Chúng tôi sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, không xuất khẩu hệ giá trị cũng như mô hình phát triển của mình, đồng thời không buộc…
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 15/5 đưa tin, phát biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế “Một vành đai, một con đường” tại Bắc Kinh hôm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa nhắc lại:
Trung Quốc sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế toàn cầu. Ông Tập Cận Bình cam kết sẽ có nhiều nỗ lực mạnh mẽ bảo vệ thương mại tự do và toàn cầu hóa.
Đây cúng chính là những gì ông đã từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ hồi tháng Giêng năm nay.
Trong khi thế giới đang vật lộn với những bất ổn chính trị ở châu Âu và Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình xuất hiện một cách kiên định và tự tin hơn vào ngày hơn qua, củng cố vững chắc hơn vị trí của mình trước một cuộc cải tổ lớn về nhân sự lãnh đạo Trung Quốc vào cuối năm nay.
Diễn văn khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế về “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình viết rằng, Trung Quốc đang dẫn đầu những nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới mới rộng rãi, dựa trên mô hình mới của hợp tác cùng thắng, chứ không phải theo đuổi ngoại giao pháo hạm.
Chủ tịch Trung Quốc nói rằng:
“Chúng tôi sẽ không đi theo lối mòn của trò chơi địa chính trị trong khi thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến Một vành đai, một con đường.
Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển của mình với phần còn lại của thế giới.
Nhưng chúng tôi sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, không xuất khẩu hệ giá trị cũng như mô hình phát triển của mình, đồng thời không buộc các nước khác phải chấp nhận chúng.”.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng dành phần lớn thời lượng của bài diễn văn khai mạc để cố gắng xoa dịu những lo ngại xung quanh sự trỗi dậy về kinh tế lẫn cứng rắn về quân sự của Trung Quốc.
Ông mô tả chính sách đối ngoại của đất nước mình là “toàn diện”. [1]
Tiền đã được cam kết, lãnh đạo đã bắt tay, nhưng hoài nghi về ý đồ thực sự của Trung Quốc vẫn còn đó
Cùng tường thuật về sự kiện này, South China Morning Post ngày 14/5 bình luận: các khoản tiền đã được cam kết, những lời hứa đã được đưa ra, lãnh đạo các nước cũng đã bắt tay nhau, nhưng sự hoài nghi về “Một vành đai, một con đường” vẫn còn rất lớn.
Trong bài diền văn hôm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ nhắc lại cam kết bảo vệ toàn cầu hóa và tự do thương mại, mà còn tuyên bố Trung Quốc sẽ bơm hơn 100 tỉ USD vào quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước dọc theo “Một vành đai, một con đường”.
Trong khi các nước phát triển và khát vốn đang hoan nghênh sự “hào phóng” của Bắc Kinh, ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc đã tạo ra mối quan tâm với các cường quốc khác, ví như Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành thượng khách của ông Tập Cận Bình tại Diễn đàn quốc tế về Một vành đai, một con đường. Ảnh: AP / SCMP. |
Li Yang, một nhà kinh tế từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói với South China Morning Post: một phần của vấn đề là sự so sánh không thể tránh khỏi giữa “Một vành đai, một con đường” với Kế hoạch Marshall.
Đây là chương trình tái thiết các nước Tây Âu do Mỹ tài trợ nhằm xây dựng lại nền kinh tế các quốc gia bị tàn phá bởi Chiến tranh Thế giới II.
“Đó không phải điều Bắc Kinh muốn, nhưng sẽ ngày càng có nhiều người so sánh hai phương án này và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Bắc Kinh không có tham vọng chính trị, trong khi Kế hoạch Marshall là nhằm làm đối trọng với các nước phe chủ nghĩa xã hội”, Li Yang nói.
Sameh El-Shahat, người đứng đầu cơ quan tư vấn China-i cho rằng, thách thức lớn nhất của “Một vành đai, một con đường” là các nước dọc theo tuyến đường này hầu như “không hiểu Trung Quốc và giá trị của họ”.
“Thế giới ngày nay được tạo ra bởi các tổ chức phương Tây, như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Liên Hợp Quốc.
Và thế giới này quen thuộc với các nước thuộc địa cũ của Anh, Mỹ, nhưng lại không quen thuộc với (vai trò mới của) Trung Quốc”, El-Shahat nhận định. [2]
Cam kết bơm tiền không dễ xây dựng được lòng tin
Cá nhân người viết hoàn toàn tin rằng, phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phản ánh đúng mong muốn và nguyện vọng “đảm nhiệm vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu”.
Sức hấp dẫn từ thị trường Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc và đặc biệt là nguồn vốn giá rẻ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới là không có gì bàn cãi.
Lực hấp dẫn ấy lớn với cả Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu hay Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc chứ không riêng gì các quốc gia đang phát triển.
Tuy nhiên sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc vẫn có nhiều điều chưa rõ ràng.
Phát biểu hoặc cam kết của lãnh đạo Trung Quốc có những cái không phù hợp với thực tế. Đó là lý do chính tại sao người ta vẫn băn khoăn, nghi ngờ ý đồ thực sự của Bắc Kinh.
Người viết xin dẫn ra đây một vài thí dụ về những sự băn khoăn, nghi ngờ của các nước láng giềng với sáng kiến này của Trung Quốc.
Về cam kết bảo vệ toàn cầu hóa và tự do thương mại của Chủ tịch Tập Cận Bình, các doanh nghiệp và chính phủ Hàn Quốc có lẽ là đối tượng băn khoăn nhiều nhất.
Vì nếu thực sư tự do thương mại được Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ như Chủ tịch Tập nói, Tập đoàn Lotte đã không bị tẩy chay và thiệt hại thời gian qua vì vấn đề chính trị giữa hai nước, xoay quanh việc Hàn Quốc đồng ý lắp hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Về tuyên bố Trung Quốc không theo đuổi chính sách ngoại giao pháo hạm, thay vào đó chỉ thúc đẩy hợp tác cùng thắng, vậy 7 pháo đài quân sự khổng lồ mọc lên ở Biển Đông gây lo ngại cho các nước, Bắc Kinh sẽ giải thích ra sao?
Trung Quốc nhiều tiền, nhiều vốn, đúng! Trung Quốc giải ngân rất nhanh và không đòi kèm bất cứ điều kiện nào về nhân quyền, dân chủ như các định chế tài chính phương Tây, không sai!
Nhưng không phải ngẫu nhiên Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 28/4 đã phải thốt lên rằng:
Ông hy vọng Trung Quốc đến Indonesia trong vai trò nhà đầu tư, chứ không phải mang theo đội quân lao động tay chân vào nước này theo các dự án, để lao động phổ thông các địa phương có dự án không có việc làm. [3]
Vậy rõ ràng nguồn vốn Trung Quốc từ các định chế tài chính phục vụ “Một vành đai, một con đường” hoàn toàn không “vô tư trong sáng”.
Bắc Kinh không đòi hỏi điều kiện nhân quyền – dân chủ như phương Tây, nhưng lại buộc đối tác phải sử dụng công nghệ (lạc hậu) – công nhân (phổ thông) và nhà thầu Trung Quốc.
Lợi trước mắt là có vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng hại lâu dài mà các nước lo ngại, đó là nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ ô nhiễm, đảo lộn trật tự xã hội và không giải quyết được gì trong việc mang lại cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Chưa kể nếu nước vay vốn Trung Quốc quản lý không tốt, chuyện nhà thầu Trung Quốc đội vốn lớn, hiệu quả dự án thấp, ô nhiễm môi trường…là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trung Quốc có thể không xuất khẩu hệ giá trị hay mô hình phát triển “cứng” sang các nước, nhưng xuất khẩu “sức mạnh mềm”, “ảnh hưởng mềm” thì hoàn toàn có.
Campuchia đang là ví dụ điển hình cho ảnh hưởng mềm, sức mạnh mềm của Trung Quốc, như tường thuật trên Asia Times ngày 13/5.
Người viết cho rằng, lòng tin là cái xây thì rất khó, rất lâu, rất mất công mất sức, mà phá thì rất dễ, rất nhanh, chả tốn giọt mồ hôi.
Cho dù là trong quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, hay giữa hai cộng đồng, hai quốc gia dân tộc, quy luật của lòng tin cũng vẫn vậy, không có gì khác.
Vì thế, nếu Trung Quốc thực sự muốn có được lòng tin, nhất là từ các quốc gia láng giềng, thiện chí của họ phải được thể hiện bằng hành động, thông qua kết quả hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Không phải chỉ cần những lời có cánh và chìa ra túi tiền là xây dựng được lòng tin, mặc dù túi tiền hé mở với những lời ngọt ngào luôn luôn có sức hấp dẫn.