Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 08/02

Bản tin Biển Đông ngày 08/02

Bản tin Biển Đông ngày 08/02/2017.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Trung Quốc có lẽ đã mắc sai lầm lớn ở Biển Đông

Ngày 7/2, tờ The National Interest đăng bài viết “Vì sao Trung Quốc có lẽ đã mắc sai lầm lớn ở Biển Đông” của Grant Newsham, Nghiên cứu viên cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản cho rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể không được thuận buồm xuôi gió như nước này tính toán.

Mặc dù cho đến nay Mỹ đã từng manh nha một số giải pháp gây sức ép quân sự đối với các tiền đồn mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông song những phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson và các quan chức thuộc chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump mới đây cho thấy một vài dấu hiệu chứng tỏ đã có một thay đổi đột ngột trong chính sách lâu dài của Mỹ đối với Trung Quốc. Theo đó, chính quyền này dường như sẽ cương quyết bảo vệ đến cùng lợi ích của mình. Bởi vậy, dẫu đã ráo riết tăng cường năng lực quân sự nhằm thiết lập sự kiểm soát de facto ở Biển Đông và mở rộng ra toàn bộ “Chuỗi đảo thứ nhất”, sự thực là khả năng của Trung Quốc ở khu vực không tạo ra được lợi thế chiến lược như nước này đã tính toán. Không những thế, đặc điểm địa lý cũng không thuận lợi cho các lực lượng của Trung Quốc tự do tung hoành trong Chuỗi đảo thứ nhất do chỉ có ít “điểm ra vào” đi qua khu vực này. Không những thế những điểm đó có thể dễ dàng bị chế ngự bởi các hệ thống tên lửa chống tàu, chống máy bay, tàu ngầm… của các nước khác, đặc biệt là Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có Nhật Bản. Tác giả cũng chỉ ra rằng, với những hoạt động gây hấn ở Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm có lẽ đã có những tính toán sai lầm ở Biển Đông, khiến đa số các quốc gia nhìn nhận một cách đầy tiêu cực về Trung Quốc như “một kẻ bắt nạt tham lam”.

Trung Quốc ngang ngược mỉa mai Mỹ “cần phải học lại” lịch sử Biển Đông

Ngày 8/2, hãng Channel News Asia cho biết hiện phía Trung Quốc đang “nổi trận lôi đình” trước những phát biểu mới đây được đưa ra bởi chính quyền mới của Mỹ gần đây về vấn đề Biển Đông. Ngày 7/2, trong chuyến thăm tới Úc, Bộ trưởng Vương Nghị đã lớn tiếng “yêu cầu” phía Mỹ “cập nhật lại lịch sử về Thế Chiến thứ hai”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đi đưa ra những phát biểu đi ngược lại với sự thật lịch sử, rằng “Tuyên bố Cairo 1943 và Tuyên bố Potsdam 1945 đã khẳng định rõ rằng Nhật Bản đã trả lại cho Trung Quốc toàn bộ phần lãnh thổ của nước này bị Nhật Bản chiếm giữ, bao gồm quần đảo Nam Sa (Trường Sa)”. Thậm chí, ông Vương đã ngang nhiên tuyên bố “năm 1946, chính phủ nối tiếp của Trung Quốc với sự giúp đỡ của Mỹ đã lấy lại Trường Sa và các đá một cách công khai và hợp pháp, đồng thời tiếp tục thực thi chủ quyền của mình”. Không dừng lại ở đó, ông này còn đổ lỗi “một số các quốc gia láng giềng đã sử dụng các phương thức bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt một số đảo và đá ở Trường Sa, và tạo ra cái gọi là tranh chấp Biển Đông”.

Phía Trung Quốc vẫn tiếp tục thách thức dư luận và luật pháp quốc tế, ngay cả sau khi Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã đưa ra Phán quyết mang tính lịch sử ngày 12/7/2016, bác bỏ hoàn toàn “đường chín đoạn” của Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông cùng một loạt các hành động gây hấn và bất hợp pháp của nước này ở khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cảnh báo Bắc Kinh sắp tiến hành xây dựng trái phép tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông

Ngày 8/2, tờ The Japan Times cho biết trong một buổi phỏng vấn ngày 7/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines  Delfin Lorenzana khẳng định rằng nhiều khả năng Trung Quốc vẫn sẽ tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ 230 km. Ông lo ngại rằng “điều đó sẽ phức tạp hơn nhiều so với trường hợp của Đá Chữ Thập bởi bãi cạn này nằm rất gần Philippines”. Ông Lorenzana nhấn mạnh, việc bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc là nhằm độc chiếm Biển Đông, rằng “đó có thể là chiến lược của Trung Quốc nhằm đối đầu với bất cứ siêu cường nào đi vào Biển Đông bởi họ vẫn nghĩ rằng Biển Đông giống như một cái hồ, của họ”. Bên cạnh đó, ông cho biết Philippines sẽ nỗ lực “quản lý” tranh chấp biển đồng thời hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực như tuần tra chống hải tặc ở các vùng biển phía Nam của Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới