Từ thời những năm 1950, khi mà đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh còn đang thiếu thốn, thì các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sở hữu những chiếc xe sang trọng vào hạng bậc nhất, đậm dấu ấn Tây phương.
Ông Lạc Văn Hữu ngồi trong chiếc xe limo của hãng Hongqi. Chiếc xe từng được dự kiến làm quà tặng cho Mao Trạch Đông.
Tọa lạc tại thị trấn Dương Tống, khu Hoài Nhu, phía Bắc thủ đô Bắc Kinh, nhà bảo tàng xe cổ của Lạc Văn Hữu (Luo Wenyou) là sự kết hợp giữa mùi dầu máy và dư vị lịch sử.
Ông Lạc sở hữu khoảng 200 chiếc xe, từ chiếc Limo đen huyền đặc chế cho Mao Trạch Đông đến cả những chiếc xe cứu hỏa màu đỏ khổng lồ. Tháng trước, nỗi say mê cuồng nhiệt của ông với xe cổ đã được truyền tải vào bộ phim phóng sự ngắn, với nhan đề “Lái”.
Ông Lạc bắt đầu công việc sưu tập xe cổ vào năm 1979, thời điểm mà những người có xe riêng như ông dường như rất hiếm. Ông đã mua chiếc Warszawa màu xanh của Ba Lan với giá 5.000 Nhân dân tệ. (Chiếc xe đầu tiên của hãng này ra đời những năm 1950).
“Ngày nào, tôi cũng phải mang găng tay trắng, đeo kính râm vào để lái xe. Cho dù là mùa đông, tôi cũng hạ cửa kính xe xuống để người ta còn trông thấy tôi”, ông Lạc kể lại khi đang ngồi phía sau chiếc xe Limo 1966 của hãng Hongqi.
“Hiếm hoi lắm mới có 1 chiếc xe hơi chạy trên phố, mà cũng chẳng có đèn giao thông, chỉ có công an đứng ra hiệu thôi”.
Lái xe cho chính phủ
Ông Lạc từng làm tài xế cho quan chức chính phủ, rồi sau đó ông ra làm kinh doanh riêng, như mở cửa hàng sửa chữa xe ô-tô, công ty du lịch và trường đua. Tuy nhiên, sau cuộc đua xe cổ do Louis Vuitton tổ chức, ông bán tất cả sản nghiệp của mình rồi bắt đầu sưu tập xe cổ, cuối cùng mở ra nhà bảo tàng xe cổ ở Bắc Kinh vào năm 2009.
Những mối quen biết trong chính phủ đã giúp ông có được “quan hệ” tốt, từ đó có thể yên ổn thực hiện bộ sưu tập này. Hiện nhà bảo tàng của ông trở thành điểm trưng bày thu hút chuyên về thiết kế xe ô-tô của Trung Quốc, kể từ thời chúng còn được dùng để phục vụ cho giới tinh hoa Trung Quốc.
“Người dân kinh hãi các tài xế lắm. Chỉ quan chức chính phủ với chỉ huy quân đội mới cần đến xe. Nhưng tôi cũng xoay sở để mua được 1 chiếc xe hơi nhập khẩu”, ông Lạc nói về thời cuối cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1976, thời điểm Trung Quốc bắt đầu mở cửa.
Điểm nhấn trong bộ sưu tập của ông Lạc là những phiên bản xe của hãng Hongqi: Những chiếc xe đen tuyền, rộng rãi, có nội thất sang trọng phục vụ các quan chức cấp cao. Hãng xe này cũng cho ra đời chiếc Limo dài để làm quà tặng cho Chủ tịch Mao vào năm 1976, nhưng vị chủ tịch đã qua đời trước khi nhận món quà.
Chiếc xe được trang bị điện thoại, ngăn lạnh, điều hòa và ghế bọc da.
“Vào thời đó, có cái kiểu văn hóa mà mọi thứ đều được phóng đại lên đến mức không tưởng. Đó là thời điểm mà mấy ông chủ nhà máy thép hô hào rằng nhà máy của họ sản xuất ra được hàng ngàn tấn thép, rồi còn làm báo cáo kê khống để khiến chính phủ vui lòng. Các kỹ sư xe hơi cũng bị cuốn theo, muốn sản xuất chiếc xe dài nhất làm quà tặng Mao”, ông Lạc nói.
Vào những năm 1950, việc khắc chữ trên ca-pô xe của hãng Đông Phong đã phải chuyển từ khắc chữ pinyin (phiên âm la-tinh của tiếng Trung) thành kí tự Trung Quốc vì ông Mao không đọc được pinyin.
Dấu ấn của mao có thể tìm thấy rất nhiều trong bộ sưu tập xe này. Ông Lạc giải thích, xe hơi màu đỏ của hãng Đông Phong chỉ khắc chữ tiếng Trung trên ca-pô vì ông Mao không đọc được pinyin.
Chiếc 1945 ZIS cục mịch có kính cửa sổ bị nứt vỡ từng được Lưu Thiếu Kỳ sử dụng, ông là Thủ tướng Trung Quốc từ 1958 đến 1968, người bị dán nhãn “kẻ phản bội” trong suốt Cách mạng Văn hóa do Mao khởi xướng.
“Khi Hồng Vệ binh nhìn thấy chiếc xe này, họ ném đá vào nó để bày tỏ sự phẫn nộ. Đó là thời điểm mà người ta tin rằng đập bỏ thế giới cũ sẽ làm nên thế giới mới”.
Vào thời Cách mạng Văn hóa, xe của các quan chức bị dán nhãn “phản bội” thường bị tấn công.
Một bức chân dung của Mao, tay phải đưa lên trên, được treo trên bức tường đằng sau phiên bản Đông Phương Hồng đỏ trắng của hãng Đông Phong những năm 1950.
Ông Lạc nói, chỉ vài chiếc được làm ra vào cuối thập niên 1950, thị trưởng Bắc kinh cho rằng chúng quá xa xỉ và nhìn hơi Tây nên đã cho ngưng sản xuất.
Cuộc đua lịch sử
Dẫu là vậy, nhưng có lẽ những chiếc xe chiếm vị trí đặc biệt nhất đối với ông Lạc lại là chiếc Hongqi 770. Chiếc xe được tạo ra vào cuối thập niên 1970, chiếc xe này từng thuộc về Nhiếp Vinh Trăn, thống soái quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông Lạc đã lái nó được 1.300 km trên đường đua Louis Vuitton Classic China Run từ thành phố Đại Liên đến Bắc Kinh.
Mặc dù cuộc đua diễn ra tại Trung Quốc, nhưng ông lại là tài xế bản địa duy nhất tham gia, điều này khiến ông trở thành 1 người nổi tiếng trong mắt người dân.
“Tôi bị ban tổ chức cuộc đua phạt vì quá nhiều người Đại Liên vây quanh xe của tôi. Tôi nhớ có 1 ông cụ đang giữ cô cháu gái, khi tôi lái xe, ông ấy hứng khởi lắm, bắt đầu vỗ tay rồi bỏ mặc cháu gái luôn”.
Ông Lạc là người Trung Quốc duy nhất tham gia vào cuộc đua năm 1998, mặc dù sự kiện này diễn ra tại Trung Quốc.
Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường xe hơi lớn nhất thế giới và các phương tiện đi lại dạng này không còn chỉ được dùng cho giới tinh hoa. Nhà bảo tàng của Lạc Văn Hữu trở thành nơi gợi nhớ về những chuyển biến mạnh mẽ của một đất nước nhiều biến động suốt hơn 40 năm qua.
Tuy nhiên, ông vẫn ước ao đưa vào bộ sưu tập của mình 1 chiếc xe, “Tôi thích lắm cái chiếc xe hơi nước của Anh, chứ xe Trung Quốc thì tôi có gần như đủ bộ rồi”.
Một chiếc xe của hãng Đông Phong trong những năm 1950.
Một góc trong nhà bảo tàng xe của ông Lạc.