BienDong.Net: Trong khi các lực lượng chấp pháp tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền khu vực xung quanh giàn khoan 981, Việt nam phát tín hiệu cho thấy sẽ chú trọng ưu tiên dành nguồn lực cho việc triển khai chiến lược biển.
Theo báo chí trong nước, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015, Chính phủ VN nhấn mạnh phải tập trung ưu tiên đầu tư phát triển biển đảo, hỗ trợ ngư dân bám biển khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản.Một chỉ thị ban hành ngày 15/6 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia; nhiệm vụ quốc phòng an ninh, hỗ trợ ngư dân phát triển đánh bắt, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo…
Về an ninh, quốc phòng, Chỉ thị yêu cầu thực hiện quyết liệt, bằng sức mạnh tổng hợp và các giải pháp đồng bộ, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh nỗ lực giải quyết tình hình phức tạp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Trước đó, Chính phủ đã có Dự thảo Nghị định “Về một số chính sách phát triển thủy sản” nêu rõ 5 lĩnh vực đầu tư được quan tâm nhằm hỗ trợ ngư dân.
Đó là, các quy định mới về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế… nhằm phát triển thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó, chính sách đầu tư hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản đã được Nghị định nhấn mạnh bằng việc đầu tư 100% kinh phí từ ngân sách Trung ương xây dựng cảng cá loại I, khu neo đậu, tránh trú bão cấp vùng, xây dựng các hạ tầng thiết yếu đối với các tuyến đảo, xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung…
Ở nhóm các giải pháp tín dụng, có việc hỗ trợ nguồn vốn cho việc đóng mới, gia cố tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt hoặc dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ, trong đó có chủ trương đóng mới 3.000 tàu vỏ thép công suất lớn thay các tàu vỏ gỗ.
Nghị định nêu rõ, với tàu có công suất máy chính 380 CV trở lên, ngư dân được vay vốn với mức lãi suất 5%, trong đó ngư dân chỉ trả từ 1 đến 2%, còn lại Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất. Thời hạn cho vay 10 năm, trong đó ân hạn một năm, được sử dụng chính con tàu đóng mới, nâng cấp, gia cố làm tài sản thế chấp với mức từ 85% đến 95% tổng giá trị tàu. Ngoài ra, ngư dân được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và ngư lưới cụ, bảo hiểm thuyền viên; chính sách ưu đãi thuế; hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, chi phí vận chuyển hàng hóa xa bờ…
Theo báo Đại đoàn kết, tuy Nghị định đã đưa ra nhiều hướng hỗ trợ nhưng ngư dân vẫn còn băn khoăn. Những băn khoăn ấy là có lý khi ngư dân với nguồn vốn ít ỏi, lại làm công việc có độ rủi ro cao, trong việc đóng mới tàu vỏ thép cần số vốn ban đầu quá lớn, chi phí cho mỗi chuyến biển, đặc biệt là chi phí nhiên liệu từ đó cũng cao hơn và chi phí duy tu bảo dưỡng cũng cao hơn hẳn.
Ngư dân cần tàu vỏ sắt để vươn khơi
Về băn khoăn này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, sẽ bổ sung vào Nghị định điều khoản người vay (chủ tàu) được quyền quyết định chọn mẫu mã, trang thiết bị, nơi đóng mới tàu vỏ thép của riêng mình. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT cần điều tra quy hoạch nguồn lợi thủy sản, trong đó cần nhất là định hướng khai thác cho ngư dân.
Huy động mọi nguồn lực cho Chiến lược Biển
Tất cả những giải pháp, định hướng phát triển kinh tế biển trong thời gian qua đều nhằm mục tiêu: Để đất nước mạnh lên từ biển.
TS Nguyễn Văn Cư – Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra nhận xét: Sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế biển Việt Nam không chỉ tụt hậu so với các nước lớn mà còn lép vế so với các nước trong khu vực. Hiện lượng hàng hóa thông qua cảng biển tính trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/140 của Singapore, 1/7 của Malaysia và 1/5 của Thái Lan.
Cùng với chủ trương ưu tiên phát triển kinh tế biển, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề chủ quyền, hoạt động điều hành quản lý, đầu tư, khai thác đối với các nguồn tài nguyên biển, đảo ở nước ta. Cần tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với cư dân ven biển, để họ yên tâm bám biển, ổn định đời sống và nâng cao điều kiện, kỹ năng khai thác các nguồn tài nguyên biển một cách khoa học, hiệu quả…
BDN