Monday, January 13, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCuối cùng, Hàn Quốc đã có một Tổng thống mà... Triều Tiên...

Cuối cùng, Hàn Quốc đã có một Tổng thống mà… Triều Tiên chờ đợi

Người mới ở Hàn Quốc sẽ tự tin hơn với Mỹ, mềm dẻo hơn với Trung Quốc và linh hoạt hơn với Triều Tiên.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Chiến thắng của ứng cử viên Moon Jae-in thuộc Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9.5 vừa qua ở Hàn Quốc không gây bất ngờ. Kết quả này đã được dự đoán từ trước đó và ngay đến cả tỷ lệ 41% phiếu bầu mà ông Moon Jae-in đạt được cũng không khác nhiều so với dự đoán.

Vì thế, điều đáng được để ý hơn là mức độ phiếu bầu không hợp lệ rất cao. Nó lên đến 30%, cho thấy nội bộ xã hội cũng như chính trường ở nước này hiện bị phân cực sâu sắc đến mức nào và đa số cử tri hiện không tin là tổng thống mới sẽ khắc phục được tình trạng đó.

Chinh phục lòng tin của diện cử tri này và xứng đáng với sự tin cậy của bộ phận cử tri đã bỏ phiếu bầu mình là thách thức lớn nhất đối với ông Moon Jae-in.

Xem ra, ông đã ý thức được điều đó nên ngay từ những phát biểu đầu tiên, quyết sách và hành động đầu tiên sau khi chính thức nhậm chức đã thể hiện quyết tâm làm nên sự khởi đầu mới cho Hàn Quốc.

Ông Moon Jae-in đã chủ động tìm kiếm sự hợp tác với tất cả các đảng phái trong quốc hội, thành lập ủy ban của chính phủ về tạo công ăn việc làm, đưa ra chương trình cải cách kinh tế với 3 trọng tâm chính… Và đương nhiên không thể thiếu những chủ ý nhằm dẫn dắt xứ này ra khỏi tình thế khó xử và nguy hiểm hiện tại về chính trị, an ninh và đối ngoại.

Trên phương diện này, thách thức lớn nhất mà người mới ở Hàn Quốc giờ phải đối phó là phải đồng thời xử lý ổn thỏa quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc. Có mở ra được thời mới ở nơi đây và cho nơi đây hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào giải hay không giải nổi bài toán ấy.

Cái khó đối với ông Moon là ba đối tác kia đã xô đẩy nhau vào cục diện quan hệ vừa cần hợp tác với nhau lại vừa gây áp lực với nhau, đối tác nào cũng muốn phân rẽ hai đối tác còn lại.

Nếu muốn vừa lòng Trung Quốc thì ông Moon Jae-in phải ngừng việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Không có THAAD và không hợp tác quân sự với Mỹ, dựa vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ thì Hàn Quốc chẳng có gì trong tay để đối phó Triều Tiên và Mỹ không thể đối phó hữu hiệu chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

THAAD ở Hàn Quốc không chỉ là mắc mớ giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn vì thế Hàn Quốc bị Trung Quốc áp dụng những biện pháp trừng phạt về kinh tế, thương mại và văn hoá.

Mấu chốt cái khó xử đối với Hàn Quốc không phải là mối quan hệ song phương với Triều Tiên mà là chuyện giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng nếu ông Moon Jae-in cải thiện được quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên thì nước này cũng sẽ bớt khó xử đi được rất nhiều trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Cho nên khi còn vận động tranh cử, ông Moon Jae-in cam kết sẽ xem xét lại việc triển khai THAAD và sau khi đắc cử, ông tuyên bố sẵn sàng đi Triều Tiên nếu một số điều kiện nhất định được đáp ứng. Ông Moon cũng đề cập khả năng tái hoạt động khu công nghiệp Kaesong ở Triều Tiên.

Trung Quốc tỏ ra hài lòng và vui mừng vì thế. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhanh chóng gửi điện chúc mừng ông Moon Jae-in đắc cử vì Mỹ cần ổn định chính trị và xã hội ở Hàn Quốc, cần tranh thủ người mới lên cầm quyền. Và nếu tân Tổng thống có cách làm cho Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa thì cũng chỉ càng có lợi cho Mỹ.

Về bề ngoài, hiện có thể thấy người mới ở Hàn Quốc sẽ đưa lại cuộc chơi chính trị mới ở Hàn Quốc và cục diện quan hệ mới ở khu vực. Moon Jae-in từng có thời trực tiếp tham gia chính sách Ánh dương của Hàn Quốc, chương trình nhằm cải thiện quan hệ hai miền bán đảo, với những nội hàm chính là tiếp xúc trực tiếp, viện trợ và hợp tác kinh tế, thương mại với Triều Tiên.

Ở Hàn Quốc, ông Moon hiện có thiên thời và địa lợi, chỉ nhân hòa là chưa đủ, đối với việc tạo bước chuyển giai đoạn thật sự và về mọi phương diện cho Hàn Quốc.

Ở khu vực, việc tái khởi động chính sách Ánh dương sẽ không chỉ làm thay đổi mối quan hệ của nước này với Triều Tiên mà còn tác động rất sâu sắc và mạnh mẽ tới cả quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ và Trung Quốc, cũng như của Bắc Kinh, Washington với Bình Nhưỡng, thậm chí là quan hệ song phương Mỹ-Trung.

Người mới ở Hàn Quốc sẽ tự tin hơn với Mỹ, mềm dẻo hơn với Trung Quốc và linh hoạt hơn với Triều Tiên.

Vấn đề còn lại chỉ là Triều Tiên có sẵn sàng tham gia cuộc chơi mới hay không và nếu sẵn sàng thì sẽ cùng chơi đến mức độ nào.

Sự thay đổi tổng thống như thế này ở Hàn Quốc có lợi cho Triều Tiên. Vì thế, nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ bớt găng một chút và chờ đợi, vẫn dọa tiếp tục thử hạt nhân và phóng tên lửa nhưng nhiều khả năng trước mắt khích lệ chứ không làm ông Moon Jae-in khó xử thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới