Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc lại ngang ngược áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá...

Trung Quốc lại ngang ngược áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông

BienDong.Net: Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá đối với các tàu cá trong nước và nước ngoài trong một số khu vực ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong thời gian từ 16/5 tới 1/8.

Theo Tân Hoa Xã, đây là lệnh cấm đánh bắt thường niên thứ 16, nhằm “bảo vệ nguồn hải sản, cải thiện nhận thức về môi trường của ngư dân”.

 alt

Vượt sóng gió, ngư dân Việt Nam vẫn ngày đêm bám biển mưu sinh, khẳng định chủ quyền đất nước (ảnh BienDong.Net)

Trước đó, hồi tháng 1 vừa qua, Trung Quốc cũng đã áp đặt luật cấm đánh bắt mới trên Biển Đông, yêu cầu toàn bộ tàu cá nước ngoài đi vào vùng quản lý của đảo Hải Nam được coi là bao chiếm 2/3 diện tích Biển Đông, phải xin phép chính quyền Trung Quốc.

Theo đạo luật phi lí này, bất kỳ tàu nào không tuân thủ các quy định mà Trung Quốc đưa ra sẽ bị trục xuất khỏi vùng biển, tịch thu phương tiện đánh bắt, kèm theo án phạt tới 82.600 USD. Thậm chí, luật còn có điều khoản tịch thu tàu và khởi tố các thuyền viên theo luật Trung Quốc.

Tuy nhiên luật này đã ngay lập tức bị quốc tế lên án, trong đó người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki gọi đây là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm.

Bộ ngoại giao Philippines thì xem quy định này cũng như tuyên bố ngang ngược về chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông thông qua đường 9 đoạn, là vi phạm luật pháp quốc tế, và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Giáo sư Carl Thayer, đến từ học viện Quốc phòng Australia thì có bài viết trên tờ The Diplomat ngày 13/1 gọi đây là “hành động cướp biển cấp nhà nước”, và cho rằng Trung Quốc khó có thể thực thi luật này.

‘Lệnh cấm đánh bắt của TQ không có giá trị trên vùng biển VN’

Việc Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông là hành động đơn phương, chỉ có giá trị với ngư dân Trung Quốc, không có giá trị với ngư dân Việt sản xuất và đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Báo chí trong nước dẫn lời ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết, hàng năm Trung Quốc đều ban hành quy định này, thời gian từ ngày 16/5 cho đến 1/8. Trong thời gian tạm ngừng, chỉ có nghề lồng bẫy, nghề câu và nghề lưới rê là được phép.

alt

Ông Nguyễn Văn Trung

Tuy nhiên, quy định tạm ngừng khai thác thủy sản của Trung Quốc áp dụng trên biển từ 5 độ vĩ Bắc kéo lên cho đến hết vùng biển phía Bắc, bao phủ cả vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cụ thể, khu vực này nằm gọn trong đường lưỡi bò (đường chín đoạn) trên Biển Đông mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Ông Trung khẳng định, Trung Quốc đã đưa ra lệnh tạm ngừng khai thác thủy sản với cả khu vực mà không thuộc chủ quyền của họ.

“Vùng biển mà Trung Quốc đặt lệnh cấm lấn sang cả vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và các nước khác. Điều đó là hết sức vô lí” – ông Trung bức xúc.

Về quan điểm của Việt Nam, ông Trung cho hay, chúng ta không chấp hành lệnh này của Trung Quốc, bởi lệnh đó chỉ áp đặt được với các ngư dân Trung Quốc, trên vùng biển của Trung Quốc, không thể áp đặt với các nước khác. Lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị trên vùng biển Việt Nam, do đó, các ngư dân Việt Nam cứ hoạt động bình thường trên vùng biển của mình.

Theo các nhà quan sát, lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè năm nay tiếp tục được đưa ra giữa lúc tình hình Biển Đông càng trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trung Quốc cũng điều máy bay, tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm, bắn nước vào tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển của Việt Nam.

Trao đổi với báo Thanh Niên, tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia an ninh khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nhận định: “Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc sẽ càng làm tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Có những năm Trung Quốc thực thi lệnh cấm này cứng rắn hơn mức bình thường. Hãy chờ xem Bắc Kinh sẽ làm gì”.

Chia sẻ với báo chí trong nước bên hành lang Quốc hội, ông Trịnh Đình Thạch – Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đánh giá: Ngư dân đi biển không những làm giàu cho gia đình, quê hương, khai thác trên vùng biển của mình mà còn thể hiện sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Do vậy, đề nghị Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ cho ngư dân, đặc biệt là về lâu dài phải có nguồn hỗ trợ ngư dân đóng các tàu lớn, tàu sắt đầy đủ phương tiện tiện nghi để khi họ hoạt động ở biển xa thì có thể tự bảo vệ và phối hợp thành các nghiệp đoàn để làm ăn trên biển.

Ông Thạch cũng cho biết: Sau buổi họp hôm 21/5, Quốc hội có thông điệp rõ ràng là Chính phủ tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của bà con ngư dân, có chính sách hỗ trợ lâu dài, có chiến lược phát triển rõ ràng.

Biển đảo của ta rất dài, có tiềm năng và vươn ra biển là một chiến lược phát triển kinh tế cơ bản, ổn định trong tương lai. Do đó có một thông điệp cho cử tri là bà con yên tâm bám biển, vì có Nhà nước, có Chính phủ, có cơ chế chính sách hỗ trợ và có cộng đồng kể cả các nước, đồng bào ta ở nước ngoài quan tâm ủng hộ, ông Thạch nói.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới