Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNgười Mỹ không quay lưng trước Đông Nam Á?

Người Mỹ không quay lưng trước Đông Nam Á?

Trung Quốc lo ngại trước mối quan hệ quân sự bền chặt giữa Mỹ và Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, nhưng vẫn tự trấn an.

Indonesia phá hủy tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép

Người Mỹ không quay lưng

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vừa có bài viết nhận định rằng cuộc tập trận “Hổ mang Vàng” khẳng định chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Cuộc tập trận lần thứ 36 này được mở màn tại Căn cứ Không quân Utapao của Thái Lan hôm 14/2 vừa qua và đây là cuộc tập trận đa phương thường niên lớn nhất tại châu Á. Cuộc tập trận được giới chuyên gia Trung Quốc coi là nền tảng của các mối quan hệ quân sự giữa Washington và Bangkok và lần này là một trong những thước đo quan trọng để kiểm nghiệm quan hệ Mỹ-Thái Lan.

Được khởi động lần đầu tiên năm 1982, cuộc tập trận “Hổ mang Vàng” tới nay vẫn chưa từng bị đình chỉ hay trì hoãn lần nào. Thậm chí, cuộc tập trận này còn được phát triển từ hoạt động song phương đơn thuần thành một sự kiện đa phương, với sự tham gia của gần 30 quốc gia ở khu vực trong năm 2017.

Do đó, “Hổ mang Vàng” còn được người Trung Quốc đánh giá là “thước đo” chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh xuất hiện những chủ đề như “Hổ mang Vàng chuẩn bị thay đổi trật tự ở Đông Nam Á” hay “Hổ mang Vàng 2017 sẽ được xem là cam kết của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với châu Á”.

Tuy nhiên, Thời báo Hoàn cầu cho rằng những dự đoán này đang “thổi phồng” vị thế của Thái Lan trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Việc ông Trump đề ra chính sách “nước Mỹ trên hết” cho thấy nhiều khả năng ông sẽ tập trung vào những vấn đề trong nước, tiếp đến mới là các đồng minh trọng yếu của Mỹ.

Theo giới phân tích Trung Quốc, Thái Lan chỉ là một trong những đồng minh thứ yếu của Mỹ và do đó gần như chắc chắn sẽ khó đóng vai trò quyết định trong chiến lược toàn cầu của Nhà Trắng.

Đặc biệt, khi tương lai mối quan hệ Trung–Mỹ chưa được định hình rõ ràng, rất khó để Nhà Trắng đưa ra những quyết sách cụ thể hay quyết định chắc chắn về chính sách của họ ở Đông Nam Á, hay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, giới nghiên cứu Trung Quốc khẳng định quan hệ Mỹ-Thái đã ăn sâu vào chiến lược của Washington dành cho toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nói cách khác, nó liên quan chặt chẽ đến ván bài chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh.

Là một điểm tựa của quân đội Mỹ trong khu vực, vai trò quan trọng nhất đối với Thái Lan là đảm bảo sự hiện diện chiến lược của Washington ở khu vực giao nhau giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương này, đặc biệt là trong việc kìm hãm mục tiêu hướng Tây của Trung Quốc.

Nếu ông Trump dự định tăng cường chính sách ngăn chặn Bắc Kinh, thì tình hình chính trị ở Thái Lan sẽ không phải là chướng ngại vật trong quan hệ đồng minh giữa hai nước. Có thể nói, quan hệ Mỹ-Thái phát triển như thế nào sẽ không phụ thuộc vào cách Washington đối xử với Bangkok, mà phụ thuộc vào cách Nhà Trắng đối phó với Trung Quốc.

Cũng Thời báo Hoàn cầu, sau khi chứng kiến những thành tựu ít ỏi trong chính sách tái cân bằng của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau nhiều năm nỗ lực, Washington bắt đầu tỏ ra dao động trong cách thức đối phó với Trung Quốc. Sự do dự đó nay đã thể hiện qua thái độ không hài lòng với Bangkok sau cuộc đảo chính 2014.

Theo giới phân tích Trung Quốc, Washington không muốn quân đội Thái Lan nắm giữ quyền lực trong một thời gian dài. Tuy nhiên, Thủ tướng đương nhiệm của Thái Lan Prayuth Chan-o-cha mới đây từng tuyên bố rõ rằng hiện tại chỉ là giai đoạn chuyển tiếp, rằng ông không muốn kéo dài thời gian cầm quyền và sẽ theo đuổi việc xây dựng chế độ dân chủ, bất chấp việc tồn tại nhiều cản trở, kể cả việc Nhà vua Thái Lan băng hà vào cuối năm 2016.

Tờ Thời báo Hoàn cầu kết luận việc Nhà Trắng quyết định không đình chỉ các cuộc tập trận “Hổ mang Vàng” cho thấy Washington còn muốn nhiều hơn thế tại khu vực. Lập trường kiên định của Lầu Năm Góc là nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự với Bangkok, bởi vậy Washington chắc chắn sẽ lưu tâm đến các đề xuất của phía quân đội trước khi hoạch định chiến lược toàn cầu.

Indonesia trấn an

Trong bối cảnh chưa chắc chắn về chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tờ The Jakarta Post của Indonesia đặt câu hỏi “Mỹ nên tái vũ trang ở Đông Nam Á để chống Trung Quốc?”.

Hiện tại, Đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Cả hai viện cũng như Nhà Trắng dường như vẫn theo đuổi chiến lược “tái cân bằng” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama nhằm kiềm chế sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc và để đảm bảo cho các lợi ích của Mỹ ở khu vực.

Tờ báo Indonesia đưa ra nhận định rằng người Mỹ vẫn muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của mình và tích cực hỗ trợ các nước đồng minh, đối tác trong khu vực để có thể đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ John McCain – người đứng đầu Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ – đã đề nghị khoản ngân sách lên tới 7,5 tỷ USD để hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á.

Số tiền này sẽ dành để xây dựng các công trình quân sự mới như sân bay quân sự ở Australia và Philippines; mua sắm vũ khí và nâng cao khả năng tác chiến cho quân đội các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ.

Đề xuất này có thể là một phiên bản mở rộng đối với sáng kiến “An ninh hàng hải Đông Nam Á” dưới thời chính quyền Obama. Sáng kiến này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Carter cụ thể hóa vào năm 2015, mặc dù nó được đề xuất bởi ông McCain.

Theo sáng kiến này, Mỹ sẽ sử dụng khoản ngân sách là 425 triệu USD trong 5 năm để tăng cường năng lực hàng hải cho Philippines, Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Tuy nhiên, tờ báo của Indonesia cho rằng đối với khu vực Đông Nam Á, việc Mỹ áp dụng chiến lược tái vũ trang sẽ là sai lầm bởi hai lý do:

Thứ nhất, không có bằng chứng cho thấy các quốc gia Đông Nam Á tăng cường đầu tư cho quân sự để chống lại Trung Quốc, và thực tế họ cũng không có khả năng làm như vậy dù gần đây một số quốc gia tăng cường hiện đại hóa quân đội như mua sắm tầu ngầm, máy bay chiến đấu.

Theo số liệu của tổ chức IHS Jane, 7 quốc gia Đông Nam Á có chi tiêu quốc phòng mạnh nhất đã giải ngân khoảng 78% ngân sách của mình trong giai đoạn từ 2012-2016. Chi phí này chủ yếu được sử dụng để trả lương cho quân nhân và các hoạt động bảo trì, luyện tập. Về việc nghiên cứu phát triển các loại vũ khí, phương tiện quốc phòng, mua sắm vũ khí, họ chỉ bỏ ra số tiền là 19%.

Mặc dù một số quốc gia được dự báo sẽ gia tăng chi tiêu cho quốc phòng vào năm 2021, chẳng hạn như Indonesia 2,1 tỷ USD, Singapore 1,9 tỷ USD, song số tiền này không thấm vào đâu so với các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Thực tế đây chỉ là nhu cầu gia tăng tự nhiên trong khu vực Đông Nam Á để thay thế các trang thiết bị quân sự đã bị lạc hậu, hầu hết đã trải qua từ 35-55 năm sử dụng.

Tờ báo Indonesia dẫn số liệu của SIPRI cho biết trong giai đoạn từ năm 1950-2015, các quốc gia Đông Nam Á đã mua sắm vũ khí từ 19 nhà cung cấp khác nhau. Ở mức thấp như Lào đã tiến hành mua sắm từ 9 nhà cung cấp và ở mức cao như Indonesia đã mua sắm từ 32 nhà cung cấp đến từ nhiều quốc gia.

Những mô hình phát triển này đã cho thấy các quốc gia ở khu vực không ưu tiên cho việc phát triển quân sự để đối phó với Trung Quốc. Đây là lý do tại sao các quốc gia của khu vực thích sử dụng công cụ ngoại giao, thông qua ASEAN hoặc quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ hay các cường quốc khác của khu vực để cân bằng quan hệ với Trung Quốc.

Thứ hai, tờ báo Indonesia cho rằng việc tái vũ trang cho các quốc gia ở khu vực sẽ làm đảo lộn cấu trúc chi tiêu quốc phòng của các quốc gia này. Theo đó, Washington không nên tập trung vào việc cung cấp và trang bị các phương tiện quân sự. Thay vào đó, Mỹ nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nguồn nhân lực và khả năng tác chiến của quân đội các quốc gia Đông Nam Á.

The Jakarta Post kết luận khu vực Đông Nam Á cần sự ổn định, cấu trúc trung tâm để duy trì sự cân bằng cán cân quyền lực trong khu vực và hơn nữa là nhằm giữ vững một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

RELATED ARTICLES

Tin mới