Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHỮNG LẬP LUẬN CỦA TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ TÍNH THUYẾT PHỤC

NHỮNG LẬP LUẬN CỦA TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ TÍNH THUYẾT PHỤC

BienDong.Net: Sau khi Philippines nộp Bản lập luận cho vụ kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài, do tuyên bố không tham gia vào vụ kiện nên Trung Quốc đang tìm mọi cách để đưa ra các lập luận để phản bác vụ kiện của Philippines.

Ngoài phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong các ngày 30, 31/3/2014 và 01/4/2014, ngày 03/4/2014 Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines Trương Hoa đã có bài viết nhan đề “quan điểm của Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ với Philippines” đăng trên trang mạng của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila. Trương Hoa đã đưa ra 10 điểm về lập trường của Trung Quốc. Nội dung không có gì mới so với những phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Bài viết đổ lỗi cho Philippines “phá hoại quan hệ Trung Quốc – Philippines” vì khởi xướng và kiên trì theo đuổi vụ kiện bất chấp sự không đồng ý của Trung Quốc. Không hiểu ông Trương Hoa có đọc Công ước Luật biển 1982 hay không mà lại đưa ra lập luận rằng phân xử Trọng tài quốc tế đòi hỏi phải có thỏa thuận đạt được giữa 2 bên. Thủ tục Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 quy định một bên có thể đơn phương đưa những vấn đề tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước ra Tòa Trọng tài để phán xét mà không cần có sự đồng ý của bên bị kiện. Chính vì lẽ đó nên bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc trong hơn 1 năm qua, tiến trình của Tòa Trọng tài cho vụ kiện của Philippines vẫn diễn ra bình thường. Đây là sự trả lời chính thức nhất đối với lập luận “cùn” này của Trung Quốc.

Bài viết đưa ra lý do Trung Quốc không chấp nhận phân xử trọng tài là Trung Quốc đã ký với ASEAN Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) và Trung Quốc đã có những thỏa thuận với Philippines là giải quyết tranh chấp thông qua hiệp thương. Cần phải nhấn mạnh rằng DOC không phải là một văn bản có giá trị ràng buộc về pháp lý và trong đó không có quy định nào ngăn cản các bên giải quyết tranh chấp ở cơ quan tài phán quốc tế, kể cả ở Tòa Trọng tài. Luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Luật biển 1982 cũng luôn ưu tiên cho việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, nhưng không phải là đàm phán vô thời hạn. Trong một thời gian nhất định nếu 2 bên không giải quyết được tranh chấp thì luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 đều khuyến nghị nên thông qua các cơ chế tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp. Trong Tuyên bố khởi kiện, Philippines đã nêu rõ sau 17 năm đàm phán không có kết quả buộc Philippines phải đưa vấn đề ra Tòa Trọng tài quốc tế.

Bài viết cho rằng cơ chế tài phán giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Công ước Luật biển 1982 không áp dụng cho tất cả các vấn đề trên biển. Điều này hoàn toàn đúng, Tòa Trọng tài không có chức năng phân xử vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ hoặc phân định biển nếu không có sự đồng ý của cả 2 bên, nhưng Tòa Trọng tài có chức năng trong việc phán xử những vấn đề liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước. Vụ kiện của Philippines cũng tập trung vào những nội dung này, thậm chí Philippines đã chủ động đưa vào yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa không xem xét vấn đề chủ quyền và phân định biển.

Bài viết cho rằng kết quả phân xử trọng tài không đáp ứng mong đợi về tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Trung Quốc và Philippines. Vậy việc Trung Quốc gây sự để chiếm bãi cạn Scarborough, tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cá Philippines và ngăn cản Philippines ra tiếp tế bãi Cỏ Mây thì có lợi cho tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Philippines? Có thể khẳng định rằng các quan tòa luôn công tâm trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các bên nên phán quyết của Tòa có thể được coi là một giải pháp công bằng nhất. Trên thưc tế, quan hệ giữa các nước sau khi giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua cơ quan tài phán quốc tế đều tốt và hữu nghị hơn trước và tránh được xung đột.

Bài viết nhấn mạnh quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc là thông qua tham vấn và đàm phán song phương. Sở dĩ Trung Quốc chỉ muốn giải quyết song phương là để gây sức ép với đối phương theo cách “lấy thịt đè người” nhằm đạt được mục tiêu của mình. Ngay việc Trung Quốc kiên quyết không chấp nhận giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế tài phán quốc tế cũng cho thấy sự ngang ngược của họ.

Bài viết cũng cho rằng Trung Quốc “có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với Nam Sa (Trường Sa) và các vùng biển liền kề. Đây chỉ là một sự ngụy biện chứ nếu đúng là họ có “đầy đủ bằng chứng” thì họ phải ra Tòa để làm rõ điều đó để chứng minh với cả thế giới rằng họ có “chính nghĩa”. Ai cũng biết rằng Trung Quốc rất nhiều tiểu xảo, thậm chí họ đã từng làm giả các chứng cứ. Nếu như họ đưa những bằng chứng ngụy tạo ra Tòa thì sẽ bị phát hiện và sẽ làm cho “bộ mặt” của Trung Quốc càng xấu thêm. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng sở dĩ Trung Quốc kiên quyết phản đối việc giải quyết tranh chấp tại Tòa vì họ chẳng có bằng chứng nào cả và các yêu sách của họ ở Biển Đông là phi pháp và trái với luật pháp quốc tế.

Bài viết đưa ra cái gọi là “sự đồng thuận giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông”. Nếu thực sự có sự đồng thuận thì không có lý do gì một nước nhỏ như Philippines lại đưa Trung Quốc ra Tòa để làm gì. Chẳng qua là vì bị o ép mạnh và Philippines không thể chịu được nữa nên buộc nước này phải nhờ đến cơ chế Trọng tài để giải quyết.

Bài viết cũng đề cập đến vấn đề bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và cho rằng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Vấn đề này cộng đồng quốc tế đã quá rõ: tháng 4/2012, Trung Quốc chủ động gây sự với Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough để rồi khống chế toàn bộ khu vực này; gần đây, tàu Trung Quốc tìm mọi cách ngăn cản Philippines tiếp tế cho lính Philippines đồn trú ở bãi Cỏ Mây. Đến khi Philippines phải mời các phóng viên nước ngoài lên tàu của Philippines để chứng kiến thì mới có thể ra bãi Cỏ Mây để tiếp tế. Xem ra Trung Quốc vẫn sợ dư luận quốc tế đấy chứ, họ biết có phóng viên nước ngoài trên tàu nên không dám gây hấn sợ sẽ bị các nhà báo quốc tế phanh phui. Philippines đã rất kiềm chế nên họ chưa đưa vấn đề bãi Cỏ Mây vào Tuyên bố khởi kiện. Nhưng vì những hành động của Trung Quốc, Philippines đã buộc phải bổ sung thêm vấn đề bãi Cỏ Mây vào Bản lập luận mà họ đã gửi đến Tòa Trọng tài hôm 30/3/2014.

Bài viết còn nói rằng tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông không bị ảnh hưởng nhưng việc họ ban hành các đạo luật cho phép cơ quan chức năng Trung Quốc (Điều lệ quản lý trị an Biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam tháng 11/2012; Biện pháp thực thi Luật ngư nghiệp của Trung Quốc có hiệu lực từ 01/01/2014) kiểm soát, lục soát các tàu thuyền nước ngoài qua lại Biển Đông hoặc cho phép cơ quan chức năng Trung Quốc trấn áp các tàu cá của các nước ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng hải và hoạt động nghề cá ở Biển Đông. Thậm chí tàu của Trung Quốc còn chạy cắt ngang qua mũi tàu chiến Mỹ để khiêu khích hồi cuối năm ngoái. Đây chính là những hành động đe dọa đến tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Còn đối với vấn đề hàng không, bài viết ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc có quyền thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông bất chấp sự lo ngại của các nước trong và ngoài khu vực. Phải chăng đây là “thiện chí” của Trung Quốc và những lời nói này cũng như hành động của Trung Quốc sẽ góp phần tăng cường tình hữu nghị với các nước láng giềng ven Biển Đông?

Bài viết dẫn chứng một số việc làm của Trung Quốc như: tài trợ cho Quỹ hợp tác biển ASEAN – Trung Quốc 3 tỷ Nhân dân tệ để cho rằng Trung Quốc cam kết cho một Biển Đông hòa bình, hữu nghị hợp tác. Đây cũng chỉ là một sự ngụy biện cho những hành động gây hấn trên thực địa của Trung Quốc với các nước láng giềng ven Biển Đông. Mọi người đều biết Trung Quốc luôn dùng những lời nói “ngọt ngào” để che đậy cho những âm mưu và hành động đen tối của họ. Trên vấn đề Biển Đông thì điều này lại càng thể hiện rõ hơn.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới