Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNHỮNG KỶ VẬT VÀ NHÂN CHỨNG SỐNG VỀ CHỦ QUYỀN VIỆT NAM...

NHỮNG KỶ VẬT VÀ NHÂN CHỨNG SỐNG VỀ CHỦ QUYỀN VIỆT NAM TRÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

BienDong.Net: Vừa qua, trong dịp về Việt Nam, khi theo dõi truyền hình Thông tấn xã, tôi được xem một phóng sự viết về một tờ giấy khai sinh bản gốc mang tên bà Mai Kim Quy được cơ quan chính quyền của Pháp có trụ sở tại Hoàng Sa cấp.

Câu chuyện kể lại rằng bà Mai Thị Phi sinh năm 1936 nguyên là giáo viên khoa Sinh của Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh; và bà Mai Thị Phương sinh năm 1937 nguyên là giáo viên tiếng Nga của Trường năng khiếu Trần Phú/Hải Phòng đã từng theo cha ra sinh sống ở Hoàng Sa.

Sau khi Pháp hoàn thành trạm khí tượng ở Hoàng Sa, ông Mai Xuân Tập được đào tạo về khí tượng vô tuyến điện tại Pháp đã được điều động ra làm việc tại trạm khí tượng ở quần đảo Hoàng Sa trong khoảng thời gian từ năm 1938 đến năm 1941. Ông đã đưa cả vợ và hai con gái Mai Thị Phi, Mai Thị Phương đi cùng.

Trong thời gian sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa, vợ chồng ông Mai Xuân Tập sinh thêm được một cô con gái và được đặt tên là Mai Kim Quy. Cái tên là Mai Kim Quy được ông bà Mai Xuân Tập và Nguyễn Thị Thắng đặt cho cô con gái thứ ba cũng mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó là để ghi nhớ kỷ niệm về những ngày đã sống ở trên đảo Hoàng Sa, nơi có rất nhiều rùa sinh sống. Tờ giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy được cấp tại quần đảo Hoàng Sa đã được gia đình và 2 bà chị (Mai Thị Phi, Mai Thị Phương) giữ gìn cẩn thận trong 75 năm qua. Gia đình bà đã quyết định trao tặng lại cho cơ quan nhà nước để phục vụ công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm bất hợp pháp năm 1974.

Tờ khai sinh của bà Mai Kim Quy gồm 1 bản chính và 1 bản phụ, cả hai bản đều là những văn bản gốc, có dấu của cơ quan hành chính của Chính quyền Pháp đặt tại Hoàng Sa. Trong tờ khai sinh có ghi rất chi tiết: “bà Mai Kim Quy là con gái của ông Mai Xuân Tập và bà Nguyễn Thị Thắng, sinh lúc 15 giờ ngày 07/12/1939 trên đảo Hoàng Sa (Pattle), nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Có hai người làm chứng là bác sỹ Nguyễn Tăng Chuẩn và ông Đỗ Đức Mùi, Trưởng trạm vô tuyến của đảo. Giấy khai sinh được đơn vị hành chính Pháp tại nhóm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa, Vương quốc An Nam cấp ngày 28/6/1940, có chữ ký của phái viên hành chính và đóng dấu đỏ”. Sau khi từ Hoàng Sa về đất liền, bà Quy sống ở Phú Thọ và đến năm 2 tuổi thì mất.

Nội dung tờ khai sinh phù hợp với các tư liệu trước đây nói về sự tồn tại trạm khí tượng trên quần đảo Hoàng Sa và hoạt động của cơ quan điều hành trạm khí tượng tại Hoàng Sa dưới thời Pháp thuộc. Tờ khai sinh là một bằng chứng có giá trị pháp lý cao trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc cơ quan hành chính pháp cấp giấy khai sinh ngay trên đảo cho thấy sự quản lý hành chính ở mức độ cao nhất của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa lúc bấy giờ. Đây là lần đầu tiên những cán bộ trong đoàn công tác của Bộ Ngoại giao cũng như nhóm phóng viên chúng tôi được tiếp cận với một con dấu của cơ quan hành chính Pháp thường trú trên quần đảo Hoàng Sa.

Ngoài tờ khai sinh của bà Mai Kim Quy, gia đình Mai Thị Phi, Mai Thị Phương còn lưu giữ được một số ảnh của gia đình ông Mai Xuân Tập và các cán bộ công tác tại trạm khí tượng ở quần đảo Hoàng Sa như ảnh chụp toàn bộ nhân viên làm việc tại Đài khí tượng và gia đình ông Mai Xuân Tập; ảnh chụp các nhân viên Đài khí tượng tại Hoàng Sa; ảnh chụp vợ con ông Đỗ Đức Mùi (người làm chứng trong tờ giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy; ảnh chụp bà Mai Kim Quy cùng hai chị gái Mai Thị Phi, Mai Thị Phương… Những tấm hình đen trắng này còn khá nguyên vẹn.

Bà Mai Thị Phương và Bà Thị Phi là hai nhân chứng hiếm hoi đã có mặt trên quần đảo Hoàng Sa vào cuối những năm 30 của Thế kỷ trước. Đáng tiếc là bà Phi và bà Phương ra Hoàng Sa khi còn quá nhỏ nên không còn nhớ được cặn kẽ về những gì diễn ra ở Hoàng Sa khi đó… Tuy nhiên những nét đặc trưng nhất ở quần đảo Hoàng Sa đầy nắng và gió dường như vẫn còn ghi đậm trong tâm trí của hai bà… Bà Phương và bà Phi nói tiếng Pháp khá tốt; kể lại “Đảo Pattle trong ký ức của chúng tôi là một hòn đảo rất là đẹp. Cát trắng và chim bay rất nhiều. Có những vùng đi đến đâu cũng đạp đến trứng chim. Biển thì đủ các loại san hô và các loại cá. Một nơi khung cảnh và thiên nhiên rất là phong phú. Khi nhỏ chúng tôi lúc nào cũng nhớ là ở đó, trứng chim nói thật là ra ngoài bãi biển đi là đạp lên trứng chim. Còn các loại ốc thì vỏ của nó đẹp lắm cho nên là suốt ngày các bà cứ đi nhặt vỏ ốc sau về làm những cái khuy áo. Nhiều vô kể và đẹp lắm. Sau này chúng tôi mỗi đứa giữ một vài cái mà bây giờ vẫn lưu lại”.

Tờ khai sinh và các tấm ảnh nói trên không chỉ là những kỷ vật quý của gia đình bà Mai Thị Phương và Mai Thị Phi mà giờ đây nó đã trở thành những chứng cứ pháp lý quan trọng khẳng định các hoạt động quản lý hành chính, dân sự mà chính quyền bảo hộ Pháp ở Đông Dương đã triển khai trên quần đảo Hoàng Sa, khi họ nhân danh chính quyền bảo hộ của Việt Nam thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bà Mai Thị Phương và Mai Thị Phi là những nhân chứng sống khẳng định rõ thêm tính xác thực của những tài liệu này.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới