Friday, January 10, 2025
Trang chủĐàm luậnNhóm tàu sân bay mới của Mỹ bao giờ tới Biển Đông?

Nhóm tàu sân bay mới của Mỹ bao giờ tới Biển Đông?

Theo tin nước ngoài, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và Hải quân Mỹ đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuần đầu tháng 2/2017, ba quan chức quốc phòng giấu tên cho biết, trong kế hoạch hiện diện mới này, tàu chiến của Mỹ sẽ áp sát và đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa và khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Nhóm tàu sân bay Carl Vinson, đóng tại căn cứ San Diego (bang California) còn có các tàu khu trục Wayne E. Meyer và Michael Murphy, tàu tuần dương Lake Champlain và các phi đội bay tác chiến. Hiện nhóm tàu sân bay Carl Vinson đã đến Guam.

Trong năm 2016, Mỹ từng điều tàu chiến đến gần quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhằm thách thức yêu sách cũng như sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.

Kế hoạch hành động mới của Hải quân Mỹ sẽ được đệ trình Tổng thống Donald Trump xem xét và phê chuẩn. Theo đánh giá của tờ Navy Times, kế hoạch hiện diện này có thể là phép thử dành cho chính quyền Trump về chính sách đối với châu Á.

Chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược CSIS nhận xét: “Tôi không tin chính quyền Trump có thể buộc Trung Quốc rút khỏi những đảo mới được xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Nhưng Mỹ có thể phát triển chiến lược nhằm ngăn chặn việc tiếp tục cải tạo đất và quân sự hóa, không để Trung Quốc sử dụng các tiền đồn mới đe dọa và ép buộc các nước láng giềng”.

Có một câu chuyện được xem là “lạ”! Chuyện rằng hôm 8/2, một máy bay quân sự Trung Quốc và một máy bay tuần tra Mỹ đã bay áp sát “không an toàn” trên Biển Đông. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis nói rằng, về cơ bản máy bay của Trung Quốc đã “tạt qua mũi” máy bay Mỹ khiến nó “phải lập tức đổi hướng”. Hóa ra Mỹ-Trung cứ vờn nhau chả rõ ai là mèo,ai là chuột!

“Chúng tôi không thấy chứng cứ nào cho thấy đó là sự cố tình. Đúng là chúng tôi có những bất đồng với Trung Quốc về quá trình quân sự hóa tại Biển Đông, nhưng các tương tác giữa tàu và máy bay phần lớn vẫn chuyên nghiệp và an toàn. Đây dường như chỉ là một việc hiếm có” – ông Davis nói.

Còn theo các nhà phân tích quân sự quốc tế, các bước đi quân sự hóa tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông là phép thử đối với chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump. Song mục đích chủ yếu của Bắc Kinh vẫn là nhắm tới lợi ích của họ khi xâm chiếm lãnh thổ trên biển đảo của Việt Nam. Trước sau đừng ai hi vọng vào những lời nói ngon ngọt và hành động ngông cuồng này sẽ giảm bớt,  dù Tổng thống Mỹ là ai.

Các quan điểm của Mỹ về tình hình ở châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông và sự trơ lỳ của Bắc Kinh chỉ là một phần nhỏ. Khi Trung Quốc đã hướng tới các lợi ích lâu dài trên biển thì các phản ứng của Mỹ dù ở mức độ nào cũng khó làm thay đổi ý chí độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Các nước trong khu vực không thể mong chờ Trung Quốc từ bỏ ý định cải tạo, quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, dù phía Mỹ có cảnh cáo, răn đe bằng quân sự, kinh tế như thế nào.

Về phía Mỹ, quyền lợi về tự do hàng hải ở Biển Đông của nước này rất  lớn. Mỹ và chính quyền mới của nhà tỷ phú-tân Tổng thống Donald Trump không dễ từ bỏ khu vực này. Nhưng cách hành xử của cả Mỹ và Trung Quốc ra sao còn phụ thuộc vào các mối quan hệ quốc tế trong những giai đoạn khác nhau. Thời gian qua, chính quyền mới của ông Donald Trump dù khá gay gắt về động thái “tằm ăn dâu” trên biển của Trung Quốc nhưng mới chỉ dừng lại ở các tuyên bố. Việc chính quyền Mỹ sẽ hành động ra sao, can thiệp quân sự thế nào thì vẫn ở…thì tương lai.

Đối với Việt Nam, nước này đã ra nhiều tuyên bố về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc và cộng đồng quốc tế khi Bắc Kinh liên tục bộc lộ ý đồ xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam. Trong khi đó họ vẫn một mực nói rằng hai bên cố gắng giữ nguyên hiện trạng, duy trì môi trường hòa bình trên biển.Việc Hà Nội đưa ra các tuyên bố phản đối các hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, về mặt pháp lý đã thể hiện thái độ của quốc gia sở hữu các quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở khu vực đó.

Mặc dù các tuyên bố ở mỗi thời điểm có nội dung khác nhau nhưng đều thể hiện thái độ và cơ sở pháp lý về lâu dài của Việt Nam. Hãy khoan bàn tới khi chiến tranh xảy ra tương quan lực lượng ra sao, ai thắng, ai thua, thái độ các nước lớn và dư luận quốc tế. Nhưng Việt Nam cần phải tỏ rõ thái độ, rằng Trung Quốc không được lán lướt, tạo nên sự đã rồi khi tôn bồi các đảo,đá nhân tạo, liên tục ăn cướp các vùng lãnh thổ của Việt Nam trên biển.

Khi Việt Nam lên tiếng lên án sự bành trướng của Trung Quốc thì sẽ có nhiều quốc gia ủng hộ Việt Nam hơn, nhiều cơ quan thông tấn quốc tế biết đến, chú ý và bày tỏ ý kiến ủng hộ. Sự im lặng, cam chịu sẽ không đem lại bất kỳ lợi ích nào khác cho quốc gia. Bởi đối với Trung Quốc xưa nay càng nhẫn nhịn họ càng lấn tới, biến “đồng chí”, “đối tác” thành chư hầu.

RELATED ARTICLES

Tin mới