Chiến lược “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình và ảnh hưởng của nó với khu vực. Trung Quốc, một siêu cường mới đang xuất hiện theo đúng cách tương tự Hoa Kỳ. Thời điểm hiện nay, mơ hồ với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ là cực kỳ sai lầm
‘Một vành đai, một con đường’ thách thức trật tự do Mỹ lãnh đạo
Ảnh hưởng và sự can thiệp của Trung Quốc với các nước
Trong Chiến tranh Thế giới II, Mỹ là lực lượng mạnh nhất trong khối Đồng minh đánh bại phát xít Đức và Đế quốc Nhật. Sau chiến tranh, Mỹ sử dụng hàng tỉ USD để giúp châu Âu tái thiết sau những tàn phá khủng khiếp, đồng thời nhằm mục đích kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô. Sự xuất hiện của Trung Quốc với vai trò siêu cường toàn cầu mới chính là một bản sao con đường thành siêu cường số 1 của Washington.
Bằng cách chi tiêu hàng tỉ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn bộ vùng đất rộng lớn ở châu Á, Bắc Kinh hy vọng sẽ kiểm tra ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vốn được coi là thách thức sâu sắc với trật tự toàn cầu hiện nay. Thời điểm ông Tập Cận Bình lần đầu tiên phát biểu về sáng kiến Một vành đai, một con đường khi đến thăm Trung Á vào năm 2013, nhiều nhà quan sát đã tỏ ra nghi ngờ.
Ngày 14/5, Bắc Kinh đã quy tụ được lãnh đạo từ 28 quốc gia đến tham dự hội nghị quốc tế quảng bá cho ý đồ chiến lược này, trong đó có Tổng thống Hy Lạp, người rất ca ngợi Trung Quốc vì quyết định đầu tư vào cảng chiến lược Piraeus.
Đồng thời Bắc Kinh cũng ngày càng khẳng định sự can thiệp của mình trong việc bắt hồi hương công dân của mình từ các nước thứ ba, như đã từng thấy trong trường hợp khoảng 100 người Duy Ngô Nhĩ trốn qua Thái Lan năm 2015.
Việc đầu tư kinh tế theo “sáng kiến Một vành đai, một con đường” thường đi kèm các hoạt động viện trợ quân sự và hợp tác song phương ở Đông Nam Á. Tại Philippines, Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ nước này chống cướp biển ở biển Sulu.
Ở Campuchia cho thấy rằng quyết định của Phnom Penh mới đây chấm dứt tập trận chung với Mỹ là hệ quả của việc tăng viện trợ và hợp tác quân sự từ Trung Quốc.
Tất cả điều này làm cho “Một vành đai, một con đường” trông giống như một “chiếc xe thùng” chở lợi ích chiến lược của Trung Quốc.
Mặc dù cũng có người lập luận rằng, “Một vành đai, một con đường” chủ yếu là sáng kiến kinh tế, Bắc Kinh muốn củng cố vị thế của mình trong trung tâm chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Những quan điểm này cho rằng, “Một vành đai, một con đường” là chìa khóa cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trong những thập kỷ tới. Nhưng không ít nhà phê bình khác cảnh báo, có rất nhiều các dự án đầu tư trong khoảng kinh phí Trung Quốc dự tính lên tới 500 tỉ USD có thể sẽ bị lãng phí bởi công suất và hiệu quả thấp.
Các nhà đầu tư và phát triển Trung Quốc cũng phải chấp nhận các khó khăn tương tự như đồng nghiệp của mình từ các nước khác. Ví dụ như sự không chắc chắn trong chính sách khai khoáng của Indonesia, vấn đề chống phân biệt chủng tộc trong chính sách kinh tế mới của Malaysia;
Hay việc nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt ở Thái Lan đã phải vật lộn với các điều khoản đầu tư tài chính và hạn chế với quyền sở hữu đất đai của nước sở tại.
Nhưng dù sao đi nữa, tốc độ và mức độ cam kết của Trung Quốc trong việc triển khai chiến lược “Một vành đai, một con đường” đã khiến nhiều nước trong khu vực lo lắng.
Nhiều người sẽ tự hỏi, quốc gia mình nên liên kết và phối hợp chiến lược phát triển của mình với chiến lược này của Trung Quốc ở mức độ nào? Trong khi trên thực tế, sự thâu tóm của Trung Quốc đã xảy ra.
Các nước trong khu vực cũng sẽ rất khó cưỡng lại chiến lược “Một vành đai, một con đường”, khi Liên minh châu Âu – đối tác thương mại lớn của họ cũng phải tập trung tầm nhìn vào Trung Quốc, khớp nối với “Một vành đai, một con đường”.
Nhật Bản có thể tập trung hơn vào khu vực, nhưng lại thiếu nguồn lực tài chính.
Mỹ có khả năng lớn nhất trong việc triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực, nhưng thiếu chiều sâu và hạn mức ngân sách quốc phòng để mở rộng sự hiện diện khắp châu Á.
Do đó, chống lại “Một vành đai, một con đường” là vô ích.
Tốt hơn hết là các đối tác trong khu vực nên hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để phát huy tối đa các lợi thế, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro.
Lợi thế chủ yếu nằm ở sự sẵn sàng của Trung Quốc để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản như giao thông đường bộ, đường sắt hay sản xuất điện.
Rủi ro chủ yếu là các dự án sử dụng vốn Trung Quốc luôn đi kèm với chuỗi hệ lụy: phải nhận lao động (tay chân) Trung Quốc, gây xáo trộn xã hội và xâm nhập kinh tế (cả công nghệ lạc hậu và ô nhiễm cùng các nhà thầu chuyên đội vốn).
Để quản lý những rủi ro này, chính phủ các nước đối tác của “Một vành đai, một con đường” phải tập trung vào các điều khoản đảm bảo sự minh bạch và công bằng.
Trung Quốc vẫn quảng cáo “Một vành đai, một con đường” là sáng kiến phát triển kinh tế “hài hòa và toàn diện”.
Nhưng cũng giống như Mỹ đã từng dùng các chương trình viện trợ để truyền bá ảnh hưởng chính trị của mình ở Đông Nam Á nửa thế kỷ trước, luôn có lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng “Một vành đai, một con đường” để thúc đẩy tham vọng của ông Tập Cận Bình:
Trở thành người xây dựng trật tự toàn cầu mới, thiết lập các luật chơi mới và các “trạng thái bình thường mới” có lợi cho Trung Quốc.
Mơ hồ với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ là sai lầm
Chiến lược ngoại giao khéo léo của Tổng thống Rodrigo Duterte trong quan hệ với 2 siêu cường Trung – Mỹ để tối đa hóa lợi ích cho Philippines. Có lúc những sự kiện khiến người ta đặt câu hỏi, phải chăng ông Rodrigo Duterte là một “con rối” của Trung Quốc? nhưng đó chỉ là cái mẹo của ông Duterte thôi.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 bế mạc tại Manila hôm 29/4, ông Duterte ra tuyên bố của nước Chủ tịch ASEAN mà không nhắc gì đến việc Trung Quốc quân sự hóa 7 đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông, cũng không nhắc đến Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.
Hai hôm sau, ông trải thảm đỏ đón 3 chiếm hạm Trung Quốc đến thăm thành phố quê hương mình, Davao, một vinh dự ông chưa từng dành cho bất kỳ hải quân quốc gia nào, kể cả tàu Nga khi sang thăm.
Thời gian trước, ông Duterte hủy bỏ kế hoạch thăm đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). Ngày Chủ nhật, 14/5 ông Duterte đã đến Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” do ông Tập Cận Bình tổ chức. Tất cả những động thái này khiến một số người cho rằng, ông Rodrigo Duterte đang “khấu đầu” trước Trung Nam Hải. Nhưng điều này không đúng.
Rodrigo Duterte đã mang về được nhiều thứ từ Trung Quốc trong khi ông cũng phải cho đi.
Tổng thống Philippines đã giành được những nhượng bộ của Bắc Kinh mà người tiền nhiệm Benigno Aquino III không thể có, sau khi khởi xướng vụ kiện trọng tài quật ngã yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sau 5 năm ngư dân Philippines lại có thể quay trở lại đánh bắt trên bãi cạn Scarborough mà không bị xua đuổi bởi vòi rồng, đâm húc, thậm chí là uy hiếp bằng súng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.
Trong vài tuần tới, quân đội Philippines sẽ bắt đầu cải tạo đường băng và xây dựng cầu cảng mới, cảng cá và doanh trại trên đảo Thị Tứ, trong khi Trung Quốc đã và cho đến giờ vẫn thường quấy rối Philippines trên cung đường ra các điểm nước này đóng quân ở Trường Sa.
Ông Duterte mang về từ Trung Quốc cam kết đầu tư và viện trợ tổng trị giá hơn 24 tỉ USD sau chuyến thăm năm ngoái. Rodrigo Duterte đã rất kiên định với chính sách đối ngoại của mình khi tin rằng, Philippines đã dạt về phía Mỹ quá nhiều, và cần phải đưa đất nước mình trở về trung điểm, giữ đều khoảng cách với cả Bắc Kinh và Washington.
Mặc dù Duterte phát triển quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc, nhưng không có bất kỳ thay đổi căn bản nào trong quan hệ với Hoa Kỳ. Ông có thể nhiếc móc Mỹ là “quốc gia của bọn đạo đức giả” hay phàn nàn về sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước mình, nhưng ông không đả động gì đến thỏa thuận quốc phòng song phương. Đây lá lỳ do tại sao Washington không mất ngủ vì ông Duterte, hoặc ít nhất là chưa.
Thậm chí ông Duterte có thể chỉnh đốn mối quan hệ này mà không sợ một cuộc tranh cãi nảy lửa ở Thượng viện, nơi sự kiểm soát của ông rất mong manh. Duterte cũng không khiến dân chúng bị kích động vì cải thiện quan hệ với Trung Quốc, mặc dù chủ yếu dân Philippines ủng hộ Mỹ.
Đó là lý do tại sao, cho dù Rodrigo Duterte nói nhiều điều gay gắt, thậm chí rất khó nghe về Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và các tướng lĩnh dưới quyền ông, ngay sau đó sẽ giải thích lại những gì ông vừa nói. Cả Donald Trump lẫn Tập Cận Bình đều đã điện đàm với ông để trao đổi về bế tắc trên bán đảo Triều Tiên, nơi Philippines chưa bao giờ từng có vai trò quan trọng.
Đây là thước đo về hiệu quả trong chính sách đối ngoại của ông.
Bất chấp những tiếng nói chỉ trích ông về chiến dịch chống ma túy từ chính giới Hoa Kỳ, sự thừa nhận của Nhà Trắng với phát biểu ủng hộ Duterte trong cuộc chiến này từ Donald Trump hay Rex Tillerson đang là một chiến thắng với ông chủ Điện Manacanang.
Trên đây là những góc nhìn khá đa chiều và sắc sảo, phản ánh những nhận thức đa dạng, đánh giá phân tích khách quan và bám sát hiện thực, về cạnh tranh chiến lược giữa 2 siêu cường Trung – Mỹ cũng như tác động, ảnh hưởng tới các nước nhỏ.
Người viết nhận thấy rằng, ngay trong lòng nước Mỹ, người Mỹ cũng chưa chắc hiểu hết được ý đồ thực sự của Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại, thể hiện rõ qua sự lo lắng của phóng viên Javier C. Hernández báo The New York Times.
Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, Tổng thống Rodrigo Duterte lại cho thấy ông thực sự hiểu rất rõ Hoa Kỳ và Trung Quốc, khó khăn, vị thế cũng như cơ hội của đất nước mình trong bối cảnh 2 siêu cường cạnh tranh gay gắt ảnh hưởng của họ trên Biển Đông nói chung, với Philippines nói riêng.
Ở hai đầu Nam – Bắc khu vực Đông Á, Rodrigo Duterte và Kim Jong-un là hai nhà lãnh đạo được nhiều người xem là “bất thường”, là đối tượng thường bị truyền thông nước ngoài chỉ trích.
Nhưng chính hai vị này đang cho thấy bản lĩnh và nhận định sắc sảo của mình, cũng như những phản ứng chiến lược với Hoa Kỳ, Trung Quốc để bảo vệ, tối đa hóa lợi ích quốc gia, giảm thiểu hết khả năng có thể các tác động tiêu cực trên bàn cờ địa chính trị của các siêu cường với đất nước mình.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam ở thời điểm hiện nay.
Về mặt trái của Một vành đai, một con đường không thể không nghiên cứu kỹ, nếu muốn tránh những chuyện buồn liên miên về nhà thầu Trung Quốc. Né tránh hiện thực về sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, một xu thế rất khó, nếu không muốn nói là không thể đảo ngược, ngay cả với Hoa Kỳ.
Nhưng đồng thời ông cũng chỉ ra những cơ hội và cách các nước nhỏ vượt qua thách thức, đó là tự mình phải xây dựng được hàng rào bảo vệ mình bằng sự minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quan hệ với các siêu cường, nhất là Trung Quốc.