Dù mới đang trong vòng tuyển lựa, sự xuất hiện của Viện Thiết kế và quy hoạch TP.Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia quy hoạch hai bên bờ sông Hồng (Hà Nội) đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người dân lẫn giới chuyên gia.
Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội.
Ngày 14.3, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT), Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và đơn vị liên quan tổng hợp rà soát các hồ sơ, tài liệu hiện có, tài liệu chưa có cần bổ sung, theo đề xuất của Công ty CP XNK tổng hợp Hà Nội (Geleximco), cho đơn vị tư vấn là Viện Thiết kế và quy hoạch TP.Hàng Châu (Trung Quốc) để phục vụ nghiên cứu lập quy hoạch dọc hai bên sông Hồng.
Mời tư vấn Trung Quốc vì sông ngòi tương đồng?
Ý tưởng quy hoạch thành phố ven sông Hồng đã có từ những năm 2006 – 2007. Hà Nội từng nhận được sự giúp đỡ của TP.Seoul (Hàn Quốc) trong việc lập quy hoạch, nhưng chưa thể triển khai. Năm 2016, dự án được khởi động trở lại với sự tham gia của 3 tập đoàn lớn trong nước là Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), Tập đoàn Vingroup, Công ty CP XNK tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Cuối tháng 12.2016, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch dọc hai bên sông Hồng, do ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, làm trưởng ban.
Theo yêu cầu của TP.Hà Nội, 3 nhà đầu tư có trách nhiệm mời các đơn vị tư vấn quốc tế có năng lực, có kinh nghiệm đã nghiên cứu lập quy hoạch đô thị hai bên bờ sông thế giới (như sông Hàn ở Hàn Quốc, sông Hoàng Phố, sông Thiên Tân… ở Trung Quốc) tham gia lập quy hoạch. Đáng chú ý, ngày 10.1.2017, Chủ tịch Hà Nội chủ trì cuộc họp về việc tổ chức nghiên cứu lập đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, với 3 nhà đầu tư Sun Group, Vingroup, Geleximco và Tập đoàn thiết kế Arcadis (Hà Lan) – một trong những tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trong văn bản ngày 3.3 gửi UBND TP.Hà Nội, Geleximco cho biết công ty này đã chủ động mời Viện Thiết kế và quy hoạch TP.Hàng Châu tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên sông Hồng.
Lý giải việc chủ động mời một đơn vị tư vấn Trung Quốc tham gia quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, thay vì lựa chọn một tư vấn uy tín khác đến từ châu Âu, đại diện Geleximco cho biết: Dòng sông ở châu Âu thường chảy rất êm thuận, không hung dữ như sông Hồng. Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa của người châu Âu khác rất xa văn hóa của người Việt.
Tại Trung Quốc, nhiều con sông có đặc điểm giống sông Hồng, trong đó sông Tiền Đường ở TP.Hàng Châu có nhiều điểm tương đồng với sông Hồng đoạn chảy qua TP.Hà Nội. “Cứ nghe đến Trung Quốc là nhiều người e ngại. Nhưng quan điểm làm kinh doanh của chúng tôi không có ẩn ý gì ở đây, chỉ muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, đại diện Geleximco nói.
Không cung cấp tài liệu tùy tiện
Theo lãnh đạo Geleximco, công ty này sẽ báo cáo sơ bộ ý tưởng quy hoạch cho UBND TP.Hà Nội trước ngày 30.3 tới. Các điểm chính trình bày trong bài thi của Geleximco và đơn vị tư vấn từ Trung Quốc sẽ là làm đường, xử lý đê… làm sao đảm bảo các yếu tố lũ không ảnh hưởng, quỹ đất vẫn có để phát triển dự án, không trái với quy hoạch chung TP.Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt… Về lộ trình, sau khi báo cáo xong, nếu TP.Hà Nội chấp thuận ý tưởng, sẽ có khoảng 15 tháng để thực hiện quy hoạch chi tiết.
Chi cục đê điều TP.Hà Nội cho biết đã cung cấp cho đơn vị tư vấn Trung Quốc các tài liệu gồm Nghị quyết số 17 năm 2009 của HĐND TP.Hà Nội về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ chi tiết; Nghị quyết số 21 của HĐND TP.Hà Nội năm 2013 về quy hoạch đê điều trên địa bàn Hà Nội; Quyết định 257 (năm 2016) của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Trong khi đó, trả lời chúng tôi, ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cho biết cuộc gặp gỡ với đoàn công tác Viện Thiết kế và quy hoạch TP.Hàng Châu cùng đại diện doanh nghiệp, Sở NN-PTNT TP.Hà Nội vào ngày 1.3 vừa qua, chỉ là tiếp xã giao. Tại cuộc gặp, phía đơn vị Trung Quốc có đề xuất được cung cấp số liệu về thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn… của sông Hồng nhưng phía Tổng cục Thủy lợi trả lời không thể cung cấp các số liệu này cho họ. Trong trường hợp cần có số liệu, thông tin phục vụ dự án, Sở NN-PTNT TP.Hà Nội phải có văn bản đề nghị gửi lên Bộ NN-PTNT.
“Ngay cả khi có văn bản thì Bộ phải nghiên cứu, xem xét những thông tin được cung cấp và cung cấp đến mức độ nào, chứ không thể cung cấp thông tin một cách tùy tiện được”, ông Hoài nói và cho biết đến cuối giờ chiều 20.3, Tổng cục Thủy lợi vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị cung cấp thông tin số liệu của Sở NN-PTNT TP.Hà Nội liên quan dự án trên.
Cần công khai chọn nhà thầu
Theo kiến trúc sư (KTS) Lê Công Sĩ, xét về nguyên tắc chung, đơn vị nào có năng lực thì ủng hộ. Tuy nhiên, năm ngoái Bộ NN-PTNT đặt vấn đề thực hiện dự án siêu thủy lộ kết nối sông Hồng trực tiếp với Trung Quốc đã bị phản đối về tính nhạy cảm an ninh. “Nên cân nhắc việc chỉ định đơn vị thiết kế của Trung Quốc tham gia thiết kế sông Hồng, nhất là khi sông Hồng lại kết nối trực tiếp với Trung Quốc, từ đó có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng”, KTS Lê Công Sĩ nói.
KTS Mạnh Tuấn cho rằng nhà đầu tư có thể mở thầu rộng rãi, công khai để chọn các nhà quy hoạch có năng lực. Đặc biệt là những nước phát triển và nổi tiếng về quy hoạch đô thị, cảnh quan giỏi như Pháp, Đức, Hà Lan, thậm chí là Hàn Quốc, dù giá cả cao hơn nhưng chất lượng sẽ tương ứng. Thay vì giao chỉ định cho đơn vị thiết kế của một TP thuộc Trung Quốc, chúng ta có thể giao cho viện thiết kế T.Ư của VN hoặc viện thiết kế của Hà Nội hay TP.HCM thực hiện.
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, đặt vấn đề: Số liệu liên quan về thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê… ở bất kỳ dòng sông nào đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đặc biệt ở khu vực trọng yếu như Hà Nội càng phải thận trọng. Bởi các số liệu này đụng chạm trực tiếp đến vấn đề phòng chống lũ, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Ở dòng sông lớn như sông Hồng và dự án liên quan trực tiếp đến khu vực Hà Nội càng phải xem xét thận trọng chứ không thể cung cấp cho bất cứ một đối tác nước ngoài nào.
Trong khi đó, lãnh đạo Hà Nội cho biết vẫn chưa quyết định lựa chọn chính thức đơn vị tư vấn nào.