Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 16/06

Bản tin Biển Đông ngày 16/06

Bản tin Biển Đông ngày 16/06/2017.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định các cuộc tập trận tự do hàng hải nằm trong chiến lược của Mỹ ở Biển Đông

Ngày 15/6, tạp chí Economic Times đưa tin, tại phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 14/6, trả lời câu hỏi yêu cầu giải thích về việc Hải quân Mỹ không tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông trong suốt 6 tháng, kể từ tháng 10/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông “nằm trong chính sách của Mỹ”, Mỹ “đã có một chương trình nằm trong chiến lược nhất quán với quan điểm của Ngoại trưởng Rex Tillerson về chính sách đối ngoại”, do đó “Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động này”. Ông cũng nhấn mạnh “hiện thời ông và Ngoại trưởng Rex Tillerson đang giữ trách nhiệm, do đó sẽ không có gì thay đổi trong chính sách này”. Liên quan đến phát biểu này của Bộ trưởng Mattis, Thượng Nghị sỹ Brian Schatz bày tỏ vui mừng khi chính quyền tiếp tục triển khai các hoạt động này nhưng đồng thời cũng lo ngại về “sự thiếu ổn định và phương thức chuyển tải thông điệp về quyết tâm của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng vi phạm và coi thường luật pháp quốc tế”.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tuyên bố các tàu hải quân nước này sẽ tăng thêm thời gian hoạt động ở Biển Đông trong năm 2017

Hãng Channel News Asia đưa tin, ngày 15/6, tại Trung Quốc, Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tuyên bố các tàu hải quân của Mỹ theo lịch trình sẽ tăng thời lượng hoạt động trên Biển Đông trong năm 2017. Ông Swift cho biết, số ngày các tàu của Hải quân Mỹ hiện diện ở khu vực sẽ lên đến 900 ngày trong năm, so với mức 700 ngày như mọi năm, “đánh dấu mức độ gia tăng số lượng các nhóm tàu tác sân bay chiến đấu hiện đang hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương”. Tuy nhiên ông cho hay sự thay đổi này có thể sẽ không tiếp tục trong năm tới.

Học giả Trung Quốc lớn giọng đả kích báo cáo thường niên của Quốc hội Mỹ và các hoạt động tự do của nước này ở Biển Đông

Ngày 16/6, tờ Trung Hoa Nhật báo đăng bài viết “Không thể chấp nhận các cuộc tuần tra của Mỹ dưới cái mác Tự do hàng hải” của Jin Yongming, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Đại dương Trung Quốc, Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Trung Quốc. Bằng giọng điệu hiếu chiến, tác giả bài viết đã đưa ra những chỉ trích gay gắt, thiếu khách quan về việc Bộ Quốc phòng Mỹ trình Quốc hội báo cáo thường niên tố cáo Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài “gây sức ép phi quân sự” nhằm giành quyền kiểm soát đối với các tuyến đường biển chiến lược ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời tỏ lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các căn cứ quân sự trên biển. Viện dẫn phát biểu của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về vấn đề này, ông Yongming ngang ngược chỉ trích các cuộc tuần tra của Mỹ gần Trường Sa “của Trung Quốc” là những hoạt động “không được chấp nhận dưới cái mác tự do hàng hải”, “gây tổn hại đến “chủ quyền của nước này” đối với các vùng biển”; “Trung Quốc cho rằng các cuộc tuần tra này không phải là tự do hàng hải và do đó, phải tuân thủ luật của Trung Quốc về quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài và cần phải có sự cho phép của Trung Quốc”. Tác giả thậm chí còn vô cớ cáo buộc “các tàu chiến của Mỹ đã đi vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Trường Sa mà không được sự cho phép trước của Trung Quốc, gây ra lo ngại về an ninh của Trung Quốc và dẫn đến “những tai nạn bất ngờ”, đi ngược lại tinh thần của Biên bản ghi nhớ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc liên quan đến việc thông báo chung về các sự kiện quân sự lớn và các cuộc đụng độ trên không và trên biển, gây tổn hại đến quan hệ Mỹ – Trung và những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm làm giảm căng thẳng xuất phát từ tranh chấp Biển Đông”. Không dừng lại ở đó, ông này còn ngang ngược tung ra lời đe doạ “nếu các tàu chiến của Mỹ tiếp tục tuần tra ở các vùng biển thuộc Trường Sa dưới cái vỏ “tự do hàng hải”, Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ “chủ quyền và an ninh của mình, bao gồm việc phòng thủ cho “các vùng lãnh hải của mình” trên Biển Đông”. Qua lối lập luận thiếu thuyết phục, chủ quan, duy ý chí của tác giả bài viết, có thể thấy một cách rõ ràng tư duy bao biện, hiếu chiến, ngang nhiên đi ngược lại luật pháp quốc tế dường như khó có khả năng thay đổi được, từ các cấp cao nhất trở xuống về các yêu sách chủ quyền phi lý và thái quá mà nước này nhằm áp đặt quyền kiểm soát đối với gần như toàn bộ Biển Đông, đe doạ hoà bình và ổn định của khu vực cũng như gây ra không ít lo ngại đối với cộng đồng quốc tế về tham vọng không có điểm dừng của nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới