BienDong.net: Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Indonesia (TNI) đã được tăng cường nhằm ứng phó các nguy cơ bất ổn tại vùng biển Natuna trong bối cảnh bản đồ mới có chứa “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc đã bao phủ cả vùng biển này.
Mặc dù có thông tin cho biết Trung Quốc đã nhiều lần trấn an Indonesia về yêu sách chủ quyền phi lý của họ tại Biển Đông không bao gồm quần đảo Natuna hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Song, Hãng tin chính thức Antara của Indonesia gần đây dẫn lời Phó trợ lý Bộ trưởng An ninh phụ trách về học thuyết chiến lược quốc phòng Indonesia, Phó Đề đốc Fahru Zaini nêu rõ: “Trung Quốc đã tuyên bố vùng biển Natuna là vùng lãnh hải của họ” và rằng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không minh bạch.
Bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc
Theo chuyên gia Scott Cheney – Peters viết trên blog của Trung tâm An ninh Hàng hải quốc tế (CIMSEC), chỉ vài tuần trước khi ông Fahru nhận được thông báo về sự “xâm lấn” của “đường lưỡi bò” Trung Quốc đối với vùng biển chủ quyền Natuna, Indonesia đã tăng cường lực lượng hải quân và không quân ở trên và xung quanh quần đảo Natuna nhằm sẵn sàng đối phó với sự bất ổn tiềm tàng.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tướng Moeldoko
Tổng Tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Moeldoko cũng vạch rõ tầm quan trọng của việc tăng cường quân sự của nước này tại khu vực biển Natuna trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực Biển Đông đang trở thành mối quan tâm của khu vực và quốc tế.
Tướng Moeldoko cho biết: “Việc triển khai các lực lượng của TNI quanh vùng biển Natuna nhằm mục đích sẵn sàng ứng phó với những bất ổn trong khu vực. Vì Natuna nằm ở vị trí chiến lược, việc tăng cường lực lượng cả trên không trên biển và trên bộ ở khu vực này là cần thiết, và nó đóng vai trò như là một hệ thống cảnh báo sớm cho Indonesia và TNI”.
Tư lệnh quân đội Indonesia cũng nhấn mạnh bất kỳ sự kiện tiêu cực nào đang diễn ra ở khu vực cũng có thể tác động nguy hiểm tới Indonesia. Quân đội nước này sẽ tăng cường thêm ít nhất một tiểu đoàn đóng tại Natuna bên cạnh việc củng cố căn cứ hải quân hiện nay ở quần đảo này.
Trên thực tế, vùng biển Natuna thuộc Biển Đông là một phần của tỉnh Riau, Indonesia, nằm dọc theo phần phía nam của eo biển chiến lược Malacca. Tuy nhiên, Trung Quốc đã gộp một phần vùng biển của quần đảo Natuna vào trong “đường lưỡi bò”. Do vậy, vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia kéo dài từ nhóm đảo Natuna đã bị chồng lấn với vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” phi lý do Trung Quốc tự vẽ ra để đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông với các nước.
Trung Quốc đã chính thức hóa yêu sách chủ quyền đó khi đưa tấm bản đồ Biển Đông có chứa “đường lưỡi bò” phi pháp và phi lý vào trong hộ chiếu mới của công dân. Điều này đã làm các quan chức Indonesia hết sức bất bình. “Những gì mà Trung Quốc đã làm liên quan đến các vùng lãnh thổ của nước Cộng hòa Indonesia. Vì vậy, chúng tôi đã đến Natuna để xem xét lại các chiến lược chi tiết về thế trận quốc phòng ở khu vực này, cụ thể là đối với Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Indonesia”, Phó Đề đốc Indonesia Fahru Zaini cho biết.
Phó Đề đốc Zaini cho rằng, quân đội Indonesia cần phải có chiến lược cụ thể để đối phó, vì lẽ: “Những gì Trung Quốc đã làm liên quan đến lãnh thổ của nước Cộng hòa Indonesia thống nhất”.
Phó Đề đốc Zaini cũng nhắc lại, không riêng gì lãnh thổ Indonesia bị tấm bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc “gặm nhấm”, các nước khác quanh Biển Đông như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều gặp vấn đề tương tự với yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh.
BDN (tổng hợp)