Biendong.net: Việc giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou – 981) của Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển Việt Nam đã được các nhà bình luận đề cập một cách toàn diện, nhưng câu hỏi được quan tâm nhất về những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là lý do tại sao?
Có nhiều bằng chứng cho thấy sự việc này là một phép thử lòng can đảm của các nước ASEAN và Mỹ và cũng là cơ hội để Trung Quốc đánh giá phản ứng quốc tế về việc họ khẳng định những tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ trên biển.Theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi quyết định hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam vào lúc quan hệ giữa hai nước gần đây đã được cải thiện. Việc đột ngột mạo hiểm một mối quan hệ song phương tương đối ổn định bằng một sự đối đầu tiềm ẩn cũng tỏ ra là hành động trắng trợn và vô trách nhiệm.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc phải thúc đẩy bất kỳ vụ tranh chấp nào trong Biển Đông để kiểm tra dũng khí của Mỹ và các nước ASEAN, Việt Nam có lẽ là ứng cử viên phù hợp nhất. Trung Quốc vẫn tự tin rằng Việt Nam sẽ chỉ đáp trả hành động khiêu khích này bằng lời nói và sự kiềm chế, chứ không bằng vũ lực. Hơn nữa, trước khi Trung Quốc thử vận may của mình với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như Philippines, nước gần đây ký một thỏa thuận chia sẻ cơ sở quốc phòng với Mỹ trong mười năm, họ phải xem liệu Mỹ có sẵn sàng bảo vệ những lợi ích đã tuyên bố trong khu vực này hay không.
Trong khi với Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ bị ràng buộc bởi hiệp ước phải hành động, thì trong các tranh chấp khác ở Biển Đông, đặc biệt là đối với tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, tất cả những gì mà Mỹ phải làm là chứng minh rằng họ sẵn sàng đứng lên vì những lợi ích mà họ đã xác định trong quá khứ, bao gồm tự do hàng hải, giải quyết hòa bình tất cả các cuộc xung đột, và không sử dụng ép buộc và đe dọa trong tranh chấp.
Ngoài ra, với quan tâm của Tập đoàn ExxonMobil tại các vùng biển này, Hải Dương 981 cũng cản trở lợi ích thương mại của Mỹ trong khu vực. Cho đến nay, phản ứng của Mỹ, một tuyên bố kêu gọi hành vi của Trung Quốc là “khiêu khích”, là không đủ để Trung Quốc chùn tay không diễn lại cách hành xử như vậy trong tương lai.
Cuối cùng, Trung Quốc chọn thời điểm hành động vào lúc Tổng thống Mỹ Obama vừa rời Châu Á và ngay trước các cuộc họp cấp cao của ASEAN tại Nay Pyi Taw, Myanmar cuối tuần qua. Làm như vậy, Trung Quốc đã chấp nhận một nguy cơ: Việc làm này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý và lên án mạnh mẽ của dư luận quốc tế.
Tương tự như vậy, trong khi Mỹ đang già đi, mệt mỏi và thiếu ngân sách để giữ vai trò cảnh sát toàn cầu, sự kiện giàn khoan dầu sẽ được xếp cùng danh mục các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác như Syria và Ukraine, và đều không có cùng mức độ khẩn cấp về chính trị. Trung Quốc đang tìm cách tô vẽ Mỹ là nước không thể khẳng định được những lợi ích của mình trong khu vực. Một hệ quả tiêu cực của việc này là các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sẽ đơn phương quân sự hóa để bù đắp sự phụ thuộc vào đảm bảo an ninh của Mỹ, việc có khả năng sẽ làm Trung Quốc đau đầu trong tương lai.
BDN (Nguồn: www.tgvn.vn)