Wednesday, November 20, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ chi thực gấp rất nhiều lần ngân sách quốc phòng được...

TQ chi thực gấp rất nhiều lần ngân sách quốc phòng được công khai

Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định chính phủ nước này tỏ ra khá thận trọng khi quyết định chỉ tăng 7% ngân sách quốc phòng cho năm 2017. Và mục tiêu là giúp Trung Quốc không rơi vào một cuộc đua vũ trang với Mỹ.

Trung Quốc né tránh một cuộc đua vũ trang với Mỹ để xây dựng quan hệ ngoại giao (Ảnh minh họa).

Trong khi đó, giới phân tích quân sự nước ngoài cho rằng Bắc Kinh càng cố gắng hạ mức độ nhạy cảm trong hoạt động chi tiêu quốc phòng thì càng làm dấy lên mối nghi ngờ về độ chính xác của mức tăng 7% cũng như chương trình phát triển quân sự trọng tâm của quân đội Trung Quốc. 

Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, ông Li Jie nhấn mạnh mức tăng 7% ngân sách quốc phòng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2000. Điều này cho thấy “Bắc Kinh muốn xóa bỏ những hiểu nhầm ở cả trong và ngoài nước rằng Trung Quốc đang chạy đua vũ trang với Mỹ”. 

“Ngân sách quốc phòng Trung Quốc phản ánh sức mạnh toàn diện quốc gia bao gồm cả các yêu cầu chiến lược và phát triển kinh tế nội địa. Tiêu chí này sẽ không bao giờ thay đổi cho dù Mỹ có tăng ngân sách quốc phòng bao nhiêu”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Li. 

Cũng theo ông Li, mức tăng trưởng ngân sách quốc phòng khiêm tốn còn phản ánh chiến lược của Bắc Kinh hoàn toàn khác với Washington. Cụ thể, Trung Quốc chỉ tập trung vào bảo vệ lợi ích quốc gia thay vì can thiệp vào an ninh toàn cầu và khu vực như Mỹ. 

Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore nhận định, tình hình địa chiến lược cùng với năng lực kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc cũng có những điểm mối ưu tiên và khác biệt so với Mỹ. 

“Mỹ không có những rắc rối với các quốc gia láng giềng còn Trung Quốc không ngừng bành trướng chủ quyền ở cả trên biển và đất liền”, ông Chaturvedy chia sẻ. 

Cụ thể, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa thể giải quyết những tranh chấp ở khu vực Tây Tạng. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng không ngừng có những hành động đơn phương khẳng định chủ quyền ở Biển Đông như xây đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa. Hành động của Trung Quốc khiến các quốc gia láng giềng Đông Nam Á không khỏi lo ngại. 

Điểm đặc biệt, mức tăng 7% ngân sách quốc phòng trong năm nay được phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, bà Fu Ying thông báo vào đêm trước lễ khai mạc kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc hôm 4/3. Tuy nhiên, con số chính thức lại không xuất hiện trong bản báo cáo ngân sách thường niên do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố hôm 5/3. Điều này là hoàn toàn bất thường và đi ngược với truyền thống hàng thập niên qua tại Trung Quốc. 

Tới ngày 6/3, trong khi nhiều câu hỏi đặt ra về tính minh bạch trong hoạt động quân sự của Trung Quốc, Tân Hoa Xã mới tiết lộ con số cụ thể mà chính quyền Bắc Kinh chi cho ngân sách quốc phòng năm 2017. Theo đó, so với năm 2016, năm nay, Trung Quốc tăng 7% ngân sách quốc phòng lên mức 1.044 ngàn tỷ nhân dân tệ (151 tỷ USD). 

Con số này đã khiến giới quan sát cả trong và ngoài Trung Quốc phải ngạc nhiên nhất là khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang triển khai chương trình cải cách quân sự. Theo đó, Trung Quốc sẽ cắt giảm quy mô nhân sự khi cho 300.000 quân nhân giải ngũ đồng thời tăng khả năng chiến đấu của quân đội.  

Tiến sĩ Chaturvedy nhận định mức tăng 7% là “hoàn toàn hợp lý” song nó chưa phải là con số chính xác bởi Trung Quốc vẫn không ngừng mở rộng năng lực quân sự và bành trướng chủ quyền. Do đó, số tiền mà chính phủ Trung Quốc chi cho quân đội có thể lớn hơn rất nhiều so với con số được công khai. 

Nhà bình luận quân sự tại Thượng Hải, ông Ni Lexiong cho rằng quyết định tăng ngân sách quốc phòng ở mức 7% cho thấy Bắc Kinh hy vọng xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Washington. Dù hồi tháng trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định tăng gần 10% chi tiêu quốc phòng năm nay. 

“Nếu Trung Quốc nối gót Mỹ tăng chi tiêu quân sự ở mức 2 con số, mối quan hệ giữa hai nước sẽ trở nên căng thẳng cũng như khiến các nước trong khu vực không khỏi lo lắng về khả năng Bắc Kinh – Washington đang chuẩn bị cho một cuộc chiến”, SCMP dẫn lời ông Ni. 

Cũng theo ông Ni, Trung Quốc đã rút ra được bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Liên Xô cũ. Theo Bắc Kinh, Liên Xô cũ đã kiệt sức sau thời gian chạy đua vũ trang với Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.  

Tuy nhiên, Giáo sư Jonathan Holslag, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc cũng như các quốc gia châu Á sẽ không thể tìm được “giải pháp hòa bình cho tất cả các cuộc xung đột” nhất là trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương không ngừng gia tăng. 

“Liên tới tới khoản chi tiêu quân sự, ngân sách của Trung Quốc lớn hơn cả toàn bộ các quốc gia láng giềng cộng lại. Mỹ là quốc gia duy nhất còn giữ được mức tăng ngân sách quốc phòng ổn định trong suốt một thời gian dài. Nhưng không thể phủ nhận thực tế, Trung Quốc đang tìm cách vượt qua hàng rào quốc phòng Thái Bình Dương của Mỹ”, ông Holslag nhận định. 

RELATED ARTICLES

Tin mới