Bản tin Biển Đông ngày 30/05/2017.
Thượng Nghị sỹ John McCain hối thúc các đồng minh của Mỹ thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với các cấu trúc ở Biển Đông
Ngày 30/5, tạp chí The Australian cho biết, trong buổi phỏng vấn với báo chí khi tới Úc, Thượng Nghị sỹ Đảng Cộng Hòa John McCain đã lên tiếng hối thúc Úc và các đồng minh khác ở Châu Á cùng với Mỹ thách thức các yêu sách của Trung Quốc đối với các cấu trúc trên Biển Đông. Ông McCain cho hay những hành động mà Mỹ và các đồng minh đã thực hiện trước đây là “chưa đủ” để ngăn chặn chiến dịch bồi đắp đảo của Trung Quốc ở khu vực mà Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông đã kết luận là “hành vi bất hợp pháp”. Do đó, khi được hỏi về khả năng các đồng minh của Mỹ, trong đó có Úc, cần tham gia vào các cuộc diễn tập trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép để thực thi Phán quyết Trọng tài, Thượng Nghị sỹ McCain khẳng định các bên “cần tiến hành các cuộc tuần tra, tập trận quân sự chung từ tìm kiếm cứu nạn đến các cuộc diễn tập khác, mang tính chất thường xuyên nhưng sẽ không thực hiện theo phương thức “đe dọa””. Ông nhấn mạnh, tự do hàng hải là một “nguyên tắc cơ bản” trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ, đồng thời hoan nghênh việc tập hợp các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ nhằm kiềm chế hành vi của Trung Quốc ở khu vực.
Bắc Kinh lớn tiếng yêu cầu Nhật Bản “cẩn trọng hơn” trong các phát biểu về vấn đề Biển Đông
Ngày 30/5, trang Sputnik News cho biết, theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 29/5, tại cuộc gặp với ông Shotaro Yachi, người đứng đầu Ban Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản trong khuôn khổ vòng 4 Đối thoại chính trị cấp cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Ủy viên Quốc Vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã yêu cầu Nhật Bản “cẩn trọng trong các phát ngôn và hành động liên quan đến vấn đề Biển Đông”, “Nhật Bản cần đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến các bên liên quan trong khu vực”.
Triều Tiên đang giúp Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 30/5, trang Quartz đăng bài viết “Dù biết hay không biết, Triều Tiên đang giúp Trung Quốc ở Biển Đông”. Theo đó, tác giả bài viết cho rằng, sự quan tâm của thế giới đối với vấn đề Biển Đông đang bị giảm sút do Triều Tiên lại tiếp tục tiến hành thử tên lửa. Tuy Trung Quốc không ưa gì Triều Tiên, nhưng với hành động này của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh lại được dịp hả hê vì đã đạt được mục đích làm chìm vấn đề Biển Đông.
Bài viết đề cập đến phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ James Mattis ngày 28/5 vừa qua, coi Triều Tiên là “mối đe dọa trực tiếp” đối với Mỹ, trong khi không hề nhắc một chút gì đến vấn đề Biển Đông. Đáng ngạc nhiên là phát biểu này chỉ diễn ra 4 ngày sau khi Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Trump cũng từng cho thấy Mỹ đang dồn sự quan tâm vào Triều Tiên, “sẵn sàng mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác, để đổi lại sự giúp đỡ trong vấn đề Triều Tiên”. Và logic này cũng được áp dụng đối với vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố các công trình quân sự trên biển, đồng thời cảnh báo các quốc gia khác trong việc thách thức lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Với thủ thuật lợi dụng từng chút lợi thế đủ nhỏ để tránh những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, mà hiện nay là hướng sự chú ý của thế giới đến vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu của mình ở Biển Đông.