Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnUkraine ra đòn với Nga lại vô tình dằn mặt Mỹ

Ukraine ra đòn với Nga lại vô tình dằn mặt Mỹ

Kiev đòi tước quyền phủ quyết của Nga, khác nào dằn mặt Mỹ, trong khi Mỹ và Anh, Pháp là những nước mà hiện nay Ukraine không thể làm phiền lòng… 

Truyền thông quốc tế đưa tin, ngày 21/2/2017, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin đã kêu gọi bãi bỏ quyền phủ quyết của Nga với tư cách là Thành viên Thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong bối cảnh Moscow bị cáo buộc là một bên trong cuộc xung đột hiện nay ở Donbass, miền Đông Ukraine.

“Chúng ta cần nhanh chóng cải tổ Hội đồng Bảo an để loại bỏ nguy cơ lạm dụng quyền phủ quyết. Hội đồng Bảo an phải có khả năng giải quyết hiệu quả các cuộc xung đột đẫm máu mà không cần có sự hiện diện của một bên trong cuộc xung đột, nhưng cũng đồng thời là Thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an”, TASS dẫn lời Ngoại trưởng Klimkin.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine, việc các bên ngang nhiên lờ đi quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu một bên trong tranh chấp không bỏ phiếu về các vấn đề liên quan đến tranh chấp đó, là không thể chấp nhận được.

“Bắt buộc phải có các quy định rõ ràng để các bên thực hiện đúng theo quy định này”.

Ngoại trưởng Klimkin cho biết thêm rằng sự hung hăng của Nga nhằm chống lại Ukraine cũng đồng thời là nhằm vào châu Âu và sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương, vốn được xem là những yếu tố cơ bản của trật tự an ninh toàn cầu. Do vậy, lời kêu gọi của ông Klimkin tại diễn đà này chẳng khác gì lời kêu gọi Mỹ và châu Âu đoàn kết với Ukraine chống Nga.

Có thể thấy rằng, phát biểu của Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin là hành động “cả giận mất khôn”.

Thứ nhất, việc tước bỏ quyền phủ quyết của Nga chắc chắn sẽ không được đáp ứng, như lời cố Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin rằng, bất kỳ sáng kiến nào nhằm xâm phạm quyền phủ quyết của 5 nước Thành viên Thường trực HĐBA là không thể chấp nhận được.

Như đã biết cơ chế quyền phủ quyết của Thành viên Thường trực HĐBA được xây dựng dựa trên những vấn đề lịch sử, mà bối cảnh hiện nay vẫn chưa chín muồi cho việc thay đổi cơ chế ấy.

Những kế hoạch cải cách LHQ đã đề xuất cơ chế có thêm Thành viên Thường trực HĐBA không có quyền phủ quyết là một bước đi được cho là phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, qua việc này, bên cạnh Nga được Kiev xác định là kẻ thù chính, thì các Thành viên Thường trực khác của HĐBA cũng đã được nhận diện không thể là đồng minh thân thiện của Ukraine. Bởi lẽ, cả Nga, Mỹ, Pháp Anh và Trung Quốc đều đã có những lần thực hiện quyền phủ quyết mà không phải lúc nào cũng được sự đồng thuận của đa số các thành viên LHQ.

Đặc biệt trong số đó Mỹ đã phủ quyết rất nhiều nghị quyết của LHQ liên quan đến hoà bình giữa Israel và Palestine – vấn đề có khá nhiều tương đồng với xung đột tại Ukraine. Kiev đòi tước quyền phủ quyết của Nga có khác nào là dằn mặt Mỹ, trong khi Mỹ và đồng minh Anh, Pháp là những cường quốc mà Ukraine không thể gây phiền lòng trong thời điểm hiện nay.

Thứ ba, việc Kiev nêu vấn đề đổi mới cơ chế của một tổ chức quốc tế nhưng chỉ dựa trên duy nhất sự việc đang diễn ra tại Ukraine, điều này thiếu sự khách quan, mang nặng tính quy chụp.

Do vậy, Kiev có thể phải chịu cảnh “đơn thương độc mã” trong việc bảo vệ quan điểm của mình, nghĩa là sẽ không có nhiều nước ủng hộ Ukraine, dù đúng hay sai.

Có thể thấy, việc Kiev lên án Moscow được xem là bình thường trong xung đột chính trị giữa hai chính thể, hai nhà nước và không ít thì nhiều Kiev sẽ có những người bạn ủng hộ hoặc đồng quan điểm với Kiev. Song khi đặt vấn đề thay đổi một cơ chế quốc tế chỉ vì lợi ích của riêng mình sẽ khiến Kiev bị xem là biểu hiện cực đoan, bởi đây là ngoại giao quốc tế đa phương.

Như vậy, việc Kiev đặt vấn đề mà biết nó sẽ không có kết quả đó là một việc không nên làm trong lúc nóng giận. Và mọi việc sẽ không dừng lại ở đó, mà Ukraine sẽ phải nhận lãnh hậu quả từ “lời nói trong lúc nóng giận” của đại diện chính quyền Tổng thống Poroshenko.

Có thể nhận diện ngay là chính quyền Kiev sẽ đối mặt với nguy cơ “thêm thù bớt bạn” qua “lời nói trong lúc nóng giận” Ngoại trưởng Pavel Klimkin, thậm chí sẽ “mất bạn, hết đồng minh”.

Chính quyền Kiev sẽ mất đi sự ủng hộ – vốn đã không nhiều – trong các định chế quốc tế mà Ukraine đang là thành viên, còn với những tổ chức mà Ukraine muốn gia nhập thì sẽ khó mà đón nhận Ukraine, ít nhất là dưới thời chính quyền Poroshenko.

Giấc mộng NATO hay ước mơ EU sẽ trở nên xa vời hơn với mong muốn của Kiev sau hành động” cả giận mất khôn” của Ngoại trưởng Klimkin tại diễn đàn HĐBA vừa qua.

Chỉ cần hình dung NATO và EU đang rối bời như hiện nay mà chính quyền Kiev có những “lời nói trong lúc nóng giận” khi quyền lợi không đảm bảo hay bị sụt giảm, thì hậu quả lớn biết chừng nào.

Rõ ràng, với những gì chính quyền của Tổng thống Poroshenko đã thể hiện qua hành động cũng như thể hiện quan điểm tại các diễn đàn hay trong các mối quan hệ quốc tế, cho thấy chính quyền hiện nay tại Ukraine rất kém trong bang giao quốc tế. Qua đó việc giữ vững chủ quyền quốc gia cho Ukraine, bảo vệ lợi ích dân tộc cho Ukraine bị ảnh hưởng rất nhiều.

Đất nước Ukraine bị thiệt thòi, thậm chí mất mát vì điều đó, còn với cộng đồng quốc tế – nhất là các thực thể chính trị muốn xây dựng quan hệ đồng minh hay đối tác với Ukraine – sẽ không có niềm tin chiến lược. Trong khi những gì mà Ukraine có thể mang ra “đổi chác” gần như đã không còn, còn với niềm tin chiến lược – thứ duy nhất còn lại – thì cũng bị Kiev đánh mất.

RELATED ARTICLES

Tin mới