Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuy hoạch sông Hồng: Đợi 20 năm, vội gì 6 tháng?

Quy hoạch sông Hồng: Đợi 20 năm, vội gì 6 tháng?

Hà Nội đã đợi cả 20 năm rồi, thì bây giờ vội gì trong mấy tháng chỉ để giải quyết công việc của cả 20 năm đã đắp chiếu.

Hà Nội đã đợi cả 20 năm rồi, vội gì trong 6 tháng

Liên quan tới câu chuyện mời nhà tư vấn, thiết kế lập dự án quy hoạch hai bên sông Hồng, Viện Thiết kế và quy hoạch thành phố Hàng Châu đã được một đơn vị trong nước là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) mời tham gia. Lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định chưa lựa chọn đơn vị nào và tất cả mới chủ yếu là đăng ký ý tưởng.

Bàn luận về chủ trương trên, KTS Trần Trọng Hanh nói thẳng: Việc quy hoạch hai bên sông Hồng đã được đặt ra từ 20 năm trước, tuy nhiên, tới nay vẫn không thể làm được.

Vị KTS cho biết, khi tư vấn, thiết kế quy hoạch hai bên sông Hồng cần phải đặc biệt lưu ý tới vị trí, vai trò của dòng sông Hồng đối với Hà Nội.

Theo đó, ông khẳng định, sông Hồng có một vai trò vô cùng quan trọng đối với thành phố Hà Nội vì những đặc điểm sau:

Thứ nhất, về cảnh quan, kiến trúc. Dòng sông Hồng đóng một vai trò là trục cảnh quan thiên nhiên kết nối giữa hai bên Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng.  Là yếu tố kết nối toàn bộ vành đai xanh, công trình xanh tạo thành một khung kiến trúc xanh bảo vệ thiên nhiên cho Hà Nội. Do đó, sông Hồng được xem là có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội.

Thứ hai, về vấn đề trị thủy. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, tất cả mọi nguy cơ vẫn có thể xảy ra như nước biển dâng, khí hậu, thiên tai và đặc biệt là những sự cố về kỹ thuật. Mặc dù đã có thủy điện Sông Đà trị thủy phía trên, tuy nhiên cho tới nay vai trò của sông Hồng vẫn gần như mang tính quyết định tới sinh mệnh đối với thủ đô Hà Nội.

Quan trọng hơn, sông Hồng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với vấn đề cung cấp nước phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân cũng như phục vụ công tác thủy lợi. Ngoài ra sông Hồng còn đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động giao thông, kết cấu hạ tầng…

Thứ ba, về vấn đề an ninh quốc phòng. Trước đây, sông Hồng đã từng giữ một vai trò như một chiến tuyến nhằm bảo vệ trung tâm chính trị – hành chính của cả nước là Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, ngày nay vấn đề về an ninh quốc phòng đã được xem xét ở một góc độ khác hơn, nhưng, những gì đã để lại trên sông Hồng đều phải lưu giữ và phải coi sông Hồng như một di tích lịch sử văn hóa có giá trị đặc biệt ý nghĩa đối với nhân dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

“Tất cả các đề án quy hoạch sông Hồng trước đây đều đặc biệt lưu ý tới những vấn đề này. Tuy nhiên, suốt 20 năm qua đã có rất nhiều đề án đã được thực hiện nhưng chỉ thực hiện nửa chừng lại hủy bỏ. Nguyên nhân là do tất cả các đề án đều chưa xác định được hết các chức năng, vai trò của sông Hồng đối với Thủ đô Hà Nội”, ông Hanh nói.

Nói rõ những khó khăn, KTS Trần Trong Hanh cho hay, vấn đề an toàn, an tâm và sự bền vững của Hà Nội chính là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu và đã được quy định rất cụ thể, chi tiết tại Luật đê điều, được Quốc hội thông qua.

Do đó, để Hà Nội có thể thực hiện được dự án quy hoạch hai bên sông Hồng thì trước tiên Hà Nội phải xây dựng cho được “đề bài” rất chặt và quan trọng hơn cả là phải giải quyết được các vướng mắc về cơ sở pháp lý trước.

“Quốc hội mới là cơ quan quyết định cuối cùng. Do đó, dù Hà Nội có mời được nhà tư vấn giỏi đến mấy nhưng nếu không ra được luật mới để sửa đổi thay thế cho Luật đê điều hiện tại thì đề án cuối cùng cũng sẽ thất bại”, vị KTS cho biết.

Một vấn đề nữa cũng được vị KTS đề cập liên quan tới chỉ đạo thời hạn cho các đơn vị tư vấn phải nộp ý tưởng thiết kế trước ngày 30/3.

Tiếp đến là thời hạn hoàn thiện lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia, hội đồng quy hoạch kiến trúc… sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng (từ 30/3 tới 30/9). Và Hà Nội dự kiến sẽ trình và báo cáo Thủ tướng vào cuối tháng 11/2017 của UBND TP.Hà Nội.

KTS Trần Trọng Hanh thẳng thắn: “Nếu Hà Nội mà làm được như vậy thì đúng là kỳ diệu, là thiên tài”.

Như đã nói, vướng mắc của Hà Nội không phải là ở lựa chọn nhà đầu tư, nhà tư vấn nào, năng lực tài giỏi ra sao mà vướng mắc ở cơ sở pháp lý. Đây cũng chính là vấn đề khiến nhiều dự án bị bỏ giữa chừng suốt 20 năm qua.

“Tôi chưa nói tới việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, hội đồng chuyên gia như thế nào…, chỉ riêng việc chuẩn bị “đầu bài” cho khâu tuyển chọn đơn vị tư vấn cũng đã mất nhiều hơn thời gian như vậy rồi.

Vì ở khâu chuẩn bị đòi hỏi Hà Nội phải đưa ra được một đầu bài tốt, mà để làm được như vậy bắt buộc Hà Nội phải có được một đội ngũ chuyên gia rất giỏi, rất mất thời gian mới làm được như vậy.

Hơn nữa, đối với dự án quy mô lại đang vướng mắc rất nhiều vấn đề về cơ sở pháp lý thì không đơn giản có thể ra được đề bài trong một sớm một chiều. Quan trọng hơn, đây là vấn đề đã vượt tầm tham gia của các Bộ, ngành, bởi quyền quyết định thuộc về Quốc hội”, KTS Trần Trọng Hanh nhấn mạnh.

Theo KTS Trần Trọng Hanh, khi chủ nhà còn chưa hiểu, chưa xác định được công việc của mình thì không nên vội.

“Hà Nội đã đợi cả 20 năm rồi, thì bây giờ vội gì trong mấy tháng chỉ để giải quyết công việc của cả 20 năm đã đắp chiếu. Không thể cứ phó mặc cho đơn vị tư vấn là được đâu”, ông nói. 

Lựa chọn sai thì hậu quả lớn

Về sự xuất hiện của Viện Thiết kế và quy hoạch thành phố Hàng Châu trong khâu tham gia tư vấn thiết kế lập dự án quy hoạch hai bên sông Hồng, KTS Trần Trọng Hanh không đưa ra bình luận gì, tuy nhiên, ông cảnh báo: việc lựa chọn đơn vị tư vấn phải hết sức thận trọng.

KTS Trần Trọng Hanh cho rằng, Hà Nội nên thực hiện theo hình thức đấu thầu hạn chế, tức là nên lựa chọn ra khoảng 5 nhà tư vấn có năng lực, có uy tín trên thế giới để tham gia tổ chức thi tuyển ý tưởng.

Đối với hình thức này Hà Nội phải đặc biệt lưu ý tới vấn đề năng lực của nhà thầu.

Trong đó, để đánh giá trình độ năng lực của nhà đầu tư cần phải dựa trên ba yếu tố chính: Thứ nhất là chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó có đúng đăng ký giấy phép hành nghề hay không? Thứ hai là những kinh nghiệm thực tế mà các nhà tư vấn đã từng tham gia và có nhiều ghi nhận thành tích ở những công trình có thiết kế tương tự đã được sự công nhận về chất lượng của các cơ quan, tổ chức có uy tín trong và ngoài nước. Thứ ba, bắt buộc các đơn vị tư vấn tham gia phải tổ chức những buổi trình bày ý tưởng.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng có thể đưa ra một vài yêu cầu khác nếu thấy cần thiết. Đó là những điều kiện đối với hình thức tổ chức đấu thầu hạn chế.

“Không phải đông người, không phải máy móc nhiều là hoành tráng, là tốt mà phải có những con người có trình độ chuyên môn nổi tiếng, có uy tín. Quan trọng hơn là lựa chọn phải dựa trên quan điểm “người thực việc thực””, ông Hanh nói.

Ông cho biết thêm, năm 1998, ông cũng từng tham gia vào xây dựng quy hoạch sông Hồng giúp Chính phủ. Khi đó đã có rất nhiều đơn vị tư vấn của Mỹ, Nhật muốn được tham gia. Tất cả đều là những nhà tư vấn có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm đối với các dự án quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông. Hơn nữa, những nhà tư vấn này cũng đã từng dành rất nhiều công sức để tham gia nghiên cứu về quy hoạch cảnh quan của Hà Nội và sông Hồng từ nhiều năm liền. Tuy nhiên, đề án cũng bị bỏ lửng, không thực hiện được do vướng mắc về pháp lý.

Vị KTS nhấn mạnh, nếu không lựa chọn được nhà tư vấn đủ năng lực, đủ uy tín để tham gia tư vấn, thiết kế lập dự án thì sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ với riêng dòng sông Hồng mà còn với cả khu vực toàn thành phố.

RELATED ARTICLES

Tin mới