Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCông ước Pháp – Thanh năm 1887 và vấn đề chủ quyền...

Công ước Pháp – Thanh năm 1887 và vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

altThật đáng
ngạc nhiên khi hiện nay vẫn còn một số học giả, trong đó phần lớn là  người Trung Hoa sống ở nước ngoài, vẫn bám giữ
luận điểm coi Công ước Pháp – Thanh năm 1887 như một cơ sở pháp lý quốc tế để
chứng minh rằng Công ước này đã trao cho Trung Quốc chủ quyền đối với các đảo
tranh chấp ở Biển Đông.

Các học giả
này cho rằng Công ước Pháp – Thanh năm 1887 đã quy định “từ
Quảng Đông, những điểm tranh chấp nằm từ phía Đông đến phía Tây Bắc của Móng Cái, ngoài
biên giới đã được hai phái bộ
(Pháp và nhà Thanh) xác định, có thể coi là thuộc về Trung
Quốc. Những hòn đảo nằm ở phía đông dọc đường kinh tuyến Paris 105°43’, có
nghĩa là trục Bắc – Nam đi qua điểm phía đông của đảo Tch’a Kou hay Ouan-Chan (Trà Cổ) và
làm thành đường biên giới, cũng thuộc về Trung Quốc. Các đảo Go-tho và các đảo
khác nằm phía tây của đường kinh tuyến thuộc về An Nam”.

Từ quy định đó họ suy diễn rằng hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa nằm ở phía đông kinh tuyến Paris 105°43’ nên hai quần đảo này phải
thuộc về Trung Quốc. Đây đơn thuần là một suy diễn lệch lạc hay là một sự cố ý
coi thường lịch sử và bócp méo sự thật ?

Để có cơ sở hiểu rõ hơn đâu là sự
thật của vấn đề, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tên và nội dung của Công ước
trên như thế nào? Mục tiêu của Công ước này là  gì? Công ước đó được ký kết trong bối cảnh như thế nào? Và Công ước này có đề cập
gì đến các đảo mà Trung Quốc gọi là có tranh chấp ở Biển Đông hay không ?

Toàn
văn tên của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 là  “Công ước hoạch định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ” (Convention
relative à la delimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin). Công
ước này được ký giữa Cộng hòa Pháp (đại diện cho Bắc kỳ lúc đó) và triều đình
nhà Thanh ngày 26 tháng 6 năm 1987 (sau đây gọi tắt là Công ước Pháp – Thanh năm 1887).

Công
ước Pháp – Thanh năm 1887 được ký kết trên cơ sở điều 3 của Hiệp ước Thiên
Tân ngày 9 tháng 6 năm 1885 (sau đây gọi tắt là Hiệp ước Thiên Tân năm 1885).
Điều 3 Hiệp ước này quy định: “Trong thời hạn 6 tháng kể
từ khi ký hiệp ước này, các uỷ viên do các bên dự ký kết chỉ định để đến tại
chỗ để công nhận đường biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ. Hai bên sẽ cắm mốc
ở khắp nơi nếu xét ra cần thiết để đường biên giới được rõ ràng. Trong trường
hợp hai bên không đồng ý về việc cắm mốc hay nếu có những điều chỉnh về chi
tiết có thể có đối với đường biên giới hiện nay vì lợi ích chung cho hai nước,
các uỷ viên sẽ báo cáo cho chính phủ hai bên cùng biết”.

Thực
hiện điều 3 Hiệp ước Thiên Tân năm 1885, các đại diện được Tổng thống nước Cộng hoà Pháp và
Hoàng đế Trung Quốc cử ra đã hoàn thành nhiệm vụ khảo sát biên giới giữa Trung
Quốc và Bắc Kỳ và đã quyết định ghi trong Công ước Pháp – Thanh năm 1887 những điều khoản
sau đây nhằm giải quyết dứt khoát việc hoạch định biên giới nói trên:

1.
Những biên bản và những bản đồ đính kèm các biên bản đó đã được đại diện Pháp
và Trung Quốc lập ra và ký tên, nay vẫn được chuẩn y;

2. Những điểm mà hai Uỷ ban chưa
thể thống nhất với nhau được và những điều chỉnh nói trong đoạn 2, điều 3 của
Hiệp ước ngày 9 tháng 6 năm 1885 được giải quyết như sau:

“Ở Quảng Đông, hai bên thoả thuận rằng các điểm tranh chấp nằm ở phía
Đông và Đông – Bắc Móng Cái, ở bên kia đường biên giới như Uỷ ban hoạch định
biên giới đã vạch, được phân cho Trung Quốc. Những đảo ở phía Đông dọc đường
kinh tuyến Paris 105043’ đi qua kinh độ Đông của đảo Tch’a-kou hay
Ouen Chou (Trà Cổ) và làm thành đường biên giới, cũng phân cho Trung Quốc. Quần
đảo Cô Tô và các đảo khác nằm ở phía Tây kinh tuyến này thuộc về An Nam.

Trên biên giới của tỉnh Vân Nam,
hai bên thoả thuận là con đường phân giới sẽ được vạch như sau:
………………”

Các
nhà đương cục địa phương Trung Quốc và các viên chức do Tổng Công sứ Cộng hoà
Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ chỉ định sẽ được giao trách nhiệm tiến hành việc cắm
mốc, theo đúng các bản đồ do Uỷ ban hoạch định biên giới vẽ và ký, và theo con
đường biên giới nói trên.

Kèm theo văn kiện này có ba bản đồ, mỗi bản đồ làm thành hai bản, được
hai bên ký tên và đóng dấu. Trên các bản đồ này, đường biên giới mới được vẽ
thành một đường đỏ và ghi trên các bản đồ của Vân Nam bằng chữ cái tiếng Pháp và các
tên hàng Can – Chi Trung Quốc.

Mảnh bản đồ
thể hiện đường biên giới ở Quảng Đông có vẽ một đoạn ngắn đường đỏ ở phía Bắc
Vịnh Bắc Bộ, từ điểm cuối của đường biên giới trên đất liền ở Móng Cái xuống
phía Nam theo đường kinh tuyến Paris 105°43’. Đoạn đường này không có điểm kết thúc và được
kèm theo chú thích là “tạo thành đường biên giới”.

Như vậy, căn
cứ vào tên của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 và nội dung của Công ước này chúng ta có thể dễ
dàng nhận rõ:

– Đối tượng
và phạm vi điều chỉnh của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 là đường biên giới trên đất liền giữa Trung
Quốc và Bắc Việt Nam.

– Mục tiêu chính
của Công ước này là giải quyết dứt khoát việc hoạch định
biên giới trên đất liền giữa Trung
Quốc và Bắc Việt Nam.
Mục tiêu phụ của Công ước này là quy thuộc chủ quyền đối với các đảo trong Vịnh
Bắc Bộ. Công ước này không liên quan gì đến vùng biển nằm ngoài Vịnh Bắc Bộ,
không liên quan gì đến các đảo ở Trung Kỳ và Nam kỳ của An Nam.

– Không có
bất kỳ câu nào, chữ nào trong Công ước Pháp – Thanh năm
1887 đề cập đến các đảo mà Trung Quốc gọi là có tranh chấp ở Biển Đông. Như vậy, Công ước này không liên quan gì đến
vùng biển và các đảo ở Biển Đông.

Đến đây, chúng
ta có thể thấy rõ cách suy diễn nêu trên của một số học giả người Trung Hoa là
hoàn toàn không có cơ sở. Có thể dễ dàng nhận thấy điều thiếu lô gích trong
cách suy diễn của họ là họ đã tách một phần câu chữ của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 ra
khỏi đối tượng, phạm vi điều chỉnh và mục tiêu của Công ước để diễn giải câu
chữ đó trong một ngữ cảnh hoàn toàn khác theo chủ định của chính họ.

Cách diễn
giải nêu trên của một số học giả Trung Hoa hoàn toàn thiếu khách quan, thiếu
trung thực, trái với các thông lệ quốc tế cơ bản về giải thích các điều ước
quốc tế đã được pháp điển hóa trong Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước
quốc tế.

Công ước
Viên 1969 nêu trên quy định việc giải thích các điều ước quốc tế phải mang tính
trung thực (bonne foi), phải giải thích văn bản theo nghĩa thông thường của từ
ngữ dưới ánh sáng của đối tượng và mục tiêu của điều ước (điều 31). Công ước này
cũng cho phép xem xét đến bối cảnh và công việc chuẩn bị trước khi ký kết điều
ước trong trường hợp cách giải thích ban đầu vẫn chưa hết nghi vấn hoặc dẫn đến
những kết quả giải thích khác nhau (điều 32).

Vận dụng
quy định của điều 32 của Công ước Viên năm 1969, chúng ta thử tìm hiểu thêm
liệu bối cảnh và công việc chuẩn bị cho việc ký Công ước Pháp
– Thanh năm 1887 có điểm gì có thể biện minh cho cách diễn giải nêu
trên của một số học giả Trung Hoa hay không.

Xét về bối
cảnh, Công ước Pháp – Thanh năm 1887 được
ký vào thời kỳ hậu chiến tranh Pháp – Thanh nhằm tranh giành ảnh hưởng đối với
Việt Nam, với phần chiến thắng thuộc về Cộng hòa Pháp, quân đội nhà Thanh phải
rút khỏi Bắc Việt Nam (Bắc Kỳ) và công nhận sự hiện diện bảo hộ của Pháp đối
với Việt Nam. Tranh thủ thế thắng, người Pháp đã thúc đẩy người Trung Hoa tăng
cường quan hệ thương mại giữa hai bên, tạo thuận lợi cho Pháp chiếm lĩnh thị
trường Trung Hoa (trước sự cạnh tranh của các đối thủ châu Âu khác). Trong bối
cảnh đó, Pháp rất quan tâm đến xác định rõ ràng đường biên giới trên đất liền
giữa Bắc kỳ thuộc Pháp với Trung Hoa để hỗ trợ cho quan hệ thương mại. Không có
chứng cứ lịch sử nào cho thấy hai bên quan tâm tới việc xác định rõ ràng các
vùng biển và các hải đảo nằm ngoài khu vực Vịnh Bắc Bộ vào thời điểm này. Cho
tới nay người Trung Quốc cũng không viện dẫn được bất kỳ chứng cứ nào như vậy.

 Xét về các công việc chuẩn bị cho việc ký kết Công ước Pháp – Thanh năm
1887, các nhà sưu tầm không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào chứng tỏ đã có bên này
hay bên kia nêu vấn đề các đảo ở ngoài khu
vực Vịnh Bắc Bộ trong quá trình đàm phán thỏa thuận các
điều khoản cụ thể của Công ước. Nếu có những tài liệu như
vậy chắc chắn các học giả Trung Quốc đã không ngần ngại để đưa ra. Điều này
càng được thể hiện rõ nét hơn khi Trung Quốc đã không viện dẫn Công ước Pháp – Thanh năm 1887 để đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo ven bờ nằm rải rác trên vùng biển
Trung Kỳ và Nam Kỳ của An Nam (Việt Nam) và nằm ở phía Đông đường kinh tuyến
Paris 105043’.

Năm 1932, Pháp
đã có công hàm kịch liệt chống lại công hàm của Trung Quốc viện dẫn Công ước Pháp – Thanh năm 1887 để giải thích các đảo ở Biển Đông thuộc Trung Quốc. Trong công hàm của
mình, Pháp giải thích các điều khoản của Công ước Pháp –
Thanh năm 1887 “không có mục đích
nào khác là ấn định đường biên giới biển giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ ở khu vực
Móng Cái, sáp nhập vào Trung Quốc một số lãnh thổ và đảo nằm ở phía Đông cửa
sông Móng Cái mà trước đó vốn thuộc về An Nam. Để đơn giản hóa, đường kinh
tuyến Paris 105043’ đã được
chọn như là một con đường phân giới. Nhưng từ lời văn của thỏa thuận thấy rõ là
điều khoản này chỉ đặc biệt đề cập đến khu vực Móng Cái. Muốn áp dụng điều
khoản đó cho quần đảo Hoàng Sa nằm cách khoảng 300 hải lý về phía Đông Nam sẽ
dẫn tới việc nói rằng tất cả những gì nằm ở phía Đông của kinh tuyến Paris 105043’
là thuộc Trung Quốc. Như vậy Trung
Quốc có thể yêu sách phần lớn các đảo ven bờ của Đông Dương, nhất là đảo Poulo Cecir.
Các hậu quả vô lý của lập luận như vậy chứng tỏ rằng chỉ có thể cho điều khoản
của Công ước Pháp – Thanh năm 1887 một giá trị giới hạn khu vực”.

Những phân
tích trên đây chỉ có thể đưa chúng ta đến một kết luận đúng đắn duy nhất là đường
Bắc – Nam chạy qua mũi phía Đông của đảo Tchá – Kou (Trá Cổ), theo đường kinh
tuyến Paris 105043’ đã
được quy định trong Công ước Pháp – Thanh năm 1887 chỉ là đường quy thuộc các đảo trong Vịnh Bắc
Bộ. Về kỹ thuật, vì muốn đơn giản hóa cách thể hiện văn bản nên Công ước đã
không kể tên tất cả các đảo. Cách thể hiện văn bản như vậy vừa nhằm tránh làm
cho văn bản quá công kềnh khi phải kể tên tất cả các đảo hoặc có thể bỏ sót các
tên các đảo nhỏ, vừa tránh phải quy thuộc lại mỗi khi có đảo mới được hình thành.
Có thể nói đây là một lực chọn kỹ thuật có tính chất “nhất cử, lưỡng tiện”, vừa
bảo đảm được tính bao quát, vừa bảo đảm được tính cụ thể. Đây cũng là cách thể
hiện văn bản khá phổ biến trong thực tiễn điều ước quốc tế trong thời kỳ lúc
bấy giờ.    

 Mặt khác, theo các tài liệu công khai về kết
quả đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam về phân định ranh giới các vùng biển
trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000 thì hai nước Trung – Việt đã thống nhất xác định các
vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ theo một ranh giới hoàn toàn khác với đường kinh
tuyến 105043’ và cũng không có tài liệu nào nhắc tới hoặc bảo lưu đường kinh tuyến Paris
105043’ đối với các đảo ven bờ nằm rải rác trên vùng biển miền Trung và miền
Nam Việt Nam và nằm ở phía Đông đường kinh tuyến Paris 105043’. Như vậy, có thể khẳng định bằng việc ký Hiệp
định phân định các vùng biển trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000 hai nước Trung – Việt
đã chính thức coi đường kinh tuyến Paris 105043’ được quy định trong Công
ước Pháp – Thanh năm 1887 chỉ là
đường quy thuộc các đảo trong Vịnh Bắc Bộ mà thôi.

Kết luận:

Những phân tích trên đây đã làm sáng tỏ sự thật lịch
sử không thể tranh cãi là việc viện dẫn Công ước Pháp – Thanh năm 1887 để khẳng
định rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường thuộc về Trung Quốc là không có cơ sở
pháp lý và thực tiễn./.

Công Lý – Duy Thành

 

RELATED ARTICLES

Tin mới