Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐàm luậnLiệu Đảng có thể tự kiểm soát quyền lực?

Liệu Đảng có thể tự kiểm soát quyền lực?

Chuyện có thật về vụ án Trần Dụ Châu nổi tiếng một thời. Năm 1950, Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu bị kết án tử hình.

Nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tổng tham mưu kiêm Chánh án Tòa án binh khu Trung ương, Phạm Trịnh Cán, người từng tham gia xét xử vụ án này kể lại, rằng trong hoàn cảnh kháng chiến cứu quốc vô cùng gian khổ, thiếu thốn, bộ đội thiếu ăn, thiếu mặc, thì các lãnh đạo Cục Quân nhu không những không làm tròn nhiệm vụ, mà còn sống sa hoa, ăn toàn thứ ngon, uống rượu Tây… Đặc biệt nổi đình đám là đám cưới linh đình của Cửu (một trong 3 lãnh đạo Cục – Châu, Cửu, Toàn) làm xôn xao cả vùng An toàn khu. Binh lính và nhân dân công phẫn.

Tòa án binh kết án tử hình. Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin ân giảm. Cụ Phạm Trịnh Cán nói: ‘Kể việc này để thấy Bác Hồ rất nghiêm với những cán bộ cao cấp không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn thoái hóa, biến chất!’

Câu chuyện trên được nhắc đến nhiều, được coi là ‘điển hình’ về kiểm soát quyền lực, minh họa cho ‘sự nghiêm minh’ của chế độ và ca ngợi ‘sự thượng tôn’ pháp luật của vị lãnh tụ với phẩm chất đạo đức trong sáng, đồng thời nó cũng được coi như ‘sự cố hy hữu’ và là ‘bài học răn đe’ cho những lãnh đạo thoái hóa, biến chất.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc 1954. Thống nhất đất nước 1975. Xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Kinh tế nghèo nàn, khó khăn… Do truyền thông hạn chế, nên ít biết đến liệu có có hay không những vụ tham nhũng lớn.

Đổi mới năm 1986, chuyển nền kinh tế sang thị trường để cứu sự sụp đổ chế độ… Các câu chuyện về các vụ án quan chức do ‘tham ô, tham nhũng’ xuất hiện ngày càng nhiều.

Một số vụ án được nêu đích danh, như nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải (thời kỳ 1987 -1992) bị án phạt 3 năm tù giam năm 1992, được đặc xá sau khi thụ án 1 năm; Vụ án Lã Thị Kim Oanh (tử hình) và 7 bị cáo khác (tù giam), trong đó có 2 nguyên thứ trưởng và 2 nguyên vụ trưởng thuộc Bộ Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2003; Vụ án nhận hối lộ, trong đó thứ trưởng Mai Văn Dâu bị tuyên án phạt 14 năm tù giam năm 2007, tuy nhiên năm 2009 được đặc xá tha tù trước thời hạn…

Trong các vụ án nêu trên có điều ‘không bình thường’, có vẻ như ‘chế độ vẫn tươi đẹp, đa số quan chức vẫn liêm chính’, nhưng chuyện ‘buộc’ phải ‘làm’. Các lãnh đạo ‘mắc khuyết điểm này ‘dường như được ‘ưu ái’ hoặc là giảm án hoặc là được ‘quan tâm’.

Chuyện kể lại rằng, trong thời gian ở tù nguyên bộ trưởng Vũ Ngọc Hải đã từng được cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tận trại giam gắn kỷ niệm chương đường dây 500 kilôvôn; cựu Phó Thủ tướng Thường trực Phan Văn Khải và 28 bộ trưởng, thứ trưởng trong Chính phủ vào tù thăm!

Thời gian gần đây, các vụ án ngày càng dày đặc với tính chất nghiêm trọng, quy mô lớn, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và kinh tế, từ chiếm dụng đất công, các ngân hàng, tổ chức tài chính, trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong các cơ quan, viện nghiên cứu của nhà nước, từ các dự án sử dụng vốn vay ODA… đến các vụ ‘lâm tặc’, ‘cát tặc’, hủy hoại môi trường sống…

Người dân vẫn còn nhớ các vụ án như vụ EPCO-Minh Phụng với 6 án tử hình, vụ hối lộ quan chức Việt Nam của công ty PCI, vụ tham nhũng Đề án 112 (Tin học hóa hành chính nhà nước của Chính phủ), vụ Nexus Technologies công ty Mỹ hối lộ quan chức để đổi lấy các hợp đồng với các cơ quan mà những quan chức này phụ trách, vụ Công ty của Úc Securency hối lộ in tiền Polime cho Việt Nam vụ chiếm đất công ở Đồ Sơn, Hải Phòng và sự bao che của TAND TP Hải Phòng, vụ án Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam) năm 2010…

Danh sách sẽ còn dài nếu liệt kê đầy đủ!

… đến Đảng kiểm soát quyền lực

Bản quyền hình ảnh other Image caption Vụ án Trịnh Xuân Thanh là một trong những vụ nổi cộm tại Việt Nam

Các lãnh đạo đảng Cộng sản đã thừa nhận tham nhũng trở thành ‘quốc nạn’, sự tha hóa quyền lực nay đã lan rộng sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là công tác cán bộ, từ tuyển dụng, bổ nhiệm gây ra tình trạng ‘sếp nhiều như nhân viên’ trong bộ máy, ‘cả họ làm quan’, ‘lãnh đạo’ là để làm ‘kinh tế’… Điều đó làm suy giảm niềm tin trong dân chúng và đe dọa sự tồn vong của chế độ, vì vậy Đảng đang nỗ lực tìm kiếm phương cách kiểm soát quyền lực.

Luật về phòng, chống tham nhũng lần đầu được ban hành năm 2005, đã có dự kiến bổ sung, chỉnh sửa vào năm 2016, nhưng sẽ lùi vào năm 2017 vì tính phức tạp diễn biến thực trạng tham nhũng.

Đảng cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng – cơ quan phòng chống tham nhũng tối cao của nước Việt Nam năm 2013 theo Quyết định số 162-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tổng Bí thư Đảng làm trưởng ban chỉ đạo. Được biết trước đó Ban này do Thủ tướng chính phủ nắm, nhưng do những lý do khác nhau, trong đó đề cập tới tính hiệu quả cũng như lường tình trạng ‘vừa đá bong vừa thổi còi’ có thể xảy ra…

Cơ chế làm việc là Đảng lãnh đạo trực tiếp Ban này, chẳng hạn như Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Ban này chỉ đạo các vụ đại án phức tạp, ngoài bộ phận thường trực, Ban này họp theo phiên.

Theo thông báo của cuộc họp phiên thứ 11, trong năm 2016, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã truy tố, xét xử sơ thẩm 08 vụ/121 bị cáo; xét xử phúc thẩm 06 vụ/55 bị cáo. Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã truy tố, xét xử sơ thẩm 03 vụ/10 bị cáo; xét xử phúc thẩm 02 vụ/03 bị cáo. Ngoài ra, Ban cũng chỉ đạo xử lý 87 vụ việc, vụ án tại các địa phương, kiến nghị 42 vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan.

Đảng Cộng sản thật khó kiểm soát tha hóa quyền lực, khi những sai phạm trở thành ‘lỗi hệ thống’.

Năm 2017 Ban Chỉ đạo được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm, trước hết là vụ Hà Văn Thắm, giai đoạn II của các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo… và các vụ án Trịnh Xuân Thanh, chủ tịch Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)…

Diễn biến vụ trở nên phức tạp, khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài. Mới đây, vào tháng 3 năm 2017 tòa khởi tố ông này tội tham ô tài sản liên quan đến Dự án Thanh Hà – Cienco 5 Land. Liên quan vụ án trên, bốn cựu lãnh đạo PVC cũng đã bị bắt và khởi tố cùng về tội ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’…

Đằng sau các vụ đại án, dư luận cho rằng, luôn có các thế lực chính trị, các lãnh đạo cao cấp, được gọi là lợi ích nhóm, nuôi dưỡng sự tha hóa quyền lực. Đây chính là sự thách thức lớn nhất đối với kiểm soát quyền lực của chế độ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thốt lên chống tham nhũng là ‘ta đánh ta’, và ông muốn ‘đánh chuột, nhưng không làm vỡ bình’.

Đảng Cộng sản thật khó kiểm soát tha hóa quyền lực, khi những sai phạm trở thành ‘lỗi hệ thống’. Muốn kỷ luật cán bộ lãnh đạo (đều là đảng viên) về chính quyền hay về luật pháp (khởi tố) thì, trước hết, phải kỷ luật về đảng, qua công cụ ‘phê và tự phê bình’, hoặc thông qua hình thức tập thể bỏ phiếu. Nếu là người đứng đầu tổ chức, cơ quan thì sự việc phức tạp hơn, khi cần có đủ số phiếu quá bán trong điều kiện quyền lực không còn tập trung như trước, hơn thế các thành viên bỏ phiếu luôn cân nhắc lợi ích cá nhân. Trường hơp kỷ luật đồng chí X thất bại tại Hội nghị TƯ 6 khóa 11 của Đảng là một minh chứng.

Trung Quốc đã cá nhân hóa cai trị đất nước bằng cách xây dựng ‘lãnh đạo hạt nhân’, và hiện nay Tập Cận Bình là người thứ 3, sau cố Chủ Tịch Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, tuy nhiên cách này trong bối cảnh hiện nay không thể là bài học khả thi đối với Việt Nam.

Các nhà cai trị trong chế độ độc đảng thường lấy những chuẩn mực đạo đức cao nhất để áp dụng cho bộ máy và người dân dưới sự giám sát của đảng. Đây là phương pháp ‘đức trị’ mà Khổng Tử và Plato đã đề xuất từ rất lâu.

Ở Việt Nam Đảng Cộng sản ban hành các chỉ thị, như 06-CT/TW năm 2006 về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiếp tục là Chỉ thị 03-CT/TW năm 2011, Chỉ thị 05-CT/TW năm 2016. Gần đây, Nghị quyết TƯ 4 khóa 12 là ‘đỉnh cao’ của ‘phương thức lãnh đạo’ này, trong đó cụ thể hóa để nhận diện 27 biểu hiện suy thoái với 3 nhóm tư tưởng – chính trị, đạo đức – lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tất cả các chỉ thị, nghị quyết nêu trên đang thực hành với bộ máy và các đảng viên, và các nhà phân tích chính trị đang theo dõi về tính thực tiễn, tính khả thi của chúng.

Đảng trị đứng trên pháp trị, liệu có thành công?

Bản quyền hình ảnh VNECONOMY Image caption Tháng 2/2017, Bộ Công Thương đưa ra thông tin về tài sản gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang

Một công cụ ‘kiểm soát tha hóa quyền lực’ ở Việt Nam trong thời gian gần đây là sự ‘vào cuộc’ của mạng xã hội và báo chí. Mặc dù tính mở của mạng bị hạn chế và chưa có báo chí tư nhân, nhưng, dường như, các nhà cầm quyền đã ‘tìm cách’ lợi dụng ‘ưu thế’ cho mục đích củng cố lợi ích chế độ trong những thời điểm cần thiết.

Trước đại hội 12 của Đảng có một loạt bài viết trên truyền thông chính thống của nhà nước đề cập hàng loạt vấn đề tha hóa và kiểm soát quyền lực của nguyên Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Các bài này được coi là ‘nhạy cảm’, chưa có ‘tiền lệ’ nên người ta cho rằng tác giả được ‘bật đèn xanh’. Cùng thời gian này, mạng xã hội ‘lề trái’ xuất hiện các bài viết về tài sản của các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng.

Kê khai tài sản, về nguyên tắc, được cho là giải pháp kiểm soát tha hóa quyền lực hữu hiệu. Theo quy định tất cả cán bộ cấp trưởng phòng và tương đương hàng năm đều phải kê khai tài sản. Tuy nhiên trong thực tế thực hiện trong nhiều năm đã mang tính hình thức, và không kiểm soát nổi tài sản của hàng trăm nghìn lãnh đạo trong bộ máy.

Gần đây, từ đầu năm 2017 đến nay, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu làm rõ tài sản của thứ trưởng đương chức bộ Công thương, thì báo chí nhà nước lại lần nữa ‘lên tiếng’ tên các lãnh đạo, như chủ tịch thành phố hay như bí thư tỉnh (ủy viên trung ương đảng) có số tài sản ‘khủng’ và những ‘khuất tất’ có liên quan…

Đây là thời điểm trước Hội nghị TƯ 5 khóa 12 của Đảng, trong đó dự đoán có những nội dung liên quan đến công tác cán bộ và cải cách thể chế mở rộng đề án 25 về nhất thể hóa bộ máy…

Những nhà phân tích chính trị cho rằng thời gian tới ‘sự đấu tranh nội bộ đảng’ sẽ căng thẳng, bởi vì các nguyên tắc, chuẩn mực và giá trị của kinh tế thị trường đang thách thức quyền lực tuyệt đối và các chuẩn mực đạo đức truyền thống. Hơn thế, những lãnh đạo cao cấp khi trình độ học vấn cao thì càng khó thống nhất về nhận thức, họ có thể cùng lợi ích nhưng ý kiến sẽ khác nhau, do đó quyền lực không thể ‘phân công’ như cách làm trước đây.

F. A. Hayek từng viết: “Không phải nguồn gốc của quyền lực, mà chính sự hạn chế quyền lực mới ngăn nó khỏi trở nên độc đoán”.

Kiểm soát quyền lực luôn là trọng tâm của mọi nền chính trị dân chủ. Về nguyên lý, việc kiểm soát cần phải dựa vào các công cụ khác nhau, như việc giáo dục đạo đức cho các nhà lãnh đạo, các ràng buộc hiến định về phân chia quyền lực và trưng cầu dân ý do người dân khởi xướng, sự đảm bảo cho tự do thông tin, sự thực hành trách nhiệm giải trình của những người nắm giữ chức vụ, chế độ dân chủ bầu cử, cam kết chung vì những chuẩn mực cao trong đời sống cộng đồng, và tính mở của hệ thống pháp lý trước sự cạnh tranh với các hệ thống pháp lý khác, trong đó công cụ hữu hiệu là sự phân chia của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp như là một biện pháp để kiểm soát quyền lực chính trị.

Việt Nam, từ một nước nửa phong kiến và thuộc địa, giành độc lập và đi theo chế độ xã hội chủ nghĩa, chưa trải qua dân chủ tư bản và kinh tế thị trường, liệu có thể cân nhắc, tránh giáo điều, lựa chọn các phương thức phù hợp, đột phá vì lợi ích nhân dân.

Liệu Đảng có thể tự kiểm soát quyền lực?

RELATED ARTICLES

Tin mới