Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTỔNG THỐNG MỸ BARACK OBAMA ĐƯA RA THÔNG ĐIỆP GÌ VỀ BIỂN...

TỔNG THỐNG MỸ BARACK OBAMA ĐƯA RA THÔNG ĐIỆP GÌ VỀ BIỂN ĐẢO TRONG CHUYẾN THĂM CHÂU Á SẮP TỚI?

BienDong.Net: Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm 4 nước Châu Á vào cuối tháng 4 này, trong đó có 3 nước đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, ngoài ra còn có Malaysia. Cả 4 nước này đều đang có vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Trong bối cảnh rất bận rộn trước tình hình bất ổn ngày càng leo thang ở Ucraina, việc Tổng thống Obama vẫn dành thời gian đi thăm 4 nước Châu Á này đã thể hiện rõ sự coi trọng Châu Á trong chiến lược mới của Mỹ và chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ là không thay đổi. Các nước đang mong đợi những thông điệp mới của Tổng thống Obama về vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông trong chuyến công du Châu Á sắp tới.

Trong thời gian gần đây, trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông (tàu chiến Trung Quốc chặn mũi tàu chiến Mỹ ở Biển Đông; triển khai trên thực tế Biện pháp thực thi Luật Ngư nghiệp Trung Quốc ở Biển Đông; ngăn cản tàu của Philippines tiếp tế cho đơn vị đồn trú của Philippines trên bãi Cỏ Mây…) và ở biển Hoa Đông (đơn phương lập khu nhận dạng phòng không ADIZ, tiếp tục cho tàu xâm phạm vào lãnh hải quần đảo Senkaku…) Mỹ tỏ thái độ ngày càng mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong các cuộc gặp song phương ở tất cả các cấp, Mỹ đều phê phán trực diện hành động đơn phương thiết lập ADIZ của Trung Quốc.

Sau phát biểu điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm 05/02/2014, phê phán trực diện yêu sách “đường lưỡi bò”, ngày 03/4/2014 ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói với phóng viên tờ Financial Times rằng các nước láng giềng của Trung Quốc, nhất là các nước Đông Nam Á ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc có thể hành động tương tự Nga (tại Crưm) để thúc đẩy lợi ích chủ quyền ở Biển Đông. Trong phát biểu tại Thượng viện Mỹ, ông Daniel Russel nói các nước trong khu vực ngày càng không chấp nhận những hành động “cơ bắp” trên biển của Trung Quốc.

Ngày 06/4/2014, Giám đốc phụ trách Đông Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Medeiros trong trả lời phỏng vấn báo Asahi Shimbun của Nhật Bản nhấn mạnh Mỹ coi việc Trung Quốc lập ADIZ là hành động khiêu khích và leo thang, gây gia tăng căng thẳng ở khu vực và giảm triển vọng ngoại giao; cách thành lập ADIZ của Trung Quốc, thực hiện đơn phương và không tham khảo trước với các bên khác là nguy hiểm, gây bất ổn định ở khu vực; ADIZ được lập ở khu vực có tranh chấp.

Ngày 07/4/2014, các Thượng nghị sĩ Menendez, Rubio, Cardin, McCain và Risch đã chủ trì giới thiệu Dự thảo Nghị quyết S.Res 412 với tiêu đề “Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời ở Châu Á – Thái Bình Dương; việc giải quyết ngoại giao hòa bình các tranh chấp và đòi hỏi lãnh thổ”. Nghị quyết bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông, đơn phương khiêu khích, gây bất ổn và quan ngại trước các hành động cản trở các quốc gia thực hiện quyền chủ quyền đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; nhấn mạnh các đòi hỏi về các vùng biển ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, những đòi hỏi vùng biển không xuất phát từ cấu trúc đất là hoàn toàn sai trái.

Trong chuyến thăm Trung Quốc từ 07–09/4/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã nêu lại với những người lãnh đạo Trung Quốc quan điểm của Mỹ phê phán việc Trung Quốc đơn phương thiết lập khu nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông; cho rằng việc Trung Quốc đơn phương lập ADIZ chỉ làm gia tăng căng thẳng, hiểu lầm và có thể dẫn đến xung đột nguy hiểm. Về tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Hagel cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông cần được quản lý và giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, Mỹ chống lại việc sử dụng vũ lực và cưỡng ép. Đặc biệt, ông Hagel nhấn mạnh Mỹ không dao động trong các cam kết của Mỹ đối với đồng minh trong khu vực. Tại cuộc họp báo sau hội đàm, ông Hagel nói rằng Nhật Bản và Philippines là đồng minh lâu đời của Mỹ; Mỹ có hiệp ước phòng thủ chung với 2 nước này và hoàn toàn cam kết sẽ thực hiện các trách nhiệm trong hiệp ước.

Những phát biểu của quan chức Chính quyền và Quốc hội Mỹ với lời lẽ mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông ngay trước chuyến thăm 4 nước Châu Á của Tổng thống Obama là dấu hiệu cho thấy có thể ông Obama sẽ đưa ra một thông điệp mạnh về vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tại Nhật Bản chắc chắn ông Obama sẽ tìm cách để củng cố thêm quan hệ đồng minh Trung – Nhật và tái khẳng định cam kết thực hiện nghĩa vụ đồng minh đối với quần đảo Senkaku. Mặc dù luôn khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng đây sẽ là sự hậu thuẫn mạnh mẽ nhất đối với Nhật Bản trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên vấn đề quần đảo Senkaku.

Tại Philippines, ông Obama sẽ khẳng định lại lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông. Philippines và Mỹ cũng đã cơ bản hoàn tất Thỏa thuận về việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Philippines và dự kiến sẽ ký trong chuyến thăm Philippines của Tổng thống Obama. Việc ký kết Thỏa thuận này sẽ là sự khẳng định mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với việc thực hiện cam kết Hiệp ước đồng minh giữa Mỹ và Philippines, đồng thời tạo thêm sức mạnh cho Philippines trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Philippines trước những hành động gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Đặc biệt, Tổng thống Obama thăm Philippines vào thời điểm vụ kiện của Philippines đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế đang ở vào giai đoạn then chốt nhất sau khi Philippines nộp Bản lập luận. Chắc chắn trong chuyến thăm Philippines, ông Obama sẽ khẳng định lại sự hậu thuẫn của Mỹ đối với vụ kiện này của Philippines vì trên thực tế Mỹ có lợi ích trong việc Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Obama cũng sẽ đưa ra những cam kết hỗ trợ Philippines về kinh tế trong trường hợp Trung Quốc thực hiện những biện pháp trả đũa trong lĩnh vực kinh tế với Philippines do Philippines kiên trì vụ kiện bởi lẽ Mỹ đã nhiều lần khẳng định phản đối việc gây sức ép hoặc thực hiện các biện pháp trả đũa khi một bên thực hiện các biện pháp hòa bình (kể cả thông qua Trọng tài quốc tế) để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Tổng thống Obama sẽ làm gì, nói gì ở Malaysia, một nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông? Ngoài nội dung về hợp tác kinh tế, trong đó có việc thúc đẩy kết thúc đàm phán về TPP, Tổng thống Obama cũng sẽ trao đổi với những người Lãnh đạo Malaysia về vấn đề Biển Đông cũng như hợp tác trên biển giữa Mỹ và Malaysia. Gần đây, khi mà Trung Quốc tăng cường xâm phạm vùng biển của Malaysia (đưa tàu chiến đến tập trận tại bãi Tăng Mẫu trên thềm lục địa của Malaysia và ngăn cản các hoạt động dầu khí của Malaysia trên thềm lục địa của Malaysia…), Malaysia đã chủ động tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc. Chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ là dịp để 2 bên thúc đẩy hợp tác quân sự, nhất là việc hỗ trợ Malaysia tăng cường tiềm lực hải quân. Có thể ông Obama cũng sẽ thúc giục Malaysia ủng hộ vụ kiện của Philippines để loại bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Chúng ta còn nhớ cuối năm 2013, khi Tổng thống Obama hoãn chuyến công du Châu Á và dự Hội nghị cấp cao APEC ở Indonesia, dư luận đã tỏ hoài nghi về việc Mỹ thực hiện chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, với những phát biểu liên tiếp và mạnh mẽ về vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông từ cuối năm 2013 đến nay và chuyến công du 4 nước Châu Á lần này của Tổng thống Obama thì các nhà phân tích đều cho rằng chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ là nhất quán và lâu dài bởi mục tiêu chiến lược của Mỹ hiện nay là ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tác động tiêu cực tới lợi ích của Mỹ ở khu vực và trên toàn cầu. Việc Tổng thống Obama có những thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông trong chuyến thăm Châu Á lần này không chỉ có tác động trấn an các đồng minh mà có tác dụng răn đe và kiềm chế Trung Quốc leo thang ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới