Đường ống dẫn dầu thô từ Trung Quốc – Myanmar giúp an toàn và đỡ tốn kém hơn nếu tàu Trung Quốc đi qua 2 eo biển Malacca và Singapore.
Một phần đường ống dẫn dầu Myanmar – Trung Quốc.
Reuters dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết, Trung Quốc và Myanmar cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về đường ống dẫn dầu, đường ống được tiết lộ sẽ được khởi động “rất sớm”.
Một nhà máy lọc dầu ở thành phố Côn Minh, thuộc tỉnh Vân Nam phía Nam Trung Quốc cũng đã hoàn thành và sẵn sàng tiếp nhận dầu thô thông qua đường ống.
Dầu thô sẽ được cung cấp cho nhà máy lọc dầu mới của Công ty PetroChina trực thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung quốc (CNPC) tại tỉnh Vân Nam. Nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất thử nghiệm bắt đầu vào tháng 6 tới.
Đường ống dẫn dầu Myanmar – Trung Quốc dài 771km nối từ cảng Kyauk Phyu thuộc miền Tây Myanmar, chạy dọc suốt chiều dài nước này và điểm đến cuối cùng là ở thành phố Côn Minh của Trung Quốc.
Theo thỏa thuận ký kết vào ngày 10/4, PetroChina sẽ nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài thông qua vịnh Bengal rồi bơm vào đường ống chuyển sang nhà máy lọc dầu ở tỉnh Vân Nam có công suất 260.000 thùng/ngày.
Đường ống dẫn dầu qua Myanmar sẽ có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc vì nó cho phép nước này nhập khẩu dầu từ Trung Đông và châu Âu, dùng tàu chở về cảng Kyauk Phyu ở Myanmar và chuyển thẳng về Trung Quốc, mà không cần phải đi qua tuyến đường vận chuyển ở eo biển Malacca và Singapore.
Theo tờ Forbes (Mỹ), tránh đường vận chuyển dầu mỏ và khí đốt qua eo biển Malacca và Biển Đông là lợi ích vô giá trong mắt các lãnh đạo Trung Quốc. Khoảng 70 – 85% lượng dầu nhập khẩu hằng năm của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, vốn là nơi có nhiều hải tặc.
Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng địa chính trị Mỹ – Trung Quốc, Mỹ có thể điều động các hạm đội của mình phong tỏa eo biển, theo Forbes. Do vậy, đường ống dẫn dầu ở Myanmar giúp Bắc Kinh loại bỏ những nguy cơ này.
Dẫu tuyên bố khá chắc chắn về việc thông suốt đường ống dẫn dầu này, cuối tháng 3, Reuters dẫn nguồn tin từ chính phủ Myanmar cho hay, Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (PetroChina) và chính phủ Myanmar vẫn chưa hoàn thành thỏa thuận về đường ống.
Không chỉ đang phải chờ phê duyệt cuối cùng từ các cơ quan chức năng của Myanmar, mà PetroChina còn chưa được Hải quân Myanmar cho phép đưa tàu chở dầu vào các cảng của nước này.
Dự án trị giá 1,5 tỷ USD này được hình thành từ 10 năm trước và đã hoàn thành vào cuối năm 2014, nhưng vẫn gác lại do mối quan hệ căng thẳng giữa Myanmar và Trung Quốc.
Trung Quốc lâu nay vẫn bày tỏ lo ngại về những cuộc giao tranh giữa Chính phủ Myanmar và các nhóm vũ trang ly khai tại khu vực miền Bắc nước này. Hồi tháng 3, đợt giao tranh đã khiến nhiều người thiệt mạng và hàng ngàn người phải chạy nạn, đa số sang Trung Quốc.
Nhiều cuộc biểu tình từng diễn ra ở Myanmar phản đối xây dựng đường ống dẫn dầu với cáo buộc đền bù giải tỏa không thỏa đáng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi ở Trung Quốc do cựu Chủ tịch CNPC Tưởng Khiết Mẫn, người ủng hộ dự án, bị điều tra và lãnh án 16 năm tù giam vì tội tham nhũng vào năm 2015.