Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinMỹ từ chối đàm phán, sẵn sàng nghênh chiến với Triều Tiên?

Mỹ từ chối đàm phán, sẵn sàng nghênh chiến với Triều Tiên?

Nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đang gần hơn bao giờ hết sau khi Mỹ từ chối đàm phán cũng như triển khai lực lượng UAV Grey Eagle vốn chỉ được dùng trong trường hợp xảy ra chiến tranh tới Hàn Quốc.

Mỹ từ chối mở các cuộc đàm phán mới với Triều Tiên theo đề xuất của Trung Quốc. 

Theo Bloomberg, một nhóm cựu quan chức Mỹ đang có kế hoạch thiết lập các vòng đàm phán mới với giới chức Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng khu vực không ngừng leo thang. 

Ông Joseph DeTrani, cựu chuyên gia tình báo Mỹ, một trung gian giúp xây dựng hiệp ước về chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho biết cứ 6 tháng một lần, các cuộc đối thoại phi chính thức giữa giới chức Mỹ và Triều Tiên lại được tổ chức. Theo ông DeTrani, nhóm của ông dự định liên lạc với phái đoàn ngoại giao Triều Tiên hoạt động tại Liên Hợp Quốc (LHQ) ở thủ đô New York vào cuối tháng này hoặc đầu tháng Tư để sắp xếp các cuộc họp sắp tới.

Cựu quan chức tình báo Mỹ cho biết ông hy vọng những cuộc đối thoại phi chính thức này sẽ tạo tiền đề cho các cuộc gặp chính thức giữa giới chức Mỹ và các nhà ngoại giao Triều Tiên trong tương lai. Đây cũng sẽ là cơ hội để Triều Tiên giải thích lý do vì sao Bình Nhưỡng vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân, cũng như bàn thảo về một hiệp ước hòa bình và đưa ra lời phản đối trước cuộc tập trận chung thường niên của quân đội Mỹ – Hàn. 

Trong đó, cuộc đối thoại gần đây nhất giữa nhóm của ông DeTrani với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Han Song Ryol diễn ra ở Kuala Lumpur vào tháng 10 năm ngoái. Địa điểm tiếp theo diễn ra các cuộc đàm phán phi chính thức sẽ là London và Singapore.

Tuy nhiên, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên tiếp cho tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã đẩy tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang.

Gần đây, Trung Quốc, quốc gia đồng minh lâu đời của Triều Tiên, còn nhiều lần lên tiếng chỉ trích và phản đối kế hoạch Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Mỹ khẳng định THAAD là biện pháp hữu hiệu giúp Hàn Quốc chống đỡ trước mối đe dọa từ lực lượng tên lửa của Triều Tiên. Song Trung Quốc vẫn khẳng định THAAD là mối đe dọa an ninh và do thám lực lượng tên lửa của quốc gia này.  

Đáng nói, Mỹ cũng đã từ chối lời kêu gọi của Trung Quốc về việc tiến hành các vòng đàm phán đa phương mới với Triều Tiên. Theo Washington, “thái độ tồi tệ” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là không thể chấp nhận được. Còn trong tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ lên đường tới thăm Tokyo, Seoul và Bắc Kinh để bàn thảo về các phương án đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. 

Thái độ cứng rắn của Mỹ với Triều Tiên còn được thể hiện ở việc hồi đầu tháng Ba, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cấp thị thực (visa) cho các quan chức Triều Tiên chuẩn bị tới Mỹ tham gia các cuộc đàm phán phi chính thức với giới cựu quan chức Mỹ. Quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau cái chết của một người đàn ông được cho là anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ở Malaysia hôm 13/2.

Giới chuyên gia nhận định vụ phóng thử 4 tên lửa đạn đạo của Triều Tiên về phía biển Nhật Bản hôm 6/3 cho thấy, Bình Nhưỡng vẫn quyết tâm theo đuổi chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa trang bị đầu đạn hạt nhân mà khả năng có tầm bắn vươn tới khu vực Bắc Mỹ. 

Còn theo trang web 38 North của Viện Nghiên cứu Mỹ – Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), những hình ảnh vệ tinh về khu vực thử hạt nhân Punggye-ri, phía đông bắc Triều Tiên cho thấy hoạt động đào đường hầm tại khu vực này vẫn đang diễn ra. Nhiều khả năng, Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ sáu, có sức công phá lớn hơn 14 lần so với vụ thử gần đây nhất. Vụ thử mới nhất và cũng là vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên được tiến hành hôm 9/9/2016 được cho có sức nổ là từ 15 – 20 kiloton.  

Theo ông DeTrani, nếu Triều Tiên vẫn không ngừng tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa cũng như sản xuất nhiên liệu phân hạch, Mỹ nên tiếp tục xây dựng năng lực phòng thủ tên lửa cũng như tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực. Ngoài ra, Mỹ và LHQ nên tiếp tục theo đuổi áp đặt lệnh trừng phạt với Triều Tiên ngay cả khi các cuộc đối thoại phi chính thức vẫn diễn ra. 

“Chính ông Kim Jong-un đang làm vấn đề trở nên ngày càng nghiêm trọng và khiến không một ai có thể ngồi xuống bàn đàm phán với Triều Tiên. Triều Tiên vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân và vẫn sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống phóng tên lửa cho tới khi đạt được kỳ vọng. Mối đe dọa từ Triều Tiên vẫn luôn tồn tại trong khu vực và thậm chí các tên lửa đạn đạo liên lục địa của quốc gia này còn là mối đe dọa thường trực với Mỹ”, Bloomberg dẫn lời ông DeTrani. 

Trong khi đó, hôm 13/3, Yonhap dẫn thông tin từ một quan chức quân sự Mỹ giấu tên cho hay quân đội nước này sẽ triển khai các máy bay không người lái tấn công tới căn cứ quân sự ở Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu nằm dưới mặt đất tại Triều Tiên. 

“Quân đội Mỹ bắt đầu điều động một phi đội chuyên điều hành hoạt động của máy bay không người lái (UAV) Grey Eagle (Đại bàng xám), tới đơn vị của Mỹ ở Gunsan, cách thủ đô Seoul về phía nam 274 km”, Yonhap đưa tin. 

Đáng nói, trước đó, quân đội Mỹ chỉ có kế hoạch đưa UAV Grey Eagle tới Hàn QUốc trong trường hợp bán đảo Triều Tiên bùng nổ chiến tranh. 

Cũng theo quan chức Mỹ giấu tên, phi đội Grey Eagle sẽ gồm 12 máy bay. Tuy nhiên, hoạt động triển khai Grey Eagle vẫn đang được các quan chức Mỹ và Hàn Quốc bàn thảo và chưa đưa ra được thời gian cụ thể. 

Theo thiết kế, UAV Grey Eagle có thể chuyên chở 4 tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire và 4 quả bom lượn GBU-44/B Viper Strike dẫn đường bằng hệ thống định vị GPS. Với khả năng cất cánh và hạ cánh tự động, Gray Eagle có thể đạt vận tốc bay tối đa 280 km/h và hoạt động 30 giờ liên tục. 

Do đó, Grey Eagle có thể được dùng để tấn công vào các căn cứ quân sự chủ chốt nằm ở phía bắc Đường ranh giới quân sự (MDL) chia cắt giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. 

“Trong trường hợp bùng nổ chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên, UAV Grey Eagle có thể thâm nhập không phận Triều Tiên và thực hiện tấn công chính xác nhằm vào các sở chỉ huy và các cơ sở quân sự quan trọng của Triều Tiên”, Yonhap nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới