Thái Lan tăng tốc dự án đường sắt cao tốc được Trung Quốc đầu tư, bỏ qua nhiều thủ tục của Hiến pháp.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã thúc đẩy tăng tốc dự án đường sắt cao tốc Thái Lan – Trung Quốc.
Đặc biệt, việc tăng tốc này được vận dụng theo Điều 44 Hiến pháp để bỏ qua nhiều thủ tục.
Thủ tướng Thái Lan khẳng định đây không phải là ưu đãi Bắc Kinh mà là vì lợi ích của Thái Lan.
Điều khoản trên quy định Thủ tướng có quyền hạn tuyệt đối trong các quyết định về Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.
Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam trong cuộc họp nội các ngày 13/6 cho biết, quốc gia này dự kiến áp dụng điều 44 đối với 5 vấn đề pháp lý cản trở dự án với Trung Quốc, trong đó có vấn đề xây dựng và đấu thầu.
Đạo luật Kỹ sư Thái Lan yêu cầu các kỹ sư và kiến trúc sư nước ngoài phải trả qua cuộc thi cấp bằng mới có thể làm việc tại quốc gia này. Điều này khiến các chuyên gia Trung Quốc không thể được đến làm việc.
Một quy định khác thì khẳng định, các dự án trên 5 tỉ baht (3.346 tỉ đồng) phải được xem xét bởi một hội đồng cấp cao với quy trình rất phức tạp.
Vấn đề trở ngại lớn nhất là dự án đường sắt cao tốc mà Trung Quốc đầu tư cho Thái Lan đi qua nhiều khu đất nông nghiệp không được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Điều này đã kéo lùi dự án khiến ông Prayut Chan-o-cha quyết định sẽ vận dụng điều luật cho phép tăng quyền của Thủ tướng.
Tuyến đường sắt được khởi động từ năm 2014, dự kiến nối tỉnh Côn Minh của Trung Quốc với vịnh Thái Lan.
Giai đoạn 1 sẽ là chặng nối Bangkok với tỉnh Nakhon Ratchasima có kinh phí dự kiến lên đến 5,2 tỉ USD (118 ngàn tỉ đồng).
Giai đoạn 2 của dự án gồm 355 km đường sắt sẽ được triển khai từ Nong Khai tới biên giới Thái Lan – Lào, kết nối với tuyến đường sắt Trung Quốc nối Lào từ Viêng Chăn tới Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc).
Nếu áp dụng Điều 44 theo Hiến pháp, Thủ tướng Thái Lan sẽ “cứu” cho dự án đường sắt của Bắc Kinh. Đây là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của Thái Lan trong nhiều năm và là một phần quan trọng của hạ tầng cơ sở ở quốc gia này.
Dự án đường sắt của Trung Quốc tại Thái Lan khởi động từ năm 2014 nhưng gặp nhiều khó khăn. |
Bộ trưởng Giao thông Arkhom Termpitayapaisit cho rằng, các quyết định về pháp lý là vấn đề cản trở và thay đổi là cần thiết cho dự án trị giá trên 5 tỉ USD. Thái Lan không thể ký được hợp đồng với Bắc Kinh với các quy định hiện hành.
Ông Arkhom cho biết, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam sẽ chuẩn bị một cách chi tiết về các miễn trừ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án.
Chính phủ Thái Lan đang cố gắng thúc đẩy dự án này vào tháng 7 trước khi Thủ tướng Thái Lan sang thăm Trung Quốc vào tháng 9 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Thời gian gần đây, Bangkok nhận được nhiều dự án từ Trung Quốc không chỉ qua thỏa thuận dân sự như tuyến đường sắt nói trên.
Ngày 14/6, Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan, Đại tướng Chalermchai Sitthisart cho biết Thái Lan sẽ mua của Trung Quốc 34 xe bọc thép chở quân trị giá 2,3 tỷ baht (68 triệu USD).
Việc mua sắm này là thỏa thuận quốc phòng mới nhất giữa Bangkok và Bắc Kinh trong bối cảnh mối quan hệ song phương ấm lên kể từ cuộc đảo chính quân sự của Thái Lan hồi năm 2014.
Thái Lan nỗ lực tăng thêm các thỏa thuận với Trung Quốc. |
Tướng Chalermchai Sitthisart lưu ý rằng việc lựa chọn Trung Quốc không phải là kết quả của mối quan hệ khăng khít hơn giữa hai nước, tuy nhiên, đây là sự lựa chọn có hiệu quả kinh tế nhất.
Theo vị tướng Thái Lan, thỏa thuận cung cấp trên phù hợp với nhu cầu của Thái Lan và giá cả tương ứng.