiều nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu giáo dục, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông đến từ nhiều cơ sở, tổ chức trong nước và quốc tế. 

Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội thảo về Chương trình tổng thể, lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ nhiều đối tượng khác nhau:

các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam, các giáo sư, giảng viên các trường Đại học và Cao đẳng sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;

cán bộ quản lý giáo dục thuộc các cơ sở đào tạo giáo viên, hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông, giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên và một số giáo viên tiêu biểu trong cả nước…”.

Cá nhân tôi mong nhận được báo cáo tổng kết thực trạng giáo dục phổ thông của Việt Nam, bản tổng kết kinh nghiệm học tập từ các nước và các chuyên gia nước ngoài về chương trình và cải cách giáo dục, danh sách các chuyên gia nước ngoài và trong nước đã tham gia vào các chương trình đánh giá, tổng kết chương trình giáo dục phổ thông hiện nay tại Việt Nam. 

Trong vấn đề về ý kiến của chuyên gia nước ngoài cũng như nghiên cứu mô hình của nước ngoài, tôi mong đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo có những so sánh và đối chứng tương ứng để đưa ra những tính tương thích giữa các mô hình, các chương trình của nước ngoài với Việt Nam.

2.2 Bản dự thảo cách tính về chi phí cho từng hạng mục của dự thảo Đề Án Đổi mới giáo dục phổ thông, và bản so sánh chi phí tương ứng nếu một tổ chức khác không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện;

2.3 Trong bản dự thảo Đề án Giáo dục Phổ thông (Mới), có đề cập đến 8 năng lực kiến thức chung, tôi rất quan tâm đến phương thức Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện để học sinh có được những kỹ năng và kiến thức này.  

Lấy ví dụ, năng lực ICT (công nghệ và thông tin truyền thông), bằng cách nào internet và máy tính được phổ cập cho toàn học sinh trên cả nước, khi mà chỉ số ICT Index của chúng ta đang “tụt lùi”, đứng 105/160 nước? 

Hay nói đến năng lực ngoại ngữ, với tiếng Anh không thôi, học sinh chúng ta đã quá yếu khi thi tốt nghiệp, sau hơn 9 năm học phổ thông. 

Bây giờ chúng ta lại dự kiến dạy đến 3-5 ngoại ngữ khác nhau, câu hỏi về giáo viên, về chất lượng dạy và học, có khả thi không? Hay chỉ là đề án và rồi sẽ lại được ai đó công bố “thất bại” như đề án ngoại ngữ 2008-2020? 

3. Theo quan điểm cá nhân tôi, như đã từng đề xuất trong bài viết “Giáo dục Phổ Thông – Hãy đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông” , tôi nghĩ chúng ta đã đi vay được tiền của Ngân hàng thế giới, nhưng tiêu như thế nào là việc của chính chúng ta, cho học sinh của chúng ta.  

Những cách nhìn nhận về đề án đổi mới giáo dục phổ thông này có lẽ chưa có tính thuyết phục, khi chưa có những nghiên cứu cơ bản, những lộ trình, những cách thức làm đi sát với thực tiễn hiện tại.  

Cá nhân tôi nghi ngờ về động lực cần đổi mới dạy và học trong giai đoạn hiện nay, khi giáo viên cả nước đã bị 2 cú sốc lớn:

Một là việc cấm dạy thêm học thêm nhưng cách làm chưa có sư thống nhất, đôi chỗ duy ý chí và bế tắc.

Và hai là việc công bố kế hoạch điều chuyển giáo viên dạy phổ thông đi dạy mầm non, chưa kể đến việc tuyên bố giáo viên dạy mầm non bị cử đi tiếp khách là chuyện “vui vẻ” trong khi Quốc hội đang họp. 

Chúng ta không thể đổi mới nếu thiếu giáo viên, và giáo viên có tâm đức, có chất lượng và thực sự là Người Thầy theo đúng nghĩa của nó.  

Vậy, tiền vay chưa tiêu vẫn còn đó, nhưng có lẽ toàn bộ đề án này nên được Hội đồng cải cách Giáo dục Quốc gia xem xét, đánh giá lại và tổ chức thực hiện, thay vì để mình Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết được cử ra và gánh một gánh nặng quá lớn cho dự án cải cách như bây giờ.

Tôi chỉ là một cá nhân, một người Việt nhỏ bé, và có tâm nguyện con mình, cháu mình cần được học hành tử tế, chúng cần được chuẩn bị cẩn thận cho một tương lai đầy khó khăn, một tương lai mà sự canh tranh không chỉ với con người, mà với cả robot, với những trí tuệ thông minh.  

Sẽ không chỉ là một vài triệu học sinh đại học, mà đây là tương lai của gần 30 triệu các em ở lứa tuổi sắp đi vào thế giới lao động, là tương lai của dân tộc.  

Mong là với đề án này, chúng ta hãy nỗ lực làm đúng điều cần phải làm cho những thế hệ tiếp theo.

RELATED ARTICLES

Tin mới