Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giới"Viên đá tảng" ngoại giao trên vai Donald Trump

“Viên đá tảng” ngoại giao trên vai Donald Trump

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chuẩn bị phải đối mặt với tuần lễ quan trọng nhất trên cương vị đứng đầu đất nước của ông cho đến nay và nó sẽ phản ánh sự đổi hướng rõ rệt trong chính sách đối ngoại của Washington mà ông chủ Nhà Trắng đã vẽ nên.

Cả thế giới sẽ dõi theo cuộc “đối mặt” đầu tiên giữa ông Trump và ông Tập. Nguồn: CNN

Theo CNN, ông Trump sẽ tổ chức cuộc hội đàm quan trọng nhất kể từ khi nhậm chức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida vào ngày 7/4 tới đây sau khi lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh rằng nếu không nghiêm khắc với Bình Nhưỡng thì Washington sẽ tự mình hành động.

“Trung Quốc có một sức ảnh hưởng lớn tới Triều Tiên. Và Trung Quốc sẽ quyết định giúp chúng ta hoặc là không. Nếu làm như vậy thì sẽ tốt cho họ, còn không thì sẽ chẳng tốt cho ai cả”, ông Trump trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hôm 2/4.

Trước khi có cuộc “chạm trán” đầu tiên với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ sẽ gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fatteh el-Sisi tại Nhà Trắng vào hôm 3/4 (giờ địa phương), kết thúc quãng thời gian “lạnh lẽo” trong quan hệ giữa hai nước sau khi chính quyền cựu Tổng thống Obama chỉ trích ông Sisi về nhân quyền.

Ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ có cuộc đối thoại quan trọng khác vào thứ Tư (5/4) với một trong những đồng minh lớn của Mỹ là Vua Abdullah II của Jordan. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tập trung vào chiến dịch chống IS mà chính quyền ông Trump đã đẩy mạnh hành động từ biên giới Jordan sang Syria và Iraq.

Biểu hiện cũng như kết quả ba cuộc hội đàm nói trên của Tổng thống Trump sẽ được quan sát một cách sát sao, ít nhất không chỉ bởi vì tính cách và phong thái chính trị “khác người” của tân chủ nhân Nhà Trắng. Các lãnh đạo thế giới khác vẫn đang cố gắng “giải mã” ông Trump và cố đoán một cách chính xác nhất xem triết lý của người đàn ông quyền lực nhất này sẽ tái định hình cách Hoa Kỳ phân bổ sức mạnh trên toàn thế giới ra sao.

Với tỉ lệ tín nhiệm thấp cũng những “lùm xùm” xung quanh mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga đã khiến quãng thời gian “trăng mật” của Tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ không mấy ngọt ngào. Giữa những rối loạn trên, ông Trump lại càng gây chú ý khi bước những bước đầu tiên “run rẩy” và mới lạ trên đấu trường quốc tế.

Cuộc viếng thăm quan trọng nhất cho đến nay của ông Trump là khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Nhà Trắng hồi tháng trước nhưng nó lại nhanh chóng trở thành chủ đề chỉ trích của thế giới khi ông Trump “nói đùa” về việc cựu Tổng thống Obama đã ra lệnh nghe lén điện thoại của bà Merkel để liên hệ với việc ông Obama đặt máy nghe trộm trong tòa Tháp Trump.

Ngoài ra, cũng có không ít khoảnh khắc lúng túng ở phòng Bầu dục khi ông Trump không chịu bắt tay bà Merkel trước ống kính máy quay.

Người khách nước ngoài đầu tiên của ông Trump là Thủ tướng Anh Theresa May và ông chủ Nhà Trắng đã đẩy đồng nghiệp của mình vào một tình thế chính trị khó xử tại Vương quốc Anh khi tuyên bố về lệnh cấm nhập cư chỉ vài tiếng sau khi bà May rời Washington.

Mặt khác, cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng và sân golf ở Florida lại diễn ra suôn sẻ hơn khi không xuất hiện một tình huống ngượng ngịu nào. Người dân Nhật Bản tỏ ra vui mừng khi Tổng thống Mỹ tái khẳng định cam kết đảm bảo an ninh cho đồng minh của mình và yêu cầu Tokyo trả thêm tiền cho việc đồn trú của binh lính Mỹ ở Nhật trước đó dường như đã bị ông Trump lãng quên.

Xoay trục sang Trung Quốc?

Theo các chuyên gia, không có một mối quan hệ quốc tế nào quan trọng hơn mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bắc Kinh chưa bao giờ mạnh mẽ như thời điểm hiện tại và ông Tập Cận Bình cũng được xem là lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình, người đã đặt nền móng cho Bắc Kinh trở thành siêu cường trong khu vực và thách thức sự ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á.

Chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc cũng đang ở “ngã tư đường”. Các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm luôn tìm cách ràng buộc Bắc Kinh vào một hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của nước này cũng như giảm nhẹ xung đột lợi ích với Washington. Nhưng hiện vẫn chưa rõ chính quyền Donald Trump có tiếp bước con đường này hay không. Việc ông Trump rút khỏi Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã khiến rất nhiều đồng minh của Mỹ ở châu Á cho rằng Washington đang trao lại sáng kiến kinh tế và ngoại giao này cho Bắc Kinh.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, tỷ phú Trump cáo buộc Trung Quốc đang giết chết nền kinh tế Hoa Kỳ với các chính sách thương mại của mình. Sau khi trúng cử, ông tiếp tục khiến các lãnh đạo đại lục “nóng mặt” khi tiếp nhận cú điện thoại của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng như cho biết có thể sẽ không chấp nhận chính sách “một Trung Quốc”.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng từ chối điện đàm với Tổng thống Trump sau khi ông nhậm chức cho đến khi ông chủ Nhà Trắng “nhún nhường” gọi điện trước và cam kết tiếp tục duy trì chính sách “một Trung Quốc” hồi tháng 2.

Không có nhiều người trông đợi vào một cuộc hội đàm “chất lượng” tại Mar-a-Lago cuối tuần này bởi ông Trump còn thiếu kinh nghiệm ngoại giao và bản tính khó đoán, thêm vào đó hai nhà lãnh đạo cũng bất đồng về rất nhiều vấn đề. Những vấn đề sẽ đặt trên bàn thảo luận gồm thương mại, vấn đề Biển Đông và chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, sẽ khiến cho việc đưa ra được những cam kết chung giữa hai nhà lãnh đạo khó như “mò kim đáy bể”.

“Cuộc gặp gỡ sắp tới với Trung Quốc sẽ rất khó khăn bởi chúng ta không thể chịu đựng thêm thâm hụt thương mại khủng và mất việc làm. Các công ty Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị để tìm kiếm các phương pháp thay thế khác”, ông Trump cảnh báo trên Twitter trong tuần trước.

Dù phát biểu cứng rắn như vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng chính quyền của Donald Trump đang có chiều hướng ngả về phía Bắc Kinh. Ông Trump luôn thề rằng sẽ thay đổi cách quản lý đồng tiền của Trung Quốc nhưng cho đến nay vẫn chưa làm được gì nhiều. Hay như chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Bắc Kinh cũng không đem lại kết quả như mong đợi khi ông Tillerson thay vì “mạnh mồm” chỉ trích Trung Quốc như trước đó lại “dịu giọng” và kêu gọi tránh đối đầu giữa hai nước. Các nhà quan sát đối ngoại nhận định đây thực sự là một chiến thắng ngoại giao dành cho Bắc Kinh.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Financial Times cuối tuần qua, Tổng thống Donald Trump cũng gửi đi một thông điệp “khó đoán” khi nói: “Tôi có một sự tôn trọng lớn dành cho ông Tập Cận Bình. Tôi cũng rất tôn trọng Trung Quốc. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu như chúng ta làm điều gì đó gây ấn tượng mạnh và tốt cho cả hai nước và tôi thực sự hy vọng như vậy”.

RELATED ARTICLES

Tin mới