Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCần ngăn chặn "Vạn Lý Trường Thành" bất hợp pháp của Trung...

Cần ngăn chặn “Vạn Lý Trường Thành” bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

BienDong.Net: Tạp chí National Interest có trụ sở tại Mỹ ngày 03/9 đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu Paul Pedrozo về so sánh cơ sở lịch sử và pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông.

Theo tác giả bài viết, “kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ lưu trữ và luật trong lịch sử cho thấy tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không có căn cứ”, trong khi Việt Nam có cơ sở vững chắc cho tuyên bố chủ quyền đối với cả hai quần đảo. Sau đây, BDN xin giới thiệu bản dịch bài phân tích này.

Sáu tháng đầu năm 2014 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các hành động hiếu chiến của Trung Quốc khi nước này thực hiện chiến thuật lát cắt salami trên khu vực Biển Đông. Bắc Kinh tìm cách thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền trên khu vực hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng như các vùng biển lân cận.

Hồi tháng Hai, Trung Quốc tiến hành một dự án lấn biển quy mô lớn trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, nơi nước này có thể xây dựng một sân bay quân sự với mục đích kiểm soát các tuyến đường biển chiến lược trên khu vực Biển Đông. Một tháng sau đó, Trung Quốc thực thi một quy định mới về đánh bắt cá, trong đó yêu cầu tất cả tàu cá của nước ngoài hoạt động trên khu vực “đường chín đoạn”, với diện tích trên 2 triệu cây số vuông, phải xin giấy phép từ chính quyền Trung Quốc.

Hồi tháng Năm, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou 981 vào khu vực cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Tàu hải quân, tàu tuần tra và một số lượng lớn tàu cá của Trung Quốc được bố trí quanh khu vực giàn khoan để bảo vệ hoạt động của giàn khoan này. Một tuần sau đó, các tàu hải giám Trung Quốc đã ngăn cản chính quyền Philippines cung cấp nhu yếu phẩm cho 10 lính thủy đánh bộ của nước này đồn trú trên một tàu hải quân cũ Sierra Madre trên bãi Cỏ Mây, bất chấp đơn vị này đã được chính quyền Philippines tiếp tế liên tục kể từ năm 1999.

Sau đó, trong một động thái nhằm bác bỏ đề xuất của Mỹ tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về việc “đóng băng” tất cả các hành động gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc hồi tháng Tám đã công bố sẽ xây dựng 5 ngọn hải đăng trong đó có 2 ngọn trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà nước này cho là để phục vụ an toàn hàng hải. Hai tuần sau đó, một báy bay Su-27 của Trung Quốc thực hiện một vụ can thiệp nguy hiểm để chặn một máy bay P-8 của Hải quân Mỹ tiến hành bay do thám tại khu vực cách đảo Hải Nam 135 hải lý về phía Đông. Trong vụ đối đầu này, máy bay của Trung Quốc đã nhiều lần bay phía dưới và bay song song với chiếc máy bay P-8 trước khi lộn một vòng phía trước chiếc máy bay Mỹ và bay với khoảng cách chỉ chưa đến 10 mét. Vụ đối đầu này đã làm gợi lại vụ va chạm năm 2001 giữa máy bay do thám Mỹ và máy bay của Trung Quốc.

Trung Quốc biện hộ cho những hành động này bằng việc khẳng định nước này có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo trên khu vực Biển Đông cùng với các vùng biển lân cận. Trung Quốc cũng tuyên bố nước này có chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa nằm trong khu vực “đường chín đoạn”. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ lưu trữ và luật trong lịch sử cho thấy tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không có căn cứ.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa dựa trên cơ sở nước này phát hiện ra các quần đảo trên từ thời nhà Hán. Mặc dù những người đi biển Trung Quốc thời đó phát hiện ra sự tồn tại của các đảo trên Biển Đông, song không có bằng chứng chắc chắn về việc Trung Quốc thực sự “phát hiện” ra các đảo này trước các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines.

Hơn nữa, thậm chí nếu Trung Quốc thực sự là nước đầu tiên phát hiện ra các đảo này thì theo luật quốc tế, việc phát hiện ra các đảo mà không có các hành động tiếp theo như chiếm đóng và kiểm soát thì nước đó không thể tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đó. Việc chiếm đóng chỉ có hiệu lực khi quốc gia tuyên bố chủ quyền có chủ ý hành động như quốc gia có chủ quyền và trên thực tế đã có các hành động thể hiện chủ quyền đối với khu vực đó. Tuy nhiên, không hề có bất cứ bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy Trung Quốc chiếm đóng các đảo này liên tục và hòa bình, hay tiến hành các hoạt động thể hiện quyền chủ quyền đối với các đảo này.

Trung Quốc chỉ có tài liệu ghi chép cho thấy ngư dân Trung Quốc đôi lúc sống trên một số đảo trên quần đảo Trường Sa trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo luật quốc tế, hành động của các cá nhân không được coi là hành động của “quốc gia” trừ khi các hành động này ngay lập tức được nối tiếp hoặc cho phép bởi chính quyền. Không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy chính quyền Trung Quốc từng cho phép hay đồng ý với những hành động này.

Hoạt động tuyên bố chủ quyền đầu tiên của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa mà có thể xác minh được bắt đầu từ năm 1909. Tuy nhiên, những hành động này diễn ra gần 100 năm sau khi Hoàng đế Gia Long của Việt Nam chính thức tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này từ năm 1816. Việt Nam và Pháp đã liên tục quản lý các hòn đảo này cho đến khi họ bị quân Nhật xua đuổi trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Hành động tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa mà có thể xác minh được bắt đầu từ năm 1933, trong khi Pháp đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này từ năm 1929 trên cơ sở đây là các đảo hoang. Quân pháp chính thức chiếm đóng các đảo này từ năm 1933. Tại thời điểm Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa, đánh chiếm vẫn là một biện pháp hợp pháp để tuyên bố chủ quyền theo luật quốc tế. Sau khi Hiến chương Liên Hợp Quốc có hiệu lực vào tháng 10 năm 1945, việc đánh chiếm để tuyên bố bố chủ quyền đã trở thành phi pháp.

Trung Quốc cũng dựa vào một loạt các hiệp ước, văn kiện và tuyên bố nhằm hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của nước này tại các đảo trên Biển Đông song không có văn kiện nào thực sự ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng Pháp đã nhượng bộ tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi nước này ký Hiệp ước Pháp – Trung năm 1887. Tuy nhiên, khi đọc hiệp ước này sẽ thấy quan điểm này của Trung Quốc không được ghi nhận trong hiệp ước. Đường biên giới năm 1887 được thiết lập bởi hiệp ước chỉ xác định chủ quyền đối với các đảo ven biển, không đề cập tới các đảo ngoài khơi thuộc vịnh Bắc Bộ cũng như các đảo ở xa hơn thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tương tự như vây, việc Trung Quốc dựa vào Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Postdam để củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này cũng không có giá trị. Những văn kiện này chỉ ghi nhận rằng Trung Quốc sẽ kiểm soát khu vực Mãn Châu, Đài Loan và quần đảo Penghu sau chiến tranh. Câu tiếp theo trong văn kiện có nội dung Nhật Bản sẽ bị xua đuổi khỏi “các vùng lãnh thổ khác” mà nước này chiếm được bằng vũ lực, song câu này không nói rằng “các vùng lãnh thổ khác” này sẽ thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Kết luận hợp lý nhất là “các vùng lãnh thổ khác” bao gồm các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được thu giữ bằng vũ lực bởi người Pháp, không phải Trung Quốc. Vì vậy, những hòn đảo này, sẽ thuộc về Pháp chứ không phải Trung Quốc sau khi chiến tranh kết thúc.

Kết luận này được củng cố bởi sự thực là Tưởng Giới Thạch có mặt tại Hội nghị Cairo song không đề cập gì đến các đảo trên Biển Đông trong văn kiện được phát hành. Chắc chắn một điều là nếu quần đảo Hoàng Sa được coi là thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ trước chiến tranh thì Tưởng Giới Thạch sẽ yêu cầu trả các quần đảo này lại cho Trung Quốc ngay tại Hội nghị.

Ngoài ra, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trên Biển Đông cũng được ghi nhận trong quá trình phác thảo Hiệp ước hòa bình 1951 với Nhật Bản. Tuy nhiên, nội dung cuối cùng của văn kiện ghi nhận Nhật Bản từ bỏ chủ quyền đối với Đài Loan và quần đảo Penghu, và các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, trong hai mục khác nhau thuộc Điều 2. Vì vậy, có thể hiểu rằng Nhật Bản từ bỏ chủ quyền của Đài Loan và Penghu cho Trung Quốc, và từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa cho Pháp. Nếu những người soạn thảo bản hiệp ước muốn trao trả tất cả các đảo này cho một quốc gia, thì họ sẽ không bao giờ đưa nội dung này vào hai mục khác nhau.

Tương tự như vậy, lý lẽ của Trung Quốc rằng Nhật Bản trao trao trả Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Quốc trong hai thỏa thuận riêng biệt, kết thúc sự thù địch giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản cũng không có căn cứ. Điều 2 của Hiệp ước Đài Loan – Nhật 1952 chỉ đơn thuần ghi nhận rằng Nhật Bản từ bỏ chủ quyền đối với Đài Loan, quần đảo Penghu và các đảo trên Biển Đông. Nếu hiệp ước chủ ý có nội dung chuyển giao hai quần đảo này cho Đài Loan thì nội dung này phải được ghi nhận rõ ràng trong hiệp ước. Tương tự, Thông cáo chung Trung – Nhật 1972 cũng không ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh. Thông cáo chung này chỉ ghi nhận rằng Điều 8 của Tuyên bố Postdam sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, cả Tuyên bố Postdam và Tuyên bố Cairo đều không ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trên Biển Đông.

Trung Quốc cũng biện luận một cách thiếu chính xác rằng nước này tái chiếm quyền sở hữu đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1946 khi các lực lượng Quốc dân đảng chấp nhận quân Nhật đầu hàng tại miền bắc bán đảo Đông Dương thuộc Pháp từ vĩ tuyến 16. Quân đội của Quốc dân đảng được gửi tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa và đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa với tư cách là quân chiếm đóng theo Tổng lệnh số 1 của tướng MacAthur. Tuy nhiên, lệnh này không ghi nhận việc chuyển chủ quyền các đảo trên Biển Đông cho Trung Quốc. Ngược lại, Cộng hòa Trung Quốc và Pháp sau đó đã đồng ý Pháp sẽ thế chân quân Quốc dân đảng ở miền bắc Đông Dương, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ ngày 31/3/1946. Với tư cách là lực lượng chiếm đóng, quân Quốc dân đảng có nghĩa vụ phải rời khỏi Đông Dương thuộc Pháp song họ đã không tuân thủ điều này.

Sự thực rằng quân Trung Quốc ở lại bất hợp pháp trên các đảo Ba Bình và Phú Lâm sau khi sự chiếm đóng của quân Đồng minh tại Đông Dương chính thức chấm dứt từ tháng 3/1946 là một sự vi pham rõ ràng đối với Điều 2 (4) Hiến chương Liên Hợp Quốc, và vì vậy, không thể sử dụng là cơ sở cho Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo. Tương tự như vậy, việc Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình từ năm 1956, Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo khách thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 và 1995 cũng là hành vi vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, và vì vậy Trung Quốc không thể có chủ quyền hợp pháp đối với các đảo này.

Trung Quốc cũng tuyên bố rằng Bắc Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông vào những năm 1950 và 1960. Tuy nhiên, việc Trung Quốc dựa vào những tuyên bố này không hợp lý bởi một số lý do. Quan trong nhất là Bắc Việt Nam không có gì để từ bỏ trong khoảng thời gian này. Hiệp ước Giơnevơ 1954 chia chia Việt Nam thành hai miền Bắc và Nam tại vĩ tuyến 17, trong khi cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm ở phía nam vĩ tuyến 17. Vì vậy các đảo trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Nam Việt Nam với tư cách là nước thừa kế Pháp. Kết quả là Bắc Việt Nam không thể nhượng bộ vùng lãnh thổ này; bất cứ tuyên bố nào của các quan chức Bắc Việt Nam đối với các đảo này đều vô nghĩa về mặt pháp lý.

Dựa trên các chứng cứ do các bên tuyên bố chủ quyền đưa ra và các nguyên tắc chung của luật quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ, có thể thấy Việt Nam có chứng cứ mạnh hơn Trung Quốc đối với tuyên bố chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông.

Một loạt các hành động do chính quyền Pháp và Việt Nam tiến hành từ thế kỷ 18 đã cũng cấp các chứng cứ không thể tranh cãi về việc Việt Nam liên tục kiểm soát quần đảo Hoàng Sa trong hòa bình. Chủ quyền của Việt Nam được thiết lập lần đầu tiên vào thế kỷ 18 với việc thành lập Đội Hoàng Sa do chính quyền hỗ trợ; được duy trì bởi các hoàng đế Gia Long và Minh Mạng trong thế kỷ 19; tạm thời đảm nhiệm bởi người Pháp trong nửa sau thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20; và tiếp tục được duy trì một cách bình thường bởi chính quyền Nam Việt Nam độc lập sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1956, và nước Việt Nam thống nhất sau 1976.

Tương tự, Pháp đã thay mặt cho Việt Nam thực hiện các hoạt hoạt động khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, đặc biệt là việc chính thức sáp nhập quần đảo này vào năm 1933. Tại thời điểm đó, việc Pháp sáp nhập quần đảo này trên cơ sở đây là các hoang đảo là hoàn toàn phù hợp với luật và tập quán quốc tế. Nước Anh mặc dù kiểm soát một số đảo trên quần đảo Trường Sa trong những năm 1800 song đã từ bỏ tuyên bố chủ quyền sau khi Pháp chính thức sáp nhập, vì vậy chủ quyền của Pháp đối với quần đảo Trường Sa là hợp pháp và có cơ sở chắc chắn. Sau đó các hoạt động của Pháp và Việt Nam đã thể hiện rõ ràng sự hiện diện tích cực, cũng như việc thực thi quyền chủ quyền trong hòa bình đối với quần đảo Trường Sa. Chủ quyền của Pháp đối với quần đảo này được nhượng lại cho Nam Việt Nam trong những năm 1950 và chính quyền Nam Việt Nam (và sau này là chính quyền Việt Nam thống nhất) đã thực thi việc kiểm soát các đảo này trong hòa bình tới khi Đài Loan chiếm đống bất hợp pháp đảo Ba Bình năm 1956, và Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo trong quần đảo vào năm 1988.

Biển Đông là nơi có một số tuyến đường biển tấp nập nhất thế giới. Hơn 5 nghìn tỉ đôla giá trị thương mại, bao gồm hơn một nửa lượng chuyên chở dầu và hơn một nửa số tàu thuyền thương mại tính theo khối lượng và lượt chuyên chở. Con số này đã bao gồn hơn một nghìn tỉ đôla hàng hóa thương mại của Mỹ. Một cuộc xung đột trong khu vực sẽ gây ra bất ổn đối với nền kinh tế thế giới.

Mỹ phải bày tỏ rõ ràng sự phản đối đối với sự hiếu chiến của Trung Quốc trên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và khuyến khích các nước bạn bè và đồng minh làm điều tương tự. Việt Nam cần được khuyến khích đi theo Philippines trong việc tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp thông qua một diễn đàn quốc tế. Việc Mỹ tiếp tục kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền làm rõ tuyên bố của họ trên cơ sở luật quốc tế là không cần thiết. Sự thật và luật pháp đã rất rõ ràng: tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không có căn cứ và hành xử của nước này đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Việc Mỹ giữ thái độ trung lập sẽ khiến Trung Quốc có thêm các hành đồng hiếu chiến đối với các nước láng giềng nhỏ hơn, đồng thời đưa Trung Quốc gần hơn với việc hiện thực hóa việc chiếm giữ các đảo trên Biển Đông một cách bất hợp pháp.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới