Bản tin Biển Đông ngày 15/06/2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nỗ lực xoa dịu quan ngại của các nước đồng minh tại Đối thoại Shangri-La 2017
Ngày 14/6, AMTI đăng bài viết “Ông Mattis có chủ ý xoa dịu quan ngại của các nước đồng minh tại Đối thoại Shangri-La” của Richard Javad Heydarian, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học De La Salle, đồng thời là cố vấn chính sách của Quốc hội Philippines (2009 – 2015).
Tại Hội nghị về An ninh Châu Á – Đối thoại Shangri-La 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khẳng định Washington đã và sẽ không “bỏ mặc” các thách thức quan trọng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, thậm chí còn chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về việc nước này “không tuân thủ luật pháp quốc tế” và “coi thường lợi ích của các quốc gia khác”. Ông Heydarian cho rằng, thông qua giọng điệu cứng rắn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang cố gắng nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Trump nhằm bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ trước các nguy cơ mới, trong đó có những hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Cùng với các Bộ trưởng Quốc phòng Úc và Nhật Bản, ông Mattis đã chỉ trích hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm hệ thống các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở khu vực. Tuy nhiên, ông không công khai bất cứ thông tin nào về các bước đi cụ thể mà Washington sẽ triển khai nhằm thách thức các tham vọng trên biển đang ngày càng lớn của Trung Quốc.
Chuẩn đô đốc Trung Quốc bao biện cho việc xây dựng trái phép các cơ sở quân sự của mình trên Biển Đông
Ngày 14/6, tạp chí Thời báo Hoàn cầu đưa tin, đáp trả phát biểu của Tướng Joseph Dunford, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tại phiên điều trần của Quốc hội Mỹ rằng việc Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự sẽ đe doạ đến các lực lượng quân sự của Mỹ ở nước này và Mỹ cần tăng cường ngân sách quốc phòng để đối phó với tình hình này, ông Xu Guangyu, một đô đốc của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn lớn tiếng tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển quân đội và “Mỹ cần phải làm quen với điều đó” nhưng ngay lập tức đã phủ nhận rằng “điều này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang chuẩn bị khơi mào chiến tranh với Mỹ, miễn là Mỹ không xem Trung Quốc như kẻ thù”. Nhưng ông này lại tỏ ra mâu thuẫn khi bỏ ngỏ rằng “Trung Quốc không loại trừ khả năng xung đột quân sự với Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương do hành động gây hấn của “một số quan chức hiếu chiến” và ngang nhiên cho rằng “đó là lý do vì sao Trung Quốc phải sẵn sàng chiến đấu ở Biển Đông”.
Tranh cãi liên quan đến tàu chiến ở Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc
Ngày 14/6, tờ Huffington Post đăng bài viết “Tranh chấp liên quan đến tàu chiến ở Biển Đông: “chuyện cơm bữa” giữa Mỹ và Trung Quốc” của Alessandro Uras, Giảng viên tại Đại học Cagliari, Ý. Liên quan đến hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải đầu tiên trong nhiệm kỳ của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5, ông Uras cho rằng mặc dù sự cạnh tranh giữa hai siêu cường sẽ tiếp tục song tác giả cho rằng khó có thể leo thang trong tương lai gần, trấn an rằng những cáo buộc qua lại giữa hai bên về hoạt động của các tàu chiến rốt cục cũng chỉ là “chuyện cơm bữa”. Thêm vào đó, tuy hai bên sẽ không tránh khỏi cuộc đối đầu song cho đến nay, các bên khéo léo giữ các cuộc tranh cãi ở mức “an toàn” ở không có đồng minh nào của Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận FONOP. Tuy nhiên, Trung Quốc và Mỹ luôn kiên định giữ vững lập trường của mình. Với Mỹ, việc đảm bảo tự do hàng hải xuyên khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là “một đặc quyền của quốc gia” và là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong khi đó, Bắc Kinh lại cho rằng không thể chấp nhận việc “các tàu quân sự đi vào lãnh hải của một quốc gia ven biển mà không có sự cho phép”, “các tàu quân sự xuất hiện trong các vùng đặc quyền kinh tế là không hợp pháp và đáng ngờ”, “chỉ các tàu phi quân sự mới có quyền được đi qua”. Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra nhiều dấu hiệu cho thấy nước này vẫn sẽ tiếp tục chính sách về vấn đề Biển Đông của Chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama song tác giả cho rằng Mỹ sẽ không áp lực cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông vào lúc này vì Mỹ vẫn cần sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu đang nổi lên, từ khủng bố đến vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh cũng không phải là không biết rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ sẽ tiếp tục nhưng sau cùng, các hoạt động này vẫn là hành động cân bằng địa chính trị: vừa không đe doạ trực tiếp đến hiện trạng ở khu vực, vừa khẳng định được vị thế của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương.