Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiDuterte muốn thân TQ nhưng không dễ

Duterte muốn thân TQ nhưng không dễ

Ngày 3/3, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre đã lên thăm tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đang tuần tra tại Biển Đông. Các quan chức Philippines đã chứng kiến các máy bay chiến đấu F18 cất cánh, hạ cánh và gặp gỡ các chỉ huy của con tàu.

Tổng thống Philippines R.Duterte.

USS Carl Vinson được trang bị đầu đạn hạt nhân, có biên chế 5.500 binh sĩ, là nòng cốt của nhóm tác chiến gồm 12 tàu chiến và 9 đội máy bay. Tàu sân bay này hoạt động tuần tra tại Biển Đông từ ngày 18/2 đến nay.

Ngày 3/3, phát biểu với nhóm phóng viên thăm tàu, các quan chức Hải quân Mỹ khẳng định việc Washington triển khai tàu chiến là nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông – một tuyến đường biển trọng yếu đối với thương mại và an ninh toàn cầu.

Chuẩn Đô đốc James Kilby, Tư lệnh nhóm tàu tác chiến, nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục khẳng định rằng các vùng biển quốc tế này là nơi mọi thuyền bè đều có quyền qua lại, hoạt động buôn bán và thông thương”.

Tuyên bố của James Kilby và sự hiện diện của hàng không mẫu hạm tại Biển Đông là nhằm bảo đảm an ninh hàng hải đối với các đồng minh của Mỹ. Các nước này đã bày tỏ quan ngại trước các hành động gây hấn của Trung Quốc áp đặt quyền kiểm soát đối với hầu hết Biển Đông. Những năm gần đây, Trung Quốc đã biến các bãi đá tranh chấp tại Biển Đông thành các đảo nhân tạo; gần đây đã triển khai hệ thống tên lửa trên các đảo. Phía Trung Quốc khẳng định họ có quyền làm bất cứ điều gì vì các đảo này là “lãnh thổ” của Trung Quốc!

Chuyến thăm tàu sân bay của 3 quan chức cấp bộ trưởng của Philippines cho thấy chính phủ nước này tiếp tục duy trì các quan hệ giữa các quan chức cấp cao của Philippines và quân đội Mỹ bất chấp việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, dưới thời chính quyền Obama, từng đưa ra nhiều tuyên bố gây căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và thực hiện các bước chuyển dịch ngoại giao “thoát Mỹ”, “thân Trung”.

Muốn “thân” nhưng không dễ

Tháng 10/2016, Tổng thống Duterte thực hiện chuyến thăm đột phá cải thiện quan hệ với Trung Quốc, được Bắc Kinh cam kết thúc đẩy thương mại, đầu tư và cho vay tín dụng ưu đãi.

Nhưng ngày 22/2, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành đã đột ngột hoãn chuyến thăm Philippines đã được dàn xếp từ cuối năm ngoái để ký kết khoảng 40 thỏa thuận về hạ tầng cơ sở trị giá nhiều tỷ USD, trong đó có 15 thỏa thuận cho vay vốn. Nguyên do là ngày 21/2, Perfecto Yasay, Ngoại trưởng Philippines, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, khi phát biểu trước các Ngoại trưởng ASEAN, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Trung Quốc lắp đặt tên lửa trên các đảo nhân tạo.

Tổng thống Duterte vội vàng lên tiếng trấn an Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh đã hiểu lầm những bình luận của Ngoại trưởng Philippnines và “đảm bảo với Trung Quốc, và đây là điều mà tôi đã cam kết thực hiện khi thăm Trung Quốc, rằng chúng ta sẽ nói chuyện như những người bạn”.

Mối quan ngại mà ông Perfecto Yasay – một nhân vật “thân Trung” – nêu lên là chính đáng vì các vũ khí hiện đại của Trung Quốc được triển khai chỉ cách Philippines vài trăm kilomet. “Cán chổi quân sự” của Trung Quốc lần đầu tiên đã vươn tới quốc gia hải đảo này.

Giới lãnh đạo Philippines luôn cho rằng trong quan hệ với Trung Quốc vấn đề kinh tế tách riêng khỏi vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông. Tuy nhiên, nếu phát biểu của ông Yasay là nguyên nhân dẫn đến việc hoãn chuyến thăm của ông Cao Hổ Thành thì nó giúp chính quyền Duterte hiểu thêm cái giá phải trả cho các thỏa hiệp. Trung Quốc hành động bao giờ cũng trước hết vì lợi ích của chính mình, chứ không phải vì lợi ích của Philippines; các ưu đãi kinh tế của nước “cho” luôn đi liền với các thỏa hiệp chính trị, ngoại giao từ nước “nhận”. Những thỏa hiệp của Manila khi không nêu các phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) ngày 12/7 vẫn chưa đủ làm hài lòng Bắc Kinh.

Việc 3 bộ trưởng Philippines thăm USS Carl Vinson là cách Philippines thể hiện quan điểm cân bằng với Mỹ và Trung Quốc. Tuy cánh “thân Trung” nổi lên khá mạnh, nhưng cánh “thân Mỹ” không dễ dàng chấp nhận việc Tổng thống Duterte “thoát Mỹ”.

Philippines căn bản là một nước thân Mỹ. Điều này phần nào thể hiện qua cuộc khảo sát hồi tháng 10/2016 của Social Weather Station (Philippines): có tới 55% người được hỏi ý kiên cho biết họ “không tin tưởng” Trung Quốc, trong khi có tới 76% phản hồi khẳng định họ “rất tin tưởng” Mỹ.

Song “thân” hay “sơ” không quyết định chính sách đối ngoại của nhà cầm quyền. Mà vị trí địa-chiến lược của mỗi quốc gia mới là cái quyết định chính sách đối ngoại của quốc gia ấy. Mặt khác, trong môi trường cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn tại Đông Á, bao gồm Đông Nam Á, như hiện nay, các nước nhỏ và vừa chỉ có thể giữ được độc lập nếu có bản lĩnh chơi trở lại con bài nước lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới