Tuesday, December 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửCái tết cuối cùng của Mao Trạch Đông: Cô độc một mình,...

Cái tết cuối cùng của Mao Trạch Đông: Cô độc một mình, không người thân và khách khứa

Đêm giao thừa nhưng trong phòng Mao Trạch Đông cũng chỉ có ánh đèn leo lét, không người thân hay khách khứa đến thăm nom. Bên cạnh ông chỉ còn vài nhân viên thư ký thân tín.

Cái tết với hoàng đế cuối cùng

Tết năm 1962, Mao Trạch Đông đặc biệt mời vị hoàng đế cuối cùng triều Thanh – Phổ Nghi và bốn người trong nhóm của Chương Sĩ Chiêu – Ủy viên Ủy ban thường vụ nhân đại toàn quốc Trung Quốc, người cùng quê Hồ Nam với Mao tới Di Niên đường trong Trung Nam Hải tham dự tiệc tất niên.

Khoảng 8 sáng, khi quan khách tề tựu đông đủ, Mao Trạch Đông mới bất ngờ giới thiệu về vị khách đặc biệt kia.

“Đây là vị khách vô cùng đặc biệt, các đồng chí đều biết ông ấy. Nhưng chúng ta cũng nên nhiệt liệt chào đón, ông ấy là cấp trên cao nhất của các đồng chí”, Mao Trạch Đông vừa hút thuốc vừa nói với giọng điệu thần bí.

Trong khi mọi người đang phỏng đoán, một người đàn ông với dáng người cao gầy, khoảng hơn 50 tuổi, mặt niềm nở đi theo sự hướng dẫn của nhân viên phục vụ, nhẹ nhàng bước vào.

Mao hồ hởi bắt tay, mời vị khách ngồi bên cạnh mình và dùng giọng Thiều Sơn (giọng địa phương Hồ Nam) giới thiệu với nhóm Chương Sĩ Chiêu: “Các vị không nhận ra sao, ông ấy là hoàng đế Tuyên Thống! Chúng ta đều từng là thần dân của ông ấy thì không phảu là cấp trên cao nhất sao?”. Lúc này, nhóm của Chương mới hiểu ra.

Năm 1962 do kinh tế khó khăn nên bữa tiệc tất niên năm đó chỉ có vài đĩa mướp đắng xào ớt, đậu phụ lên men, bánh bao và rượu nho.

Nhân dân nhật báo cho biết, khi đó, Mao Trạch Đông vừa ăn vừa nói với Phổ Nghi rằng: “Người Hồ Nam chúng tôi thích ăn nhất là ớt cay, không có ớt không ăn được cơm”.

Liền đó, Mao chỉ vào Cừu Ngao và Trình Tiềm – một trong số bốn người nhóm Chương Sĩ Chiêu, nói rằng: “Vị cay của họ là nồng nhất, họ không chịu an phận thủ thường làm lương dân của ông nên đã tạo phản làm nên cách mạng Tân Hợi, lật đổ ông có đúng không?”. Phổ Nghi lúc này cười trừ đáp lễ.

Sau bữa tiệc, Mao Trạch Đông, Phổ Nghi và các quan khách cùng chụp ảnh, thấy Phổ Nghi đứng bên trái mình, Mao vui vẻ nói: “Thượng khách nên đứng ở bên phải”. Chương Sĩ Chiêu nhân đó đáp lời: “Đây gọi là nguyên thủ khai quốc và hoàng đế cuối cùng”.

10 cái tết “trả nợ” liên tiếp

Đầu năm 1963, Mao Trạch Đông nói với Chương Hàm Chi – con gái Chương Sĩ Chiêu đồng thời là “cô giáo tiếng Anh” của ông rằng: “Ta vẫn còn nợ cha cháu một khoản tiền chưa trả”.

Theo lời Mao Trạch Đông, vào năm 1920, ông cần số tiền rất lớn để chuẩn bị cho kế hoạch thành lập đảng cộng sản Trung Quốc. Ở Thượng Hải lúc này, Mao đành phải hỏi mượn 20.000 Nhân dân tệ của người đồng hương Chương Sĩ Chiêu.

Tuy nhiên do thời cuộc, hai ông mất liên lạc từ đó và phải đến khi chiến tranh Trung-Nhật kết thúc (năm 1945), các ông mới gặp lại nhau tại Trùng Khánh. Lúc này, Mao mới nhắc lại “món nợ cũ” và gửi lời cảm ơn Chương.

Sau câu chuyện với Chương Hàm Chi, Mao Trạch Đông quyết định, kể từ tết 1963, ông sẽ trả người bạn cũ mỗi năm 2000 tệ và trả trong vòng 10 năm.

Nhận được tiền từ thư ký của Mao Trạch Đông, Chương Sĩ Chiêu mới nhờ con gái chuyển lời lại rằng, ông không thể nhận số tiền này bởi đây là số tiền ông quyên góp được mà không phải tiền cá nhân ông.

Biết chuyện, Mao Trạch Đông nhất quyết vẫn “trả nợ” theo lời hứa kèm lời giải thích rằng, đây là tiền nhuận bút của riêng ông gửi làm sinh hoạt phí cho Chương Sĩ Chiêu.

Theo đó, kể từ tết 1963, cứ mùng 2 tết hàng năm, Mao Trạch Đông sẽ nhờ thư ký chuyển cho Chương Sĩ Chiêu 2000 tệ và đến năm 1972, Mao mới “trả hết nợ”. Tuy nhiên, sau tết năm 1973, Mao Trạch Đông lại nói với Chương Hàm Chi rằng, từ năm nay ông sẽ trả tiền lãi của khoản nợ đó.

“Số lãi của 50 năm ta cũng không biết là bao nhiêu. Thế nên, ta cứ sẽ trả cho đến khi cha cháu về già”, Mao Trạch Đông nói.

Cái tết cô độc cuối cùng

Tết năm 1976, lúc này tình hình sức khỏe của Mao Trạch Đông vô cùng yếu. Lúc này, ông dường như đã mất khả năng tự chủ, đến “mở miệng ăn cơm” cũng rất khó khăn. Đêm giao thừa nhưng trong phòng ngủ của Mao Trạch Đông cũng chỉ có ánh đèn leo lét, không người thân hay khách khứa đến thăm nom. Bên cạnh ông chỉ còn vài nhân viên thư ký thân tín.

“Bữa tất niên, tôi đút cho Chủ tịch từng thìa một. Chủ tịch vẫn theo thói quen nằm nghiêng trên giường bệnh ăn chút cơm và mấy miếng cá Vũ Xương, món ăn mà Chủ tịch rất thích. Đó là bữa cơm tất niên cuối cùng của Chủ tịch”, Trương Ngọc Phượng – Thư ký riêng của Mao kể lại.

Trương Ngọc Phượng cho biết thêm, sau bữa ăn, nhóm nhân viên dìu Mao xuống giường đến phòng khách và tựa vào thành ghế sofa trầm ngâm nghỉ ngơi. Bên ngoài tiếng pháo tết xa gần dội lại.

“Đốt chút pháo đi. Các đồng chí vẫn còn trẻ, cũng nên ăn tết rộn rã chứ”, Mao Trạch Đông nói giọng thều thào. Nghe thấy thế, Trương liền thông báo cho mấy nhân viên trực ban bên ngoài. Nhóm nhân viên này sau đó đã chuẩn bị mấy bánh pháo và đốt ở ngoài sân. Nghe tiếng pháo, khuôn mặt gầy guộc, ốm yếu của Mao chợt mỉm cười.

Đến 9/9/1976, Mao Trạch Đông qua đời. Quãng thời gian cuối đời, do Giang Thanh ngăn cản nên đến cả Lý Mẫn – con gái Mao với người vợ thứ ba Hạ Tử Trân cũng không được đến Trung Nam Hải thăm cha.

Cho đến giây phút cuối cùng, Hoa Quốc Phong – người kế nhiệm Mao Trạch Đông, mới cử người đi tìm Lý Mẫn. Lúc này, Mao Trạch Đông đã không thể nói được nhưng nước mắt không ngừng chảy, cầm tay Lý Mẫn vẽ một vòng tròn rồi tắt thở.

Theo Nhân dân nhật báo, hành động của Mao Trạch Đông được nhiều người suy đoán rằng, có thể ông đang nhớ về bà Hạ Tử Trân bởi bà còn có tên khác là Quế Viên (viên có nghĩa là tròn).

RELATED ARTICLES

Tin mới