BienDong.Net: Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Cục Hải sự Trung Quốc đã ra thông báo cho biết giàn khoan có tên Hải Dương 981 (HD – 981) sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp từ ngày 04/05 đến ngày 15/08 tại vị trí có tọa độ nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.
Người Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố hành động của phía Trung Quốc là “bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối”.Phía Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc của Hà Nội, khẳng định là giàn khoan nói trên hoạt động hoàn toàn trong vùng biển của Trung Quốc.
Đáp lại phản ứng của phía Việt Nam, tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 7/5 khẳng định “Hà Nội sẽ không dám tấn công trực tiếp các giàn khoan của Trung Quốc. Nhưng nếu Việt Nam có thêm những hành động ở Tây Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), mức độ các biện pháp đối phó của Trung Quốc phải được nâng lên. Tờ báo viết tiếp: “Nếu Việt Nam trở nên hung hăng hơn Philippines, Trung Quốc phải cho Hà Nội một bài học đích đáng”.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel
Theo hãng tin AP, nhiều nhà phân tích cho rằng chiến lược của Trung Quốc hiện nay là nâng dần mức độ xác quyết chủ quyền trên Biển Đông, vì nghĩ rằng các nước láng giềng nhỏ hơn rất nhiều sẽ không thể hoặc không dám ngăn chặn.
Hành động ngang ngược của Bắc Kinh đã làm cho tình hình Biển Đông càng trở nên căng thẳng. Hôm 6/5 tại Hong Kong, chặng dừng chân trước khi tới Việt Nam, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên trách Đông Á và khu vực Thái Bình Dương Daniel Russel nói với các phóng viên rằng Mỹ đang tìm hiểu vụ này và kêu gọi các bên kiềm chế.
Ông Russel được hãng Reuters dẫn lời nói: “Chúng tôi tin rằng các nước tuyên bố chủ quyền [ở Biển Đông] đều cần thận trọng và kiềm chế”.
“Nền kinh tế toàn cầu quá mỏng manh và sự ổn định tại khu vực quá quan trọng để mà mạo hiểm vì lợi ích kinh tế ngắn hạn”.
Sau đó vài tiếng đồng hồ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói tại Washington: “Chúng tôi đang xem xét vụ việc một cách thận trọng”.
“Với các căng thẳng từng xảy ra ở Biển Đông, quyết định của Trung Quốc cho vận hành giàn khoan trong vùng biển tranh chấp là khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Theo BBC, đây là ngôn từ khá mạnh mà một người phát ngôn ngành ngoại giao sử dụng.
Ngày 7/5, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về những hành động nguy hiểm và mang tính đe dọa ở Biển Đông sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
“Chúng tôi rất quan ngại về những hành động nguy hiểm và đe dọa của các tàu trong khu vực tranh chấp”, Reuters dẫn lời bà Jen Psaki, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 7/5.
“Hành động đơn phương” của Trung Quốc “dường như là một phần trong cách hành xử tổng thể của nước này nhằm yêu sách chủ quyền theo cách có thể gây hại cho hòa bình và ổn định của khu vực”, bà Psaki nói.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hành xử một cách an toàn và phù hợp, tự kiềm chế và giải quyết các yêu sách chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Bà Psaki cho biết Washington còn nhận được báo cáo về việc cảnh sát Philippines bắt các tàu Trung Quốc cùng các thuyền viên đánh bắt rùa trái phép ở Biển Đông.
“Chúng tôi kêu gọi hai phía cùng giải quyết bằng con đường ngoại giao”, bà Psaki nói, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng các tàu trên có liên quan trực tiếp đến việc đánh bắt các loài rùa biển quý hiếm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 7/5 yêu cầu Philippines thả tàu và ngư dân nước này.
Việc Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa nhiều tàu hộ tống cùng giàn khoan nước sâu vào định vị tại vùng thềm lục địa của Việt Nam cùng việc Philippines bắt tàu cá Trung Quốc đang khiến tình hình trên Biển Đông nóng lên.
Trong bài viết trên tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ ngày 5/5, giáo sư Keith Johnson cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan (tới vùng biển Việt Nam) như muốn gửi một thông điệp rõ ràng rằng “chúng tôi sẽ khoan ở nơi mà chúng có thể gây ra các tác hại nhiều nhất”.
Theo tác giả, Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động thăm dò năng lượng tại các khu vực tranh chấp và gặp phải sự ngăn cản từ các nước đối với các hoạt động thăm dò này tại các vùng nước tranh chấp; tuy nhiên, đây dường như là lần đầu tiên các công ty dầu mỏ Trung Quốc thực hiện hoạt động khai thác dầu mỏ tại vùng nước thuộc tuyên bố chủ quyền của những quốc gia khác.
Một điều đáng báo động là Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử xung đột quân sự, bao gồm cả cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu 1979 và một loạt các cuộc đụng độ quân sự liên quan tranh chấp các đảo tại Biển Đông. Vấn đề khai thác dầu khí có khả năng châm ngòi cho các cuộc đối đầu mới.
Động thái của Trung Quốc cũng như là một “cái tát” vào mặt Tổng thống Obama, vừa mới trở về sau chuyến thăm Châu Á với trấn an các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines rằng Mỹ sẽ ngăn cản các hành động bắt nạt trên biển của Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định: Việc triển khai một giàn khoan khó có thể dẫn tới một cuộc chiến, nhưng nó có thể dần dần giúp Trung Quốc kiểm soát khu vực.
Mike McDevit, Đô đốc nghỉ hưu, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ nhận định: “Đây sẽ là một động thái nhỏ trong các bước nhỏ dần dần để không dẫn đến xung đột, nhưng qua thời gian, nó sẽ làm thay đổi hiện trạng”.
Đài VOA ngày 5/5 đưa tin, đứng trước tình thế Trung Quốc ngày một hung hăng trên Biển Đông, một số chuyên gia an ninh Mỹ đã thúc giục chính quyền Obama cần phải thay đổi cách tiếp cận, nhanh chóng hoạch định một chiến lược đối với vấn đề Biển Đông.
VOA dẫn lời Steven Groves, một chuyên gia pháp lý quốc tế và là thành viên cao cấp quỹ Heritage có trụ sở tại Washington cho rằng, chiến lược của Mỹ hiện nay ở Biển Đông hiệu quả không lớn.
“Cách làm giữ gìn cảnh giác, nỗ lực duy trì hiện trạng trên Biển Đông xem ra không có lợi cho Mỹ. Chúng ta làm như vậy chỉ lợi cho Trung Quốc. Mỹ có lợi ích quan trọng tại Biển Đông. Tuy nhiên chúng ta lại không có một báo cáo chiến lược quốc gia rõ ràng về vấn đề này. Tại sao chúng ta không hành động bằng cách thể hiện rõ suy nghĩ và ý kiến pháp lý của chúng ta về vấn đề Biển Đông bằng một bản báo cáo rõ ràng trên giấy trắng mực đen?”, Steven Groves đặt câu hỏi.
Học giả Groves cho rằng, Mỹ cần hoạch định chiến lược quốc gia ở Biển Đông cũng như những gì đã làm với Bắc Cực.
Ely Ratner, một cựu quan chức phòng Các sự vụ Trung Quốc thuộc chính phủ Mỹ phát biểu: “Nếu cộng đồng quốc tế không đứng ra nói rõ việc này rất quan trọng, việc tuân thủ quy tắc và luật pháp quốc tế rất quan trọng thì con đường giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ bị gián đoạn, chúng ta sẽ rơi vào tình thế khó khăn”.
Theo ông, trong ngắn hạn Mỹ cần tích cực tìm kiếm sự hợp tác quốc tế giúp Philippines thúc đẩy vụ kiện đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết vấn đề tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
TS. Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ) cho rằng Việt Nam nên xem xét đưa vụ việc lên Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển, đồng thời hợp tác cùng các nước đang tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Khi đó, Trung Quốc sẽ nhượng bộ vì bị cộng đồng quốc tế tạo sức ép, buộc đưa ra cơ sở pháp lý thuyết phục về đường lưỡi bò – điều mà nước này đang thiếu”.
BDN (tổng hợp)