Việc tăng chi phí không chính thức đã tạo nên rào cản khiến các doanh nghiệp tư nhân khó phát triển.
Hiện Việt Nam có đến 97% doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Hơn 30 năm qua, kinh tế tư nhân từ chỗ chỉ được thừa nhận và cho phép tồn tại trong nền kinh tế nhiều thành phần thì đến nay, kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế và là một xu thế tất yếu giúp Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện nay chủ yếu vẫn là kinh tế hộ cá thể. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân quy mô còn rất nhỏ, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu, đổi mới chậm.
Theo thống kê, các doanh nghiệp tư nhân nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từ gần 63.000 doanh nghiệp hoạt động năm 2002 lên khoảng 550.000 doanh nghiệp hoạt động vào cuối năm 2016.
Trong giai đoạn 2006-2015, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa.
Đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước và hàng năm tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là hộ kinh doanh cá thể, 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang, rào cản làm hạn chế khả năng phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân đó là vấn đề gia nhập thị trường; tiếp cận thông tin, nguồn vốn và đất đai.
“Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, hạn chế về tài sản thế chấp, khó tiếp cận chính sách về đất đai, mặt bằng. Trình độ quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh tế của các doanh nghiệp còn yếu và thiếu cũng như chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến. Từ đó khiến nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với các nước trong khu vực về mẫu mã, chất lượng cũng như giá thành”, ông Thập cho biết.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí phi chính thức đang kìm hãm các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tình trạng quan liêu, lạm dụng chức quyền, lạm dụng kiểm tra của các cơ quan công quyền cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp phải tăng chi phí không chính thức dẫn đến môi trường đầu tư kinh doanh thiếu an toàn, tiềm ẩn rủi ro.
“Doanh nghiệp còn gặp nhiều chính sách bất hợp lý trong khi chính quyền vẫn còn thái độ chưa cầu thị, lắng nghe và chỉnh sửa. Khi doanh nghiệp đấu tranh không được đã phải có động tác lobby, trả chi phí không chính thức. Nếu cứ để tình trạng này, nền kinh tế không lành mạnh sẽ rất khó phát triển, nhất là khi đất nước đang hội nhập sâu rộng”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cảnh báo.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, với cơ chế quản lý nhà nước như hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào.
Một điểm bất cập nữa là doanh nghiệp khu vực tư nhân không dám khởi kiện để bảo vệ quyền tự do, quyền sở hữu của mình. Do đó, cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục dễ dàng can thiệp vào hoạt động kinh doanh, dẫn đến những trường hợp không vì lợi ích chung, chỉ vì lợi ích riêng của những người thi hành công vụ. Những điều này đã phát sinh chi phí không chính thức, tạo nên rào cản khiến các doanh nghiệp khó và không muốn phát triển.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, để cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa những chi phí không chính thức thì vấn đề thực thi luật pháp và thái độ, cách thức làm việc của bộ máy hành chính nhà nước phải có sự chuyển biến. Muốn làm được này, phải nhìn cụ thể vào những vướng mắc, cản trở đối với sự phát triển và những yêu cầu của doanh nghiệp tư nhân để xử lý vấn đề.
“Nhà nước rất cần phải thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực. Muốn làm được điều này sẽ phải phát triển thị trường vốn, thị trường lao động, thay thế cơ chế xin – cho trong phân bố nguồn lực. Điểm tiếp nữa là cải cách doanh nghiệp nhà nước để tạo dư địa, tạo cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Quan trọng hơn là ngân sách nhà nước phải chặt chẽ hơn, giảm mạnh chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực”, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế cho rằng, để kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.
Đồng thời, cần sự cam kết từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành về sự minh bạch, về môi trường đầu tư, quy định pháp luật…thực hiện Chính phủ liêm chính cần phải thực hiện ở cả trung ương, địa phương và cơ sở. Môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, dỡ bỏ các rào cản cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là tập trung dỡ bỏ những rào cản, cản trở của kinh tế tư nhân, tạo lập môi trường môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
“Muốn kinh tế tư nhân phát triển cần tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống cơ cấu hạ tầng, phát triển và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước và đặc biệt là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp. Đặc biệt cần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nhà nước liêm chính, kiến tạo phát triển, xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại và xây dựng hệ thống dịch vụ công hiệu quả”, PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo nêu rõ.
Hiệu quả kinh tế mang lại từ khu vực kinh tế tư nhân là rõ ràng. Sự vào cuộc của các ngành chức năng để phát huy hết khả năng của khu vực này là cần thiết để đảm bảo quyền lợi trong môi trường kinh tế thị trường. Trong đó, phải huy động mọi nguồn lực để có thể liên kết khu vực này thành chuỗi để mang lại giá trị kinh tế cao hơn.