Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNgười vận động hậu trường để Trump đổi giọng về 'Một Trung...

Người vận động hậu trường để Trump đổi giọng về ‘Một Trung Quốc’

Tân ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được cho là người vận động ở hậu trường để Trump chấp nhận tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”.

Donald Trump (thứ 2 bên trái) dự buổi lễ nhậm chức Ngoại trưởng của
Rex Tillerson (ngồi ghế) tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đổi giọng khi Nhà Trắng hôm 9/2 đưa ra thông báo về nội dung cuộc điện đàm cùng ngày giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó, theo đề nghị của ông Tập, ông Trump nhất trí tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, tức coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Trước đó, ông Trump từng phá vỡ nghi thức đối ngoại khi điện đàm với lãnh đạo Đài Loan, khiến Bắc Kinh nổi giận. Vài ngày sau, ông Trump còn nói rằng Mỹ không nhất thiết phải duy trì chính sách “Một Trung Quốc”.

Ông Trump thay đổi thái độ sau nhiều cuộc họp diễn ra ở Nhà Trắng với sự góp mặt của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

‘Hướng đi đúng đắn’

Tillerson đã góp tiếng nói chung với Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn và những quan chức khác để thuyết phục Tổng thống rằng “đây là hướng đi đúng đắn cho mối quan hệ giữa hai nước và ổn định khu vực. Cuối cùng, họ đã thuyết phục được tổng thống”, một quan chức Nhà Trắng nói.

Sự can thiệp thành công của Tillerson, cựu giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, người chưa hề có kinh nghiệm ngoại giao, cho thấy tân ngoại trưởng có thể giúp thúc đẩy các quyết định quan trọng về các vấn đề địa chính trị, hai cây bút Matt Spetalnick và Steve Holland của Reuters nhận định.

Nhưng hiện vẫn chưa rõ ảnh hưởng của Tillerson đối với các ưu tiên của Trump như trấn áp tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đối phó với Iran và cải thiện quan hệ với Nga.

Các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ nhận định việc Trump thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc sẽ giúp làm dịu căng thẳng và mở ra các cuộc thảo thuận về các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, họ lưu ý thay đổi này không có nghĩa là Trump sẽ mềm dẻo với Trung Quốc ở một số vấn đề, bao gồm vấn đề Biển Đông hay lời đe dọa áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, cũng như việc gây sức ép để Bắc Kinh kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Song việc Trump công nhận một vấn đề mang tính chủ nghĩa dân tộc nhạy cảm ở Trung Quốc cũng “tạo ra nguy cơ người Trung Quốc sẽ kết luận rằng Trump cứng rắn trong phát ngôn nhưng có thể thay đổi lập trường nếu bị gây sức ép”, học giả Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, nhận định. 

Sức ảnh hưởng

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Nhà Trắng hôm 10/2, Trump tỏ ý hài lòng về việc phá băng quan hệ với ông Tập khi nói rằng cuộc điện đàm với ông Tập là “cuộc đàm thoại rất nồng ấm”.

Song ông cũng khẳng định lại phàn nàn bấy lâu của ông về việc Trung Quốc thao túng đồng nhân nhân tệ bằng cách giữ giá ở mức thấp. Ông dự báo rằng “một sân chơi công bằng” về thương mại giữa hai nước sẽ đạt được sớm hơn nhiều người nghĩ.

Là một lãnh đạo của tập đoàn dầu khí, Tillerson có lịch sử quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Ông thường xuyên giao dịch làm ăn với các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc điều trần tại thượng viện Mỹ vào tháng trước, Tillerson đã khiến Trung Quốc tức tối khi nói rằng cần phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Dù vậy, trong văn bản trả lời các câu hỏi chất vấn sau khi ông đã được thượng viện phê chuẩn chức vụ, Tillerson lại mềm giọng và nói rằng trong trường hợp xảy ra một “biến cố khẩn cấp”, Mỹ và các đồng minh “phải có khả năng hạn chế Trung Quốc tiếp cận và sử dụng” các đảo nhân tạo này.

“Vai trò mới nổi lên của Tillerson cho thấy ông có thể có sức tác động nhất định đối với những nước bạn bè và đối thủ của Mỹ, vốn đang hoang mang trước giọng điệu và cách hành xử khó đoán của Trump”, Spetalnick và Holland viết.

RELATED ARTICLES

Tin mới