Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQuốc hội Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu...

Quốc hội Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí

BienDong.Net: Khẳng định tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh rằng hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết của nhân dân hai nước.

Theo báo chí trong nước, phát biểu tại phiên bế mạc Quốc hội sáng 24/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Đến diễn đàn này, các vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam bị cộng đồng quốc tế lên án – Ảnh: Độc Lập

“Quốc hội đã ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không được tiếp tục có hành động xâm phạm chủ quyền”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.

Ngày 26/6, tại buổi tiếp xúc với các ủy viên ủy ban mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) TP. HCM, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm đề nghị cần nhìn nhận đúng đắn quan hệ giữa nước CHND Trung Hoa với Việt Nam hiện nay. VnExpress dẫn lời ông Lê Kế Lâm đặt câu hỏi: “Trung Quốc có còn là đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt và đối tác tốt nữa hay không?”.

“Chúng ta phải tìm cách để khắc phục sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Tất nhiên thoát ra thì có đau đớn nhưng thà tổn thất, đau đớn một thời gian còn hơn chúng ta bị lệ thuộc mãi”, ông Lâm nói thêm. Ông đề nghị nhà nước nên chọn cách tiếp cận tốt nhất, được lòng dân nhất để xây dựng đất nước tiến lên một cách bền vững.

Cũng bày tỏ bức xúc trước hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 và kéo thêm 4 giàn khoan ra Biển Đông, ông Huỳnh Tấn Mẫm cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới, tạo nên “sự đã rồi” mà chúng ta chỉ dừng lại ở việc phản đối thì sẽ rất khó bảo vệ chủ quyền. “Nhiều lần xem tivi thấy tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, tôi phải thét lên vì không chịu nổi”, ông Mẫm chia sẻ.

Theo ông Mẫm, kỳ họp vừa rồi Quốc hội không ra Nghị quyết về Biển Đông là một điều đáng buồn. “Tôi nghe người dân nói, Quốc hội hình như có gì đó chưa quyết liệt, trong khi nhiều nhà lãnh đạo của đất nước đã nói về vấn đề này rất mạnh mẽ”, ông Mẫm nêu và cho rằng nếu lệ thuộc Trung Quốc sẽ không thể phát triển và xây dựng kinh tế – quốc phòng vững mạnh để bảo vệ Tổ quốc.

Đồng quan điểm, kỹ sư Trần Thiện Tứ đặt câu hỏi: “Trung Quốc lấn tới mà mình cứ như vậy thì tại sao không đưa ra tòa án quốc tế”.

alt 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Tiếp nhận hàng loạt ý kiến bức xúc của các ủy viên UBMTTQ TP HCM trước tình hình chủ quyền đất nước bị xâm phạm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, đường lối đối ngoại của Việt Nam là muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, vì sự phát triển, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi.

Về việc nhiều cử tri băn khoăn vì Quốc hội không ra Nghị quyết về Biển Đông, Chủ tịch nước cho rằng khi chuẩn bị ra nghị quyết hay phán quyết mang ý nghĩa lớn, hệ trọng phải rất cẩn thận. “Cử tri hỏi có phải ta sợ hay không? Tôi khẳng định không có chuyện đó. “Chủ quyền biển đảo là vấn đề thời sự của đất nước. Dân tộc này, khi đất nước bị lăm le, đe doạ thì nhất loạt đứng lên. Người Việt khắp quả địa cầu cùng nhịp đập con tim. Đây là truyền thống 4.000 năm của Việt Nam”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.

Chủ tịch nước cũng khẳng định, biển phải giữ, Trung Quốc vi phạm thì Việt Nam đấu tranh bằng con đường ngoại giao tối đa, ngoài ra cũng phải dựa vào toàn thế giới và luật pháp quốc tế. “Đó là lẽ tất nhiên đối với sự tồn tại của một quốc gia”.

Theo ông Sang, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền cần kiên trì, bền bỉ. “Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tất nhiên, phải hết sức kiên trì và tránh để bị ai khiêu khích”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Việt Nam ký kết văn bản xác nhận tư cách Tòa Trọng tài Thường trực

 

Quang cảnh lễ ký. (Ảnh: Thống Nhất)

Trước đó, hôm 23/06/2014 Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Tổng thư ký Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) Hugo Hans Siblesz đã ký kết Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Hà Nội và định chế quốc tế này trong một động thái mà các nhà quan sát cho rằng nhằm hướng tới việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia thông qua thủ tục trọng tài.

Qua việc ký kết các văn bản trên, Việt Nam đã chính thức xác nhận tư cách pháp lý của Tòa Trọng tài Thường trực tại Việt Nam, cho phép PCA tiến hành giải quyết các tranh chấp quốc tế một cách hòa bình thông qua hoạt động trọng tài, trung gian hòa giải và điều tra.

Bên cạnh đó, PCA còn có những hỗ trợ khác liên quan đến việc hòa giải các tranh chấp quốc tế của định chế này tại Việt Nam, cũng như hợp tác với Hà Nội.

Theo cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho PCA hoạt động. Về phía PCA sẽ cung cấp các thông tin, tư vấn về các thủ tục thuộc quy trình trọng tài quốc tế, giúp đào tạo cán bộ pháp lý.

Tòa Trọng tài Thường trực là tổ chức quốc tế gồm 115 quốc gia thành viên, có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, được thành lập theo Công ước La Hay năm 1899 nhằm giải quyết các tranh chấp giữa các nhà nước, tổ chức liên chính phủ và thể nhân, kể cả tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và trên biển.

Hai ngôn ngữ chính thức là Anh và Pháp, nhưng các bên nhờ đến PCA cũng có thể thỏa thuận sử dụng một thứ tiếng khác. Việc nhờ đến PCA là một chọn lựa dựa trên các nguyên tắc chủ quyền của các Nhà nước và các bên tranh chấp đồng ý nhờ đến trọng tài, nhưng một khi đã được ra PCA thì phán quyết mang tính bắt buộc.

Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực về đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ ra, vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển, nhưng Trung Quốc từ chối tham gia.

Một vụ kiện trước đây do Tòa Trọng tài Thường trực thụ lý là vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Hà Lan và Hoa Kỳ năm 1928. Đảo này ở giữa Mindanao của Philippines và quần đảo Natusa. Tây Ban Nha đã chiếm đảo năm 1606 nhưng rời bỏ vào cuối thế kỷ 17, sau đó Hà Lan thiết lập chủ quyền tại đó. Theo Hiệp ước Paris 1898 sau chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha, Hoa Kỳ được quyền cai trị Philippines trong đó có đảo Palmas.

Tòa Trọng tài Thường trực đã quyết định đảo Palmas thuộc về Đông Ấn Hà Lan, nay là Indonesia. Quyết định này cho thấy trọng tài nghiêng về phía quốc gia chiếm hữu thực tế hòn đảo và tuyên bố chủ quyền một cách công khai, liên tục mà không có sự phản đối từ quốc gia phát hiện đầu tiên cũng như các chủ thể khác.

Việt Nam đưa xuống nước hai tàu chiến mang tên lửa

 

Một trong hai chiếc tàu tên lửa hiện đại mới được đưa xuống nước. (Ảnh: QĐND)

Việt Nam cho biết vừa cho xuống nước hai chiếc tàu chiến mang tên lửa được đóng theo công nghệ của Nga tại nhà máy đóng tàu của Tổng công ty Ba Son tại TP. HCM.

Nhiệm vụ chính của loại tàu này là tác chiến, tuần tra, bảo vệ bờ biển tại các vùng nước nông, vùng duyên hải.

Theo tổng Công ty Ba Son, đây là loại tàu tên lửa hiện đại nhất, đa năng nhất được đóng trong nước nhằm bổ sung kịp thời cho đội tàu của Quân chủng Hải quân trong kế hoạch đóng tổng cộng 10 chiếc tàu loại này.

Trước đó, vào đầu năm 2013, cặp tàu tên lửa đầu tiên có ký hiệu M1 và M2 do đơn vị này thi công cũng đã được đưa xuống nước, qua quá trình thử nghiệm đã được biên chế vào lực lượng Hải quân.

Báo Việt Nam nói là các tàu chiến này được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến, tàu vận tải, cũng như tàu đổ bộ của đối phương.

Trước sức ép ngày càng lớn của Trung Quốc ngoài Biển Đông, trong thời gian gần đây hải quân VN đã được trang bị nhiều vũ khí mới như tàu ngầm kilo, tên lửa phòng bờ biển Bastion. Các trang thiết bị này được nhập cảng từ nước Nga.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới