Trung Quốc thề sẽ “đáp trả mạnh mẽ” nếu Nhật Bản tiếp tục làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông và “đe dọa chủ quyền, an ninh của Trung Quốc”. Tuyên bố trên được tung ra sau khi có tin Tokyo sẽ phái chiến hạm lớn nhất đến Biển Đông.
Tàu sân bay trực thăng Izumo.
Phát biểu tại một cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua (16/3), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cáo buộc, dựa vào lợi ích của riêng mình, Nhật Bản gần đây đã làm hại đến sự ổn định ở Biển Đông, “gây ra sự bất bình và phản đối rất lớn của người dân Trung Quốc”.
“Nếu Nhật Bản tiếp tục có những hành động sai lầm như vậy và thậm chí có ý định can thiệp quân sự đe dọa đến chủ quyền và an ninh của Trung Quốc… thì Trung Quốc chắc chắn sẽ tung ra những đòn đáp trả mạnh mẽ”, bà Hua cảnh báo.
Những phát biểu trên của bà Hua được đưa ra sau khi trước đó hồi đầu tuần này, có một vài nguồn tin cho biết Nhật Bản có kế hoạch điều chiếc tàu sân bay trực thăng Izumo đến Biển Đông để thực hiện một nhiệm vụ kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ tháng Năm. Tàu Izumo là một chiếc tàu chiến hùng dũng dài 250m và có trọng lượng nước rẽ là 27.000 tấn. Đây là chiếc tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ II. Con tàu khổng lồ này của Nhật có thể mang tới 14 chiếc trực thăng và nó được ví là không khác gì một chiếc tàu sân bay – loại tàu được ví là bá chủ của đại dương. Về mặt lý thuyết, Nhật Bản không được phép đóng tàu sân bay – một loại tàu chiến vô cùng cần thiết cho bất kỳ nước nào muốn tiến hành một cuộc chiến tranh ở xa nước mình.
Theo kế hoạch, chiến hạm Izumo của Nhật Bản sẽ vào Biển Đông, dừng chân ở các nước gồm Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia vào cuộc tập trận hải quân chung Malabar với Ấn Độ và lực lượng Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng Bảy. Tàu Izumo sẽ trở về Nhật Bản vào tháng Tám. Đây là lần phô trương sức mạnh hải quân lớn nhất của Nhật Bản trong khu vực kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
“Mục đích của chúng tôi là thử thách năng lực của tàu Izumo bằng cách điều chiến hạm này đi thực hiện một nhiệm vụ mở rộng. Nó sẽ được huấn luyện cùng với Hải quân Mỹ ở Biển Đông”, một trong những nguồn tin nắm rõ kế hoạch đã tiết lộ như vậy.
Trước đó, hồi đầu tuần, ngay khi thông tin trên được tung ra, bà Hua cho biết, Trung Quốc đang chờ đợi câu trả lời chính thức từ Nhật Bản về việc liệu thông tin triển khai chiến hạm Izumo của họ có chính xác hay không và lý do tại sao Tokyo lại đưa chiến hạm lớn nhất của mình vào Biển Đông.
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, bà Hua không cho biết Trung Quốc đã nhận được câu trả lời chính thức từ phía chính quyền Tokyo hay chưa nhưng tuyên bố vấn đề Biển Đông “không liên quan đến Nhật Bản.”
Nhật Bản không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng như nhiều nước khác, Tokyo không thể chấp nhận tham vọng đòi độc chiếm khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này của Bắc Kinh. Tokyo thường xuyên chỉ trích gay gắt các hành động của Trung Quốc liên quan đến những cuộc tranh chấp ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh nhiều lần tức giận. Bản thân Nhật Bản cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Cả Nhật Bản và đồng minh Mỹ đều quan ngại sâu sắc trước sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều đó đã thúc đẩy Washington tăng cường thực hiện các chuyên tuần tra trên biển và trên không ở trong khu vực với mục tiêu được tuyên bố là để bảo vệ sự tự do hàng hải.
Hồi đầu tháng này, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản cáo buộc Tokyo và Washington lấy cớ Bắc Kinh là kẻ thù để tăng cường liên minh an ninh giữa hai nước. Cáo buộc này được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump thề sẽ duy trì mối quan hệ liên minh an ninh lâu dài với Nhật Bản, đặc biệt là trong vấn đề biển Hoa Đông. Bắc Kinh liên tục cảnh báo Washington và Tokyo không được can thiệp trực tiếp vào khu vực cả bằng hoạt động tập trận hay những chuyến tuần tra tự do hàng hải.