Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKim Jong-un tháo ngòi nổ chiến tranh, Donald Trump có sẵn sàng...

Kim Jong-un tháo ngòi nổ chiến tranh, Donald Trump có sẵn sàng đàm phán?

Ông Kim Jong-un cho thấy mình không sợ Mỹ, không sợ Trung Quốc, không sợ Nga. Do đó, nếu đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ để mở toang cánh cửa hợp tác…

The Washington Post hôm nay 16/4 đưa tin, sáng sớm Chủ nhật Bắc Triều Tiên đã bắn thử một quả tên lửa ra vùng biển phía Đông bán đảo, nhưng gần như bị nổ ngay lập tức, theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Tên lửa được bắn lúc 6 giờ sáng nay giờ địa phương và gần như nổ ngay nên hiện thời Mỹ, Hàn Quốc chưa xác định được chủng loại tên lửa này.

Đầu tháng 4 Triều Tiên đã bắn cả tên lửa tầm trung từ đất liền lẫn tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm trong cùng một khu vực.

Triều Tiên bắn tên lửa chỉ vài phút sau khi chuyên cơ chở Phó Tổng thống Mỹ Pence cất cánh từ Alaska lên đường tới Seoul, bắt đầu chuyến công du 10 ngày sang châu Á.

Trong lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang lên cao, ông Donald Trump đã dành 2 ngày thứ Sáu và sáng thứ Bảy đi chơi golf tại câu lạc bộ riêng của mình ở West Palm Beach, Florida.

Dường như ông Trump đã hy vọng cho những tin tức bình yên vào cuối tuần.

Trump hiện chưa có bình luận gì về bán đảo Triều Tiên và ngay cả vụ thử tên lửa thất bại sáng nay.

Ngày 15/4 trôi đi và Bình Nhưỡng đã không tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 như tuyên bố gây lo ngại trước đó. [1]

Ông Kim Jong-un tháo ngòi nổ chiến tranh

Theo The Washington Post, các chuyên gia đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến màn diễu binh ở Bình Nhưỡng ngày hôm qua 15/4, khi tuyệt đại đa số các tên lửa chiến lược xuất hiện lần đầu tiên và chưa từng được biết đến.

Do đó Jeffrey Lewis, người đứng đầu chương trình về Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Martin James ở Florida cho rằng:

Triều Tiên không tiến hành một vụ thử hạt nhân chưa chắc đã là một tin tốt, đây là các phần của một chương trình tương tự. Họ đã tuyên bố có thể chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa.

Cuộc duyệt binh này giống như Bình Nhưỡng đang nói với Mỹ: Này, đây là một số tin xấu khác cho quý vị, theo Lewis.

Trong khi đó ông Kim Jong-un đứng trên lễ đài mỉm cười trong lễ duyệt binh và vẻ mặt không có gì căng thẳng, lo lắng hay mệt mỏi trước áp lực quân sự từ Mỹ cũng như sức ép từ Trung – Nga.

(Áp lực đó đến từ cụm tàu sân bay USS Carl Vinson đang ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, hay một cái gì đó tương tự Mỹ bắn 59 quả Tomahawk vào Syria, hoặc vụ Mỹ mới dội “mẹ của các loại bom” xuống Afghanistan).

Bắc Triều Tiên trước đây đã từng cho thế giới chứng kiến 2 loại tên lửa liên lục địa KN-08 và KN-14 trong các cuộc duyệt binh. Về lý thuyết, 2 loại tên lửa này có thể bắn sang lãnh thổ Hoa Kỳ.

Nhưng trong cuộc duyệt binh sáng hôm qua, vẫn là những chiếc xe chở tên lửa trước đây, nhưng cái chúng mang theo có hình dáng tên lửa lớn chưa từng thấy.

Joe Cirincione, Chủ tịch Quỹ Ploughshares bình luận: đây là một cam kết về khả năng trong tương lai hơn là tình diễn các tên lửa hiện có. 

Dư luận quốc tế không thể biết những thứ xuất hiện trên quảng trường Kim Nhật Thành hôm qua có phải tên lửa liên lục địa hay không, nhưng chắc chắn trong tương lai nó sẽ đến. [1]

Đa Chiều ngày 15/4 bình luận, cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng cùng ngày thể hiện quyết tâm của Bình Nhưỡng sẽ không chùn bước trước áp lực từ Mỹ (và theo người viết là cả áp lực từ Trung – Nga).

Nhưng đồng thời Triều Tiên cũng không thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 6 để tháo ngòi nổ chiến tranh trên bán đảo.

Kết thúc ngày 15/4 không có vụ thử hạt nhân nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, dư luận quốc tế thở phào.

Xe tăng, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm mà Triều Tiên trình diễn trên quảng trường có hiện đại đến đâu, cũng không phải cái phương Tây “quan ngại”.

Tuy nhiên có 2 loại tên lửa hình dáng na ná Đông Phong 31 và Đông Phong 41 của Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên, với đặc điểm giống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khiến các nhà quan sát không thể không suy nghĩ và đặt câu hỏi.

Trong khi tuyên bố và hành động của Donald Trump sau khi bắn 59 quả Tomahawk vào Syria như đã cưỡi lên lưng hổ, không thể dừng lại thì Kim Jong-un lại hoàn toàn chủ động và lựa chọn cách đối phó đơn giản.

Bình Nhưỡng chủ động “xì hơi” quả bóng đe dọa thử hạt nhân lần 6 ám ảnh đối thủ suốt 3 tháng qua, trong khi vẫn cho họ thấy thành quả mới về công nghệ quân sự của mình qua cuộc duyệt binh này.

Căng thẳng những ngày qua trên bán đảo Triều Tiên dần được tháo ngòi, hạ nhiệt. Chính Kim Jong-un chứ không phải ai khác, đã bắc thang cho Donald Trump “bước xuống từ lưng hổ”. [2]

Triều Tiên vẫn giữ giá trước đàm phán

Bình luận về cục diện bán đảo Triều Tiên hiện nay, South China Morning Post, Hồng Kông ngày 16/4 dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc nhận định, không thử hạt nhân lần 6 mà duyệt binh quy mô lớn ngày 15/4 là một bước quay trở lại từ miệng hố chiến tranh.

Cui Zhiying, một chuyên gia về Triều Tiên từ Đại học Đồng Tế, Thượng Hải nhận định: Triều Tiên hiện đang phải chịu áp lực rất lớn, đặc biệt là từ Mỹ (và Trung Quốc nữa).

Bình Nhưỡng muốn thể hiện một mặt trận thống nhất mà không cần vụ thử hạt nhân lần thứ 6 – động thái có thể gây xung đột quân sự và được xem là “quá quắt” trong mắt cộng đồng quốc tế.

Từ Quang Dụ, một viên tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu cho rằng, tuy không thử hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng phô diễn sức mạnh quân sự bằng duyệt binh là để chứng tỏ khả năng sẵn sàng chiến đấu trở lại khi cần thiết.

Ông Dụ cho rằng, có thể xem cuộc duyệt binh hôm qua là một sự kiềm chế. Bình Nhưỡng không nổ súng đầu tiên để phải gánh trách nhiệm khơi mào chiến tranh trên bán đảo.

Zhou Zhengming, một quan sát viên quân sự từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc phòng từ Giang Tô nói:

“Không có vụ thử hạt nhân vào ngày sinh nhật Kim Nhật Thành, không có nghĩa là sẽ không xảy ra bất kỳ điều gì tương tự trong tương lai. Nó chỉ có thể được xem như một bước xuống thang từ tư thế khiêu khích”.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý nhất về cuộc duyệt binh hôm qua trên quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, đó là sự vắng mặt của các quan chức cấp cao từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh còn lôi kéo cả Mowcow đứng về phía mình trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Vương Nghị đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hôm thứ Sáu để bàn cách phối hợp.

Ông Nghị cũng cảnh báo Triều Tiên và Mỹ, nếu để chiến tranh nổ ra thì sẽ là sai lầm lịch sử và hai phía đều phải trả giá tương ứng.

Trong khi đó nhiều công ty lữ hành hàng đầu Trung Quốc đã dừng các tua du lịch đến Triều Tiên, còn Air China, hãng hàng không duy nhất của Trung Quốc có đường bay đến Bình Nhưỡng cũng tạm thời hủy bỏ một số chuyến.

Tuy nhiên theo mô tả của South China Morning Post, cư dân Bình Nhưỡng những ngày này vẫn bình tĩnh và sinh hoạt như thường nhật, một hướng dẫn viên du lịch Hồng Kông giấu tên cho biết. [3]

Bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt, nhưng Kim Jong-un không xuống giá đàm phán.

Muốn có đột phá phải chờ Donald Trump

Cá nhân người viết cho rằng, dấu hiệu hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên đã rõ, cũng như mong muốn đối thoại trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng đã được phân tích trong bài trước.

Tuy nhiên, nếu Mỹ thực sự mong muốn giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và Bình Nhưỡng thực sự nỗ lực thoát vòng vây cấm vận, tìm kiếm một hiệp ước hòa bình với Mỹ thì cả hai cần rất nhiều nỗ lực.

Về phía Bình Nhưỡng, cần dừng ngay các hoạt động thử hạt nhân, tên lửa và những lời lẽ công kích chiến tranh để tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán.

Cái thế của Bình Nhưỡng là độc lập tự chủ, tự lực tự cường, không dựa dẫm ỷ lại vào bất kỳ đồng minh nào, ngay cả Trung Quốc, nên tiếng nói và quyền chủ động của mình với vận mệnh bán đảo, dân tộc rất rõ rệt.

Còn phía Washington, không thể yêu cầu Bình Nhưỡng tự hủy khả năng răn đe của mình trước rồi mới ngồi vào bàn đàm phán.

Nếu cứ tiếp tục đòi hỏi “điều kiện tiên quyết” này, e rằng mong ước phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ không đi đến đâu.

Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân là để đảm bảo sự an toàn của thể chế chính trị hiện thời.

Trong khi chính quyền Donald Trump đã bắn đi thông điệp mới: Mỹ không theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền Bắc Triều Tiên, mà là phi hạt nhân hóa bán đảo.

Có lẽ đây là những điều kiện tiền đề quan trọng nhất để tìm kiếm hòa bình cho bán đảo. Vấn đề còn lại là sự nỗ lực, thiện chí của các bên.

Trung Quốc và Nga có vai trò thúc đẩy tiến trình đàm phán trực tiếp Mỹ – Triều này để đổi lấy những lợi ích chiến lược khác lớn hơn từ nước Mỹ, trong khi vẫn giữ được lợi ích an ninh, địa chính trị của họ trên bán đảo.

Cho dù Triều Tiên được dư luận tin là phụ thuộc rất nhiều, thậm chí sống còn vào Trung Quốc về kinh tế – thương mại – thị trường, nhưng ông Kim Jong-un đã chứng tỏ mình không phải con bài Bắc Kinh có thể dễ dàng điều khiển.

Nhà lãnh đạo này cũng từng du học ở Thụy Sĩ chứ không phải Liên Xô trước đây hay Trung Quốc, nên có lẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi tư duy, phong cách từ 2 nước lớn này.

Ông Kim Jong-un cho thấy mình không sợ Mỹ, không sợ Trung Quốc, không sợ Nga.

Do đó, nếu đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ để mở toang cánh cửa hợp tác với thế giới, sức mạnh của Triều Tiên có lẽ sẽ chỉ nhân lên gấp bội.

RELATED ARTICLES

Tin mới