Nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đã tiến vào vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên hồi cuối tuần qua, với tuyên bố “đáp trả thách thức trước đó” của Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Kim Jong Un giám sát cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên ở Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)
Động thái diễn ra chỉ hơn 1 ngày sau khi quân đội Mỹ phóng 59 tên lửa Tomahawak vào căn cứ quân chính phủ Syria – sự kiện được cho là cũng mang thông điệp răn đe Triều Tiên, phát đi tín hiệu rằng Mỹ “sẵn sàng ra tay”.
Trong khi Mỹ tuyên bố sẽ tấn công quân sự nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, phản ứng của Bình Nhưỡng cũng hết sức cứng rắn.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho hay, những phán đoán gần đây của truyền thông thế giới về tình hình Triều Tiên đến từ một bức thư của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho, nói rằng ban lãnh đạo nước này nhận định cục diện bán đảo đang mất kiểm soát.
Đáng chú ý, nơi nhận thư hàm của ông Ri không phải là Liên hợp quốc hay một tổ chức của các nước lớn, mà là Ban thư ký ASEAN. Theo Tân Hoa Xã, Đại sứ quán Triều Tiên tại Jakarta, Indonesia đã chuyển thư tới Ban thư ký vào hôm 4/4.
Vì sao Triều Tiên gửi thư cho ASEAN?
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 8/4 lần đầu tiên xác nhận thông tin về lá thư gửi các nước ASEAN. Trong thư, Ngoại trưởng Ri Yong Ho chỉ trích cuộc tập trận quy mô lớn mà Mỹ và Hàn Quốc tiến hành từ tháng trước.
Ông Ri cáo buộc Mỹ-Hàn đã đưa lượng lớn vũ khí tấn công vào chương trình tập trận, bao gồm tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân và các máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân. Ông lên án mục đích cuộc tập trận là “lật đổ chế độ ở Triều Tiên”.
Ngoại trưởng Triều Tiên cũng tuyên bố rằng trong điều kiện như vậy, Bình Nhưỡng sẽ áp dụng các biện pháp đối đầu “quyết liệt nhất”, bao gồm tăng cường khả năng kiềm chế bằng hạt nhân.
KCNA cho hay, Bình Nhưỡng kỳ vọng các nước ASEAN “quan tâm đến cuộc tập trận đang diễn ra của Mỹ-Hàn và đưa ra đánh giá công bằng”, đồng thời đóng góp cho hòa bình và an ninh của bán đảo.
Tân Hoa Xã bình luận, động thái của Triều Tiên khiến giới quan sát khá bất ngờ khi họ “phớt lờ” Trung Quốc để tìm đến các nước Đông Nam Á. Điều này cũng hé lộ mức độ nghiêm trọng của tình hình khu vực.
AFP (Pháp) hôm 9/4 dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Herbert McMaster cho biết, Tổng thống Donald Trump yêu cầu được cung cấp “mọi lựa chọn” để “loại bỏ” mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, và bảo đảm việc điều tàu sân bay đến bán đảo là một phương án đề phòng.
Không phải lần đầu tìm tới Đông Nam Á
Theo Tân Hoa Xã, cho đến trước căng thẳng ngoại giao Triều Tiên-Malaysia từ tháng 2 bởi vụ công dân Triều Tiên Kim Chol bị sát hại ở Kuala Lumpur, quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các nước Đông Nam Á vẫn phát triển ổn định.
Từ năm 2012, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền, Triều Tiên đã coi trọng quan hệ đối ngoại với ASEAN hơn nhiều.
Các diễn đàn ngoại giao song phương và đa phương của Đông Nam Á đã trở thành một trong các vũ đài quan trọng để Triều Tiên công bố chính sách của mình, bởi ASEAN hiện nay đã trở thành một tổ chức kinh tế, chính trị mạnh để hiện thực hóa mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, không can thiệp nội chính và bình đẳng.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap năm 2012 từng nhận định Bình Nhưỡng “tập trung toàn bộ nguồn lực ngoại giao vào ASEAN”.
Mỹ rất khó tái diễn “kịch bản Syria” với Triều Tiên
Nhà nghiên cứu Cao Hạo Vinh từ Trung tâm các vấn đề thế giới của Tân Hoa Xã, một chuyên gia về Triều Tiên, đánh giá hôm 10/4: “Tình hình bán đảo hiện nay tương đối nghiêm trọng. Dù là tàu sân bay Mỹ tiến về bán đảo, hay quân đội Mỹ tấn công Syria, đều là những tín hiệu cảnh cáo, gia tăng đe dọa Triều Tiên.”
Nhưng ông cho rằng, “bóng đen” chiến tranh đã bao trùm khu vực, nhưng xung đột sẽ không bùng phát ngay.
“Động binh bằng cách nào? Phóng tên lửa có tiêu hủy được cơ sở hạt nhân Triều Tiên hay không? Có dẫn đến rò rỉ phóng xạ không?” – ông Cao cho rằng chính quyền Mỹ rất khó làm điều tương tự ở Syria đối với Triều Tiên.
Học giả Trung Quốc đánh giá động thái gửi thư tới ASEAN của Bình Nhưỡng “có thể lý giải”. Nhưng ông Cao cho rằng với lập trường trung lập trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà ASEAN vẫn duy trì, các nước Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhấn mạnh phi hạt nhân hóa trên bán đảo.
Trong khi đó, Trung Quốc – đồng minh lâu năm và đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng – ngày 10/4 đã nhất trí với Hàn Quốc về việc áp dụng các biện pháp mạnh nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc hội đàm ngày 6-7/4 ở Florida, đã đồng ý với đồng cấp Mỹ Donald Trump rằng “phải có hành động đối với Triều Tiên”.