Giới quan sát Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không có nghĩa vụ bảo vệ Triều Tiên vì Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân.
Các nhà quan sát quân sự và ngoại giao Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh không có nghĩa vụ giúp Bình Nhưỡng phòng thủ trong trường hợp bị tấn công quân sự, SCMP hôm qua đưa tin.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh các quan chức cấp cao của Washington cảnh báo tấn công Bình Nhưỡng. Trung Quốc và Triều Tiên đã ký hiệp ước hợp tác và tương trợ năm 1961 nhằm thiết lập mặt trận thống nhất chống phương Tây.
Hiệp ước ghi rõ nếu một trong hai bên bị tấn công vũ trang, bên kia phải lập tức giúp đỡ, bao gồm hỗ trợ quân sự. Hiệp ước cũng nói về việc hai nước phải giữ gìn hòa bình và an ninh.
Đối với Trung Quốc, việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là vi phạm hiệp ước của Liên Hợp Quốc về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, có thể khiến Bắc Kinh không giúp đỡ Bình Nhưỡng, theo giới quan sát.
Trung Quốc cũng có thể không hành động nếu bất cứ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ không bị coi là tấn công vũ trang.
“Thật khó để nói Trung Quốc sẽ giúp về mặt quân sự với Triều Tiên thế nào trong một cuộc chiến. Từ khi Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, điều này dường như đã vi phạm hiệp ước song phương”, Lý Kiệt (Li Jie), đại tá về hưu của hải quân Trung Quốc, nói.
Nghê Lạc Hùng (Ni Lexiong), nhà phân tích quân sự ở Thượng Hải, cho biết Trung Quốc sẽ viện trợ quân sự cho Triều Tiên nếu lực lượng mặt đất của Mỹ can dự. Tuy nhiên, ông Nghê cho rằng việc Bình Nhưỡng vi phạm hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc có thể là “lý do mạnh mẽ” để Bắc Kinh từ chối giúp đỡ.
Đe dọa quân sự nhằm vào Triều Tiên tăng cao với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington đã chuẩn bị hành động một mình chống lại Bình Nhưỡng.
Mỹ đã điều nhóm tàu sân bay chiến đấu USS Carl Vinson tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên.
Tuy vậy, Bắc Kinh, nguồn kinh tế sống còn của Triều Tiên có những lợi ích trong việc giúp đỡ đồng minh lâu năm. Trung Quốc lo sợ sự sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng có thể dẫn đến làn sóng người tị nạn tràn vào Trung Quốc. Nước này cũng không muốn mất “vùng đệm” giữ khoảng cách với binh lính Mỹ ở biên giới.
Ông Nghê cho rằng một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ khó xảy ra bởi Mỹ dường như không muốn đưa lực lượng mặt đất vào Triều Tiên. Nhà quan sát Trung Quốc cho rằng Mỹ có lẽ sẽ lựa chọn không kích hoặc nã tên lửa.
“Tình hình có thể dễ dàng hơn nhiều với Trung Quốc trong trường hợp này. Trung Quốc sẽ không cần đưa lực lượng mặt đất tới giúp Triều Tiên mà chỉ cần đưa Hạm đội Bắc Hải hoặc chiến đấu cơ tuần tra ở bán đảo Triều Tiên”, ông Nghê nói.
Chu Chấn Minh (Zhou Chenming), chuyên gia thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Trí Viễn, cơ quan do chính phủ Trung Quốc tài trợ, cho rằng một cuộc chiến ở Triều Tiên có thể không xảy ra, bởi các bên liên quan đều đang tìm cách giảm bớt căng thẳng.
Song nếu nổ ra xung đột, Trung Quốc có thể giúp Triều Tiên bằng cách gửi viện trợ thực phẩm và vũ khí như các xe tăng cũ.
NBC News hôm nay dẫn nguồn tin từ các quan chức tình báo Mỹ cho biết nước này đã điều hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình Tomahawk đến khu vực cách bãi thử hạt nhân của Triều Tiên khoảng 480 km.
Các máy bay ném bom hạng nặng ở Guam và đội tàu sân bay USS Carl Wilson cũng sẵn sàng tấn công Triều Tiên trong trường hợp khẩn cấp.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận nhận định của NBC về khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên và cho rằng không nên suy đoán công khai về các tình huống có thể xảy ra.