Bản tin Biển Đông ngày 22/05/2017.
Trung Quốc chủ động công bố về tiến triển trong xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Tờ Times of India đưa tin, ngày 19/5, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố Trung Quốc đã đạt được thoả thuận với 10 nước ASEAN về dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trước khi hình thành một “nền tảng vững chắc” cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa các bên. Ông Lưu cũng tiết lộ rằng nội dung bộ khung COC sẽ được giữ bí mật và không công bố thời điểm hoàn tất COC.
Tổng thống Philippines: Chủ tịch Trung Quốc dọa sẽ khơi mào chiến tranh ở Biển Đông
Ngày 21/5, tờ Taipei Times đưa tin, ngày 19/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Tập đã lớn tiếng đe dọa sẽ phát động chiến tranh với Philippines khi Tổng thống Duterte đã thẳng thắn đề cập đến việc sẽ tiến hành khoan dầu khí ở Biển Đông và Phán quyết vụ kiện Trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chưa có bình luận nào về thông tin mà ông Duterte đưa ra. Thông tin này có thể được xem là cú sốc lớn đối với dư luận quốc tế đang theo sát tiến trình đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc trong thời điểm hiện nay, bởi lẽ các quan chức của hai phía đã nhất trí thảo luận về “các cách tiếp cận hai bên có thể cùng chấp nhận được” đối với vấn đề Biển Đông trong suốt thời gian diễn ra cuộc tham vấn song phương tại Quý Dương, Trung Quốc, theo như nội dung tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra. Hai bên cũng đều đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc giải quyết các bất đồng và tranh chấp một cách thỏa đáng.
Liệu Lầu Năm góc có phản ứng trước việc Truyền thông Trung Quốc đưa tin đồn về việc lắp đặt hệ thống tên lửa ở Biển Đông?
Ngày 20/5, trang Scout Warrior đăng bài viết “Liệu Lầu Năm góc có phản ứng trước việc truyền thông Trung Quốc đưa tin về việc lắp đặt hệ thống tên lửa ở Biển Đông?”. Liên quan đến thông tin do tạp chí Defense Times của Trung Quốc tiết lộ ngày 19/5 rằng Bắc Kinh mới đây đã lắp đặt các hệ thống tên lửa chống người nhái Norinco CS/AR-1 55 mm trên Đá Chữ Thập ở Trường Sa, mặc dù các quan chức Lầu Năm góc tỏ ra không muốn đưa ra bình luận cụ thể về thông tin liên quan đến các vấn đề tình báo này song Tư lệnh Gary Ross, Phát ngôn viên Lầu Năm góc đã khẳng định với Scout rằng quân đội Mỹ “đang theo dõi chặt chẽ khu vực này”. Hành động đưa tên lửa đất đối không của Trung Quốc trên các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông đã làm leo thang căng thẳng và khiến các nhà hoạch định của Lầu Năm góc tính toán nhiều biện pháp khác nhau.
Tình hình căng thẳng không có dấu hiệu chấm dứt ở Biển Đông đã thúc đẩy các nhà hoạch định và chiến lược gia của Quân đội và Lầu Năm góc Mỹ tính đến biện pháp triển khai các loại vũ khí hiện có theo các phương thức mới trên phạm vi toàn cầu, trong đó có việc lắp đặt các đơn vị pháo binh di động trên các khu vực ở Biển Đông hoạt động như các hệ thống phòng không để đánh bật các tên lửa và tên lửa hành trình, kể cả các loại vũ khí của Trung Quốc ở khu vực. Đồng thời, Mỹ cũng có thể sẽ triển khai một hệ thống vũ khí đã từng được sử dụng cho các cuộc tấn công trên bộ, chẳng hạn như M777 Howitzer hay Paladin có thể có tầm bắn 155 m. Scout đáng giá, khả năng sử dụng các vũ khí hiện có theo phương thức mới hoàn toàn phù hợp với một cơ quan hiện nay của Lầu Năm góc mới được công bố vào năm 2016 – Cơ quan Năng lực Chiến lược (Strategic Capabilities Office – SCO) có nhiệm vụ sử dụng và nâng cấp các loại vũ khí hiện có để phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Các quan chức cấp cao của Quân đội Mỹ nhận định SCO có vai trò quan trọng trong việc cung cấp một “khung khái niệm” để lên kế hoạch triển khai hệ thống vũ khí mới trên nhiều vị trí khác nhau ở khu vực Thái Bình Dương. Khả năng triển khai các loại vũ khí pháo binh Paladin ở Biển Đông cũng sẽ nằm một phần trong quá trình thực hiện kế hoạch này. Động thái này sẽ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Mỹ vì Mỹ không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông. Trong khi các quan chức Lầu Năm góc không chính thức xác nhận khả năng hợp tác với các đồng minh về kế hoạch này ở Biển Đông, các quan chức này vẫn khẳng định Mỹ đang tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các đồng minh ở khu vực. Trên thực tế, Lầu Năm góc đang tăng cường hỗ trợ trong huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương bao gồm Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan qua Sáng kiến An ninh Biển Đông Nam Á 2016.
Trước hành động bồi đắp đảo của Trung Quốc ở khu vực thể hiện rõ tham vọng tăng cường và củng cố các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, các quan chức Lầu Năm góc đã nhấn mạnh các lực lượng quân sự của Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận tự do hàng hải trên biển và trên không trong phạm vi mong muốn phù hợp với luật quốc tế. Nhiều quan chức hải quân Mỹ đã tiết lộ với Scout Warrior rằng nước này có thể sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc tập trận tự do hàng hải trong thời gian tới.
Tin từ Điện Malacanang (Phủ Tổng thống Philippines): Đừng đổ lỗi cho Tổng thống Duterte vì hành động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc
Ngày 21/5, trang Inquirer đưa tin, ngày 20/5, liên quan đến những chỉ trích nhằm vào Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vì “ông đã tạo điều kiện cho các hoạt động bồi đắp đảo tiếp diễn thông qua việc tránh không đề cập đến các hoạt động này vào Tuyên bố Chủ tịch ASEAN 2017”, nguồn tin từ Điện Malacanang đã khẳng định rõ rằng việc Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông “đã có từ trước nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte”. Cụ thể, ông Ernesto Abella, Phát ngôn viên của Tổng thống nhấn mạnh rằng ông Duterte không phải chịu trách nhiệm về những hành động này của phía Trung Quốc và kêu gọi dư luận không nên đổ lỗi cho Tổng thống. Ông Abella cũng cho biết Tổng thống Duterte “hiện đang giải quyết với Trung Quốc theo hai con đường: một là thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư lành mạnh với nước này và hai là nỗ lực đảm bảo không để các quyền của Philippines ở Biển Đông không bị tổn hại, đặc biệt là với việc mở ra cơ chế tham vấn song phương hiện nay”.
Khả năng triển khai Hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông
Ngày 21/5, trang The American Interest đăng bài “Khả năng triển khai Hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông” nhận định về một bài viết gần đây trên tạp chí Foreign Affairs của Mira Rapp-Hooper và Charles Edel phân tích về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa hề thực hiện bất cứ FONOPs nào ở Biển Đông dù trước đây đã từng chỉ trích rất mạnh mẽ “các tiền đồn quân sự” của Trung Quốc ở khu vực. Hai tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến hệ quả của việc này, cho rằng nếu Chính quyền Tổng thống Trump thực sự “gỡ bỏ áp lực” đối với Trung Quốc chỉ vì muốn tác động tới Bắc Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân thì đó sẽ là một cách tiếp cận “cực kỳ sai lầm” bởi lẽ vốn dĩ Trung Quốc đã là nước viện trợ kinh tế lớn nhất cho Bắc Triều Tiên và Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ lợi ích của mình trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên chỉ vì Mỹ không còn giữ lợi ích ở Biển Đông. Thậm chí, nếu dừng FONOPs, đó sẽ là một động thái “thiếu suy nghĩ” mà phải đánh đổi bằng lợi ích của nước Mỹ. Bởi lẽ điều này sẽ khiến dư luận quốc tế đặt dấu hỏi về cam kết của Washington đối với luật pháp quốc tế cũng như uy tín đối với các nước láng giềng bên cạnh Trung Quốc. The American Interest nhận định, bài viết trên của Mira Rapp-Hooper và Charles Edel cho thấy việc tái khởi động FONOPs sẽ không giải quyết ngay lập tức vấn đề nhưng nhất định sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho Mỹ.
Chuyên gia Trung Quốc vô cớ chỉ trích các hành động của Ấn Độ về “mối đe dọa Trung Hoa” về các cuộc tập trận chung
Ngày 21/5, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, liên quan đến các cuộc tập trận hải quân chung SIMBEX gần đây giữa Ấn Độ và Singapore ở Biển Đông và tham gia các dự án cơ sở hạ tầng với Nhật Bản, các học giả Trung Quốc đã vô cớ cáo buộc hoạt động này là “cách phản ứng của New Delhi đối với các hoạt động quân sự của Trung Quốc và Sáng kiến Một Con đường, Một Vành đai đang phát triển rực rỡ của nước này”, “nhằm vào các tàu ngầm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương” bất chấp hãng tin Trust of India đã thông báo rõ ràng mục đích của SIMBEX là nhằm nâng cao khả năng tương tác giữa lực lượng hải quân của hai nước.
Tổng thống Indonesia trực tiếp giám sát cuộc diễn tập quân sự ở quần đảo Natuna
Ngày 21/5, tạp chí The Straits Times đưa tin, nagafy 19/5, lần thứ hai sau 7 tháng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trực tiếp giám sát một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn tại quần đảo Natuna trên Biển Đông, khu vực đã nhiều lần diễn ra va chạm giữa các cơ quan biển của Indonesia với các tàu thuyền của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, cuộc tập trận là nhằm thể hiện “sự sẵn sàng” của quân đội nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia. The Straits Times cho biết, cuộc diễn tập này có quy mô còn lớn hơn cuộc diễn tập gần đây nhất của không lực Indonesia vào tháng 10/2016, với 5.900 đội quân đến từ Đội Phản ứng nhanh của Quân đội Indonesia.
Trung Quốc và Philippines thành lập cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông
Tân Hoa xã đưa tin, ngày 19/5, Trung Quốc và Philippines đã xác nhận về việc thành lập cơ chế tham vấn song phương hai lần một năm(BCM) về vấn đề Biển Đông trong thông cáo báo chí sau cuộc họp đầu tiên giữa hai bên trong vấn đề này. Theo cơ chế BCM, quan chức của Bộ Ngoại giao và các cơ quan biển của hai bên sẽ có cuộc gặp luân phiên tại Trung Quốc và Philippines 6 tháng 1 lần. Thông cáo cho hay hai bên đã đạt được đồng thuận về việc thành lập BCM tại các cuộc tham vấn giữa Bộ Ngoại giao hai nước từ hồi tháng 1 năm nay. Tân Hoa xã cho biết, theo nội dung Thông cáo, cuộc họp thứ hai của BCM sẽ được tổ chức tại Philippines trong nửa cuối năm 2017.
Hải quân Trung Quốc và Myanmar tiến hành tập trận chung
Ngày 21/5, trang China.com đưa tin, ngày 20/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định các tàu hải quân của Trung Quốc đang chuẩn bị ghé thăm Myanmar và hải quân hai bên sẽ tiến hành các hoạt động trao đổi, tìm kiếm cứu nạn và các hoạt động diễn tập chung khác. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho hay các tàu của Trung Quốc đã tới Yangon, Myanmar vào ngày 18/5 để bắt đầu chuyến thăm 4 ngày. Theo nguồn tin, các tàu tham gia tập trận bao gồm tàu khu trục tên lửa Changchun, Jingzhou và tàu hậu cần Chaohu của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đáng chú ý, chuyến thăm này được bắt đầu đúng vào ngày Trung Quốc và ASEAN nhất trí về khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Thông cáo Báo chí về Cuộc họp đầu tiên của Cơ chế Tham vấn Song phương Trung Quốc – Philippines về vấn đề Biển Đông
Tân Hoa xã dẫn nội dung Thông cáo Báo chí Cuộc họp đầu tiên của Cơ chế Tham vấn Song phương Philippines – Trung Quốc (BCM) về vấn đề Biển Đông ngày 19/5 ở Quý Dương, Trung Quốc. Thông cáo Báo chí cho hay, Trung Quốc và Philippines đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến Biển Đông một cách “thẳng thắn, sâu sắc và hữu nghị”, tái khẳng định “các cam kết hợp tác” và tìm cách “tăng cường lòng tin chung”. Thông cáo nhấn mạnh, căn cứ vào Tuyên bố chung giữa Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc và Cộng hoà Philippines được đưa ra vào tháng 10 năm 2016, hai bên đã nhất trí tiếp tục các cuộc thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và thực hiện tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động ở Biển Đông làm phức tạp hay leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí về việc thăm dò các khu vực hợp tác. Đồng thời, tại các cuộc tham vấn song phương giữa Bộ Ngoại giao hai nước hồi tháng 1 năm 2017, hai bên đã quyết định thành lập BCM và đạt được sự đồng thuận sơ bộ về Các điều khoản Tham chiếu (TOR) của BCM mà hai bên nhất trí ghi nhận là “nền tảng” của các biện pháp xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác và an ninh biển. Thông cáo cho biết, hai bên đã trao đổi về kinh nghiệm của mỗi bên trong vấn đề Biển Đông, về quan điểm trong các vấn đề mỗi bên quan tâm và nhất trí thảo luận về các “cách tiếp cận hai bên có thể chấp nhận được” để xử lý các vấn đề này. Hai bên cũng sẽ tổ chức thảo luận về các vấn đề bao gồm thúc đẩy hợp tác biển sắp tới và thành lập các nhóm công tác kỹ thuật liên quan. Bên cạnh đó, Thông cáo cho biết hai bên đã thảo luận về tầm quan trọng của việc giải toả những lo ngại ở Biển Đông và giải quyết các tranh chấp và bất đồng ở Biển Đông một cách phù hợp. Thông cáo nhấn mạnh, các cuộc thảo luận phù hợp với Tuyên bố tháng 10/2016 về duy trì và thúc đẩy hoà bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị bởi các quốc gia có liên quan trực tiếp, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.
Malaysia kỳ vọng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ sớm được hoàn thiện
Ngày 21/5, trang The Star đưa tin, tại hội nghị thường niên quốc tế Toast-masters, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman đã bày tỏ hy vọng rằng các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc có thể hoàn tất khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào cuối năm, khẳng định các bên đã đạt được kết quả khả quan. Ông cho hay, “dù COC không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng văn kiện này vẫn sẽ định hướng cho hoà bình và an ninh của các bên liên quan”. Ông Anifah cũng cho biết khung COC sẽ được công khai khi hoàn tất.
Quan chức Đài Loan kiên quyết khẳng định vai trò của Đài Loan trong các cuộc đàm phán về vấn đề Biển Đông
Ngày 22/5, The Taipei Times đưa tin, ngày 19/5, đại diện của Đài Loan tại Philippines Gary Lin đưa ra phát biểu rằng Đài Loan sẽ không bao giờ bị “bỏ lại” trong các cuộc đàm phán của ASEAN liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông Lin cho hay, tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết một cách hoà bình và một cuộc thảo luận về phát triển và thăm dò chung ở khu vực cần có sự góp mặt của Đài Loan nhằm tái khẳng định chủ quyền của Đài Loan đối với các đảo ở Biển Đông. Bên cạnh đó, ông khẳng định Trung Quốc không bao giờ có quyền đại diện Đài Loan trong các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh, Đài Loan sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại với các quốc gia khác trên cơ sở bình đẳng nhằm thúc đẩy hoà bình và ổn định ở khu vực.