Friday, January 3, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc hung hãn đâm hỏng 24 tàu thực thi pháp luật...

Trung Quốc hung hãn đâm hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam

BienDong.Net: Báo chí trong nước dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển cho biết kể từ khi hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, các tàu Trung Quốc đã hung hãn đâm hỏng 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển Việt Nam trong các hành động gây hấn của họ.

Phát biểu trong cuộc họp báo quốc tế tại Hà nội ngày 05/06/2014, ông Thu cho hay ngoài các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, và tàu dịch vụ phục vụ cho hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc dùng cả tàu cá vỏ sắt có lượng giãn nước từ 200 đến 400 tấn.

 

alt

“Trung Quốc tạo ba vòng bảo vệ cho giàn khoan. Vòng một từ 1 đến 3 hải lý, gồm tàu vận tải, tàu dịch vụ. Vòng 2 từ 5 đến 7 hải lý gồm tàu chấp pháp, hải cảnh, hải giám, hải tuần. Vòng 3 gồm các tàu chiến, tàu cá”, ông Thu nói.

Trung Quốc chia các tàu bảo vệ thành các nhóm, thường xuyên bám sát các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư. Khi các tàu Việt Nam tiếp cận, lập tức các tàu Trung Quốc bao vây hai bên mạn tàu, chủ động sử dụng tàu cơ động cao đâm thẳng vào tàu Việt Nam.

“Từ khi hạ đặt giàn khoan, các tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng tổng số 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển”, ông Thu cho biết.

“Lực lượng chấp pháp Việt Nam đã rất kiên trì, kiềm chế, thực hiện sự có mặt, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển”, ông Thu nói.

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết có 12 kiểm ngư viên bị thương. Tính từ 7/5 đến nay, có 12 tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc cản trở uy hiếp, phá hoại tài sản rất thô bạo.

Đặc biệt ngày 26/05, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng.

Hôm 4/6, đài truyền hình Việt Nam đã chiếu một đoạn video do một ngư dân quay được, cho thấy cảnh tàu vỏ sắt của Trung Quốc tiến lại gần và đâm tàu cá của ngư dân Đà Nẳng, khiến tàu này bị lập úp hoàn toàn và sau đó chìm hẳn.

 

Tàu cảnh sát biển Việt Nam rách sau khi bị tàu Trung Quốc đâm. Ảnh: TTXVN

Trước đó, Trung Quốc phủ nhận vụ đâm chìm tàu này và khẳng định rằng chính tàu cá Việt Nam đã tự lật sau khi cố tình đâm vào tàu Trung Quốc.

Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cũng cho hay sau hơn một tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, hai bên đã có trên 30 cuộc trao đổi dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không dừng lại hoạt động bất hợp pháp mà còn mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan, di chuyển sang vị trí mới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông báo Việt Nam vẫn kiên trì sử dụng biện pháp hòa bình sau hơn một tháng từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam và đưa nhiều tàu hộ tống và tàu quân sự, có hành vi hung hăng ngang ngược, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Cho rằng những diễn biến trên thực địa cho thấy Trung Quốc không hề có ý định xuống thang, ông Bình khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì, đấu tranh thông qua biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tiếp tục nỗ lực ngoại giao hơn nữa với Trung Quốc, đồng thời cũng sẽ cân nhắc các biện pháp tiếp theo để bảo vệ những quyền lợ và lợi ích của Việt Nam.

Phát ngôn viên Lê Hải Bình khẳng định việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh và an toàn hàng hải khu vực là lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia liên quan trong và ngoài khu vực.

Về những phát biểu mạnh mẽ của Mỹ và Nhật Bản tại Shangri – La 13 vừa qua, ông Bình cho rằng đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế có phản ứng mạnh mẽ như vậy với tình hình ở Biển Đông trong nhiều năm trở lại đây. Tiếng nói của quốc tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì ổn định và bảo đảm an toàn trong khu vực.

“Việt Nam mong cộng đồng quốc tế có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn hành động leo thang của Trung Quốc”, ông nói.

Người phát ngôn thông tin thêm, từ 6 – 10/6, tại Myanmar sẽ diễn ra hội nghị SOM – ASEAN+3 (gồm cả Trung Quốc), đoàn Việt Nam sẽ do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh tham dự. Tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh khu vực, đến Biển Đông cũng như căng thẳng hiện nay cũng sẽ được bàn thảo ở một mức độ phù hợp.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới