Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc dùng đám đông phục vụ mục đích ngoại giao có...

Trung Quốc dùng đám đông phục vụ mục đích ngoại giao có thể phản tác dụng

Nếu áp lực kinh tế từ Trung Quốc đi quá xa, nó chỉ làm tăng lòng yêu nước của người dân Hàn Quốc và lòng tự tôn dân tộc.


South China Morning Post, Hồng Kông ngày 22/3 bình luận, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh trừng phạt không chính thức với Hàn Quốc để phản đối nước này triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Nhưng hiệu quả của các đòn trừng phạt ngầm mà Bắc Kinh đang thúc đẩy đặt ra những nghi vấn về sự phụ thuộc nặng nề của Trung Quốc vào nguồn cung nguyên liệu, linh kiện và thiết bị từ Hàn Quốc để hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất của mình.

Bắc Kinh đã không công bố bất kỳ biện pháp trừng phạt chính thức nào khi Seoul quyết định triển khai THAAD.

Nhưng nước này bật đèn xanh cho truyền thông do nhà nước kiểm soát để thúc đẩy sự tức giân, oán giận Hàn Quốc trong dân chúng Trung Quốc.

Đồng thời các cơ quan chức năng Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động giám sát hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Điều đó dẫn đến việc một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay sản phẩm và doanh nghiệp xứ sở kim chi.

Nhiều chuyến du lịch đi Hàn Quốc đã bị các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc hủy bỏ, tần suất các chuyến bay từ Trung Quốc đến Hàn Quốc đã giảm.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tin rằng, khả năng Trung Quốc trừng phạt Hàn Quốc rất hạn chế.

Bởi lẽ hàng tiêu dùng Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc – đối tượng bị dân nước sở tại tẩy chay vì THAAD – chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng sản phẩm xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc. 

Phần còn lại là nguyên liệu, linh kiện và thiết bị Trung Quốc nhập về phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất của nước này.

Rajiv Biswas, một nhà kinh tế nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IHS Global Insight cho rằng, Hàn Quốc là nguồn cung quan trọng các mặt hàng linh kiện điện tử sang Trung Quốc.

Một phần tư số lượng bảng mạch điện tử, thành phần chủ chốt để Trung Quốc sản xuất ti vi, điện thoại di dộng là nhập từ Hàn Quốc.

Andrew Gilholm, Giám đốc phân tích kiểm soát rủi ro thị trường Trung Quốc và Bắc Á đánh giá:

Trung Quốc đứng đằng sau các hoạt động “quấy rối pháp lý” một cách không chính thức và thiếu minh bạch với một số doanh nghiệp Hàn Quốc nhất định.

Nhưng việc tẩy chay sản phẩm và doanh nghiệp Hàn Quốc không làm thay đổi thực tế rằng, Trung Quốc phải dựa vào Hàn Quốc trong một số lĩnh vực.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cần phải hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ từ Hàn Quốc để có thể đạt được mục tiêu nâng cấp ngành công nghiệp nước này.

Thương mại Trung – Hàn đã bùng nổ, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc tăng 28,7% trong tháng Hai so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ cuối năm 2010.

Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc cho biết, nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt ngầm của họ, thiệt hại cho nền kinh tế Hàn Quốc có thể lên tới 14,76 tỉ USD, tương đương 1,07% GDP.

Lòng tự tôn dân tộc Hàn Quốc được củng cố, tăng cường

Các nhà phân tích được South China Morning Post phỏng vấn cho biết, việc dân Trung Quốc tẩy chay hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ của Hàn Quốc chỉ đẩy Seoul tiến sâu vào quỹ đạo của Washington.

Trung Quốc sẽ tự mình đầu độc một mối quan hệ quan trọng đã phát triển mạnh những năm gần đây, dựa trên sự bùng nổ hợp tác thương mại và đầu tư.

Giáo sư Lee Jung-nam từ Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Hàn Quốc nhận xét:

“Nếu áp lực kinh tế từ Trung Quốc đi quá xa, nó chỉ làm tăng lòng yêu nước của người dân Hàn Quốc và lòng tự tôn dân tộc.

Điều này càng làm hỏng hình ảnh của Trung Quốc. Nếu nước này muốn đóng vai trò lãnh đạo ở Đông Bắc Á, thì không nên để lại những ấn tượng xấu với các nước láng giềng”.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã thổi bùng chủ nghĩa dân túy để phục vụ mục đích ngoại giao, nhưng các cuộc tẩy chay hay biểu tình như vậy thường ngắn ngủi.

Một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp trong năm 2008 sau khi cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh bị gián đoạn bởi các nhà hoạt động đòi độc lập cho Tây Tạng ở Paris.

Xe hơi Nhật Bản đã bị một số người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay năm 2012 trong một loạt các cuộc biểu tình bùng lên khi tranh chấp quần đảo Senkaku / Điếu Ngư leo thang.

Các cửa hàng ăn nhanh KFC cũng trở thành mục tiêu trong năm ngoái khi chính quyền Barack Obama tỏ rõ lập trường phản đối yêu sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông (sau Phán quyết Trọng tài).

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc Jin Meihua đồng ý rằng:

Các biện pháp tẩy chay của Trung Quốc chỉ có tác động hạn chế đến kinh tế Hàn Quốc, nhưng lại tạo ra sự phẫn nộ trong dân chúng Hàn Quốc với nước láng giềng này. Nhà nghiên cứu này nói:

“Trung Quốc đã từng tẩy chay Nhật Bản vì tranh chấp Điếu Ngư / Senkaku, sau đó các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển sang đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, và hiện nay số lượng du khách Trung Quốc đến Nhật Bản lại đang hết sức phát triển”.

Richard Hu Weixing từ Đại học Hồng Kông tin rằng, áp lực kinh tế Bắc Kinh đang tạo ra cho Hàn Quốc sẽ không có hiệu quả, ngược lại nó chỉ đẩy nhanh việc Seoul triển khai THAAD.

RELATED ARTICLES

Tin mới